Những điều ít biết về trâu

26/01/2009 12:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Trong văn hóa 12 con Giáp thì Trâu là con vật to lớn nhất, nhưng không được xếp thứ nhất. Trong khi đó Chuột (Năm Tý), con vật nhỏ nhất lại được đứng hàng đầu. Vì Chuột có công “Khai thiên”, tức đã… cắn nát màn đêm mở ra ánh bình minh của ban ngày. Còn Trâu là con vật to lớn, vạm vỡ nhưng hiền lành, trung thực, cần mẫn, có sức khỏe nên được giao nhiêm vụ “Lập địa”, tức cày ruộng. Bởi vậy, “giờ Tý” trong 12 canh giờ từ lúc 23h00 tới 01h00, tiếp đó là “giờ Sửu” từ 01h00 giờ sáng tới 03h00 sáng, là lúc bình minh Trâu ra đồng cày ruộng. Có “Khai thiên, Lập địa” thì mới có thiên hạ.

Con trâu đi trước cái cày theo sau

Trâu là con vật được con người thuần hóa từ rất sớm cách đây 5000 năm để phục vụ cho sản xuất. Tại Trung Quốc, khi khai quật các di chỉ ở các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, Tứ Xuyên, Chiết Giang, các nhà khảo cổ đã phát hiện 300 hóa thạch xương Trâu các loại trong khu mộ cổ. Trâu là biểu tượng cho sức sản xuất và sự no đủ. Bởi vậy, từ đời nhà Hán (Năm 206 trước Công nguyên) cách đây hơn 2000 năm, người Trung Quốc đã có phong tục “Cày Xuân” đầu năm vào “Ngày Sửu” đầu tiên trong năm (khoảng Mồng 10 tháng Giêng Âm lịch). Trong ngày đó, kinh thành trống rong cờ mở, các quan trong triều và dân chúng ăn mặc giản dị, cùng nhà Vua trong bộ quần áo nhà nông xuống cày ruộng. Vua là người đầu tiên xuống ruộng cày làm gương cho quan lại, tiếp đó là các quan trong triều cùng dân chúng xuống cày để cầu mong được vụ mùa bội thu.
 
Tranh "Trâu qua sông" của họa sĩ đương
đại Trung Quốc Lý Khả Nhiệm

Có thể nói Trâu gắn liền với con người và khai phá văn minh ban đầu, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng đưa sản xuất nông nghiệp sang mốc phát triển mới. Chính vì vậy, phong tục dân chúng ở nhiều nước lấy sản xuất nông nghiệp làm chính đều tôn thờ Trâu. Thời Xuân Thu Chiến Quốc cách đây gần 2500 năm (năm 475 trước Công nguyên), nước Tần đã lập Miếu thờ “Trâu Thần” tôn vinh công lao của Trâu nhằm cầu mong giúp đất nước được vụ mùa thắng lợi.

Trâu chiến

Sử sách Trung Quốc ghi lại vào năm 627 trước Công nguyên, người nước Trịnh đã sử dụng các trâu hung dữ để đuổi quân Tần. Năm 284 trước Công nguyên, tướng nước Yên là Nhạc Nghị đã đánh chiếm được hơn 70 thành của nước Tề, duy chỉ có thành Tức Mạc do tướng Điền Đan kiên quyết phòng thủ là không đánh chiếm được. Sau đó Điền Đan đã dùng 1.000 con Trâu sừng cắm dao sắc, đuôi cuốn vải tẩm dầu đốt thành đuốc cùng hơn 5.000 dũng sĩ đi sau. Trâu bị nóng nên chạy thục mạng vào trận địa quân Yên. Kết quả, quân Yên bị đại bại và Điền Đan đã thu hồi lại được hơn 70 thành cho nước Tề. Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện khác về con người đã lợi dụng sức trâu để thồ hàng và kéo vũ khí trong chiến tranh.

 Bộ sưu tập về trâu bán chạy

Trâu và nghệ thuật

Trâu là đề tài cho các họa sĩ, thi sĩ và các nhà nghệ thuật từ xưa tới nay. Nhà danh họa Hàn Hoãng đời nhà Đường đã vẽ nhiều bức tranh về Trâu, trong đó có bức Ngũ ngưu đồ (Năm con Trâu) rất sinh động mô tả 5 con Trâu đang đi ra cánh đồng vào buổi sáng và được coi là “quốc bảo”. Con trâu thứ nhất gặm túm cỏ bên lề đường đang nhai. Con thứ hai dường như đang nhanh chân chạy để theo kịp con thứ nhất cùng gặm cỏ. Con thứ ba đang đứng im ở giữa. Con thứ tư đang giơ chân để đi nhưng lại nhìn xem “đồng đội” ở phía sau có kịp không. Con thứ 5 có sẹo vòng sỏ mũi, trông điềm đạm và dường như đang bước ra ngoài đường.

Bức tranh này được các vua từ thời nhà Đường tới vua Càn Long thời nhà Thanh dùng treo ở trong Cung điện. Sau đó Trung Quốc bị các cường quốc xâm lược và lấy đi đem bán đấu giá ở nước ngoài. Nhà sưu tầm tranh Ngô Hằng Tôn, người Hongkong đã mua lại và lưu giữ cẩn thận trong bộ sưu tập của mình. Năm 1958, do khó khăn kinh tế, nên ông đem bán đấu giá ở Sở đấu giá tranh Hongkong. Được tin, các cán bộ Trung Quốc hoạt động bí mật ở Hongkong đã báo với Thủ tướng Chu Ân Lai. Thủ tướng ra lệnh bằng mọi giá mua về và bức tranh đã được mua với giá 60.000 đô-la Hongkong, khi đó là một giá kỷ lục. Trung Quốc đại lục trong thời gian đó cũng nhiều thay đổi, nên bức tranh này được nằm im trong kho cất giữ, bụi phủ đầy và bị mối mọt xông làm hỏng một số. Ngày 28/1/ 1977, bức tranh này mới được phát hiện và đưa sang Viện bảo tàng Cố cung để sửa chữa lại. Nhà danh họa Tôn Thừa Chi đã cùng với các cộng sự sau 8 tháng miệt mài làm việc đã cứu sống lại bức tranh và Ngũ ngưu đồ trở lại vị trí quốc bảo của mình sau bao năm trôi nổi.

Với giá trị nghệ thuật quý báu, nên bức tranh này đã được Ngân hàng trung ương và Viện bảo tàng Cố cung Trung Quốc chọn để phát hành bộ sưu tập tiền vàng và các thỏi vàng cho Năm Kỷ Sửu 2009. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã sử dụng tới 3 tấn vàng để phát hành Bộ sưu tập tiền vàng “Trâu Vàng cày Xuân” năm 2009 và được bán rộng rãi từ ngày 28/11/2008, còn Bộ sưu tập của Viện bảo tàng Cố cung được bán từ ngày 8/1/2009.
 
Tem Trâu Vàng
 
Cùng với bộ sưu tập tiền vàng, Cục bưu chính viễn thông Trung Quốc cũng cho phát hành bộ tem thư “Trâu Vàng” năm Sửu - 2009 giá 1,2 Nhân dân tệ, trong đó vẽ theo hình tượng con Trâu đang chạy với hy vọng năm 2009 mọi người đều hăng say phấn đấu, khắc phục khó khăn, giành thắng lợi trong năm Sửu. Trong khi đó tại Mỹ, Cục bưu chính viễn thông Hoa Kỳ cũng phát hành bộ sưu tập tem thư với đề tài Trâu trong năm 2009 do họa sĩ người Mỹ gốc Hoa Mạch Cẩm Hồng cùng nữ họa sĩ người Mỹ Ethel Kessier cùng thiết kế. Cả hai bộ sưu tập tem thư này đều được dân chúng Trung Quốc và Mỹ rất hoan nghênh vì tân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sinh năm Sửu, nên mọi người đều tìm mua để làm lưu niệm và hy vọng Năm Sửu có những thay đổi lạc quan.
 
Và thưởng thức nghệ thuật Người xưa có câu “Uổng thay đàn gảy tai Trâu” cho rằng Trâu không biết thưởng thức âm nhạc và cũng để ám chỉ những người không hiểu biết lẽ phải. Thực oan uổng cho Trâu, vì từ Thập kỷ 60 Thế kỷ 20, tại Mỹ và một số nước khác đã thử nghiệm khi bò trâu vắt sữa cho nghe bài hát trữ tình, mượt mà đồng quê, hay nhạc nhẹ, du dương, êm tai thì lượng sữa tăng lên rõ rệt. Nếu thay vào đó là bài hát hay nhạc mạnh, ầm ĩ như Michael Jackson thì không có tác động gì, thậm chí lượng sữa giảm đi. Điều này chứng tỏ Trâu bò đều biết thưởng thức âm nhạc và có chọn lọc, đó là nhạc nhẹ, du dương của cánh đồng quê êm ả. Bởi vậy, câu “Uổng thay đàn gảy tai Trâu” không còn đúng và cần sửa lại “Đàn êm hãy gảy tai Trâu”.

Kiều Tỉnh (Trung Quốc)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm