Giữ nghề cho phố cổ

04/02/2009 22:34 GMT+7 | Văn hoá

Từ lâu phố cổ Hà Nội đã trở thành địa điểm hấp dẫn du khách bởi không gian, kiến trúc cổ kính, bởi nét truyền thống văn hóa và bởi cả sự đa dạng của những phố nghề.
 

Bảo tồn các dòng tranh

Một tuần lễ văn hóa giới thiệu về ba dòng tranh dân gian và nghề làm giấy sắc phong (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng; dòng giấy sắc phong tại làng Trung Nha (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) vừa được tổ chức tại khu phố cổ Hà Nội. Đây là những nghề truyền thống đã và đang bị mai một.

Tình cờ ghé qua triển lãm, anh Stephane, du khách Pháp rất thích thú ngắm họa tiết các dòng tranh. Anh đã xin địa chỉ và đến tận các làng nghề để tìm hiểu. Theo Stephan điều thôi thúc anh đến Việt Nam tìm hiểu chính là nét văn hóa truyền thống và phần nào anh đã thấy cái "hồn" của các dòng tranh dân gian này.

Với mong muốn bảo tồn và lưu giữ các dòng tranh này, BQL phố cổ Hà Nội coi đây sẽ là một dịp để các dòng họ, gia đình và các nghệ nhân cùng với khách tham quan có dịp tìm hiểu, giới thiệu và trao đổi với nhau về các giá trị văn hóa truyền thống. Theo khảo sát mới đây, còn rất ít người theo nghề làm các dòng tranh truyền thống này. Làng Đông Hồ (Bắc Ninh) hiện tràn ngập với nghề làm đồ hàng mã, trong khi dòng tranh Kim Hoàng không còn ai theo nghề. Đối với dòng tranh Hàng Trống hiện chỉ còn duy nhất 2 cha con nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn theo với nghề. Ông Nghiên cho biết: "Nhìn chung tranh Hàng Trống, có hai mảng rõ nét: Một là phục vụ tín ngưỡng tâm linh trang trí đền chùa...; hai là phục vụ theo mảng cổ truyền, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán".

Tranh Hàng Trống
Cái thú chơi tranh treo ngày Tết cũng như chơi hoa vào dịp này đã có từ lâu đời của dân tộc Việt. Khác với dòng tranh Đông Hồ, dòng tranh Hàng Trống không được in tất cả bằng ván khắc mà chỉ in "một nửa", in những đường nét chính sau đó tô vẽ lại. Việc tô màu bằng tay luôn tạo ra những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế uyển chuyển. Tranh Hàng Trống được tạo hình không giống tranh hiện đại, mà cũng chẳng giống tranh cổ điển. Điều ông Nghiên trăn trở nhất hiện nay là nguy cơ thất truyền của dòng tranh Hàng Trống. Bởi vậy, mỗi khi Tết đến, ông thường tổ chức các buổi giới thiệu tranh. Khoảng 6 năm trở lại đây, người con của ông Nghiên là anh Lê Hoàn đã học nghề để nối nghiệp cha. Anh Hoàn cho biết: "Tôi mong bảo tồn được nghề. Hiện nay, có rất nhiều người am hiểu về giá trị văn hóa truyền thống cũng như giá trị tâm linh của tranh Hàng Trống nên cũng đã có nhiều đơn "đặt hàng". Trong tương lai anh Hoàn dự tính sẽ mở cửa hàng tranh và giới thiệu dòng tranh này cho du khách mê nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Giữ gìn những "phố nghề"

Chị Thu Lan, chuyên viên BQL phố cổ Hà Nội cho biết, khu phố cổ gắn với liền với 36 phố phường là nơi hội tụ người tài của trăm vùng, mọi tinh hoa đất Việt vốn "khéo tay hay nghề" quy tụ về vùng đất Thăng Long (hay còn có tên là Đông Kinh - Kẻ Chợ). Làng nghề ven đô giao lưu kinh tế, văn hóa với nội đô, khiến cho làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trở nên phong phú, đa dạng. Sản phẩm của nghề thủ công truyền thống là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nó được tạo nên bởi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công. Nhiều sản phẩm truyền thống có tính nghệ thuật cao, trong đó có hàm chứa những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi làng nghề. Với những đặc điểm độc đáo ấy chúng không còn là hàng hóa đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm văn hóa với tính nghệ thuật cao và được coi là biểu tượng nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó là di sản văn hóa quý báu mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và truyền lại cho các thế hệ sau và là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách thập phương khi đến nơi này.

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế trong quá trình đô thị hóa, khu phố cổ Hà Nội đang tự chuyển mình để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Để giữ nghề phố cổ, theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cần phải có sự gắn kết giữa làng nghề thủ công truyền thống tại các nơi với phố nghề trong khu vực phố cổ để tạo ra đúng những tuyến phố "phố nghề - làng nghề". Ý tưởng là vậy và Ban quản lý phố cổ mới thực hiện khảo sát làng nghề tiện khắc gỗ Nhị Khê (huyện Thường Tín) và nay chuyên cung cấp hàng thủ công mỹ nghệ cho phố Tô Tịch; hoặc hàng thủ công mỹ nghệ vàng bạc, kim hoàn tại làng Châu Khê (Hải Dương), Đồng Sâm (Thái Bình) đưa hàng giới thiệu tại phố Hàng Bạc... Để giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước các nghề truyền thống tại phố cổ cũng như cả khu vực đồng bằng Bắc bộ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội thường tổ chức trưng bày các hình ảnh, mẫu sản vật, đồ thủ công mỹ nghệ, địa chỉ các làng nghề trong vùng tại ngôi nhà kiến trúc cổ ở 87 Mã Mây để giới thiệu với người xem về một nét văn hóa Hà thành.
 
Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm