Lễ hội phố hoa bên Hồ Gươm huyền sử

26/12/2008 15:50 GMT+7 | Văn hoá

Sau 1 tháng chuẩn bị, BTC Lễ hội phố Hoa Hà Nội thông báo: “Đã tìm đủ cơ số hoa”. Điều đó đồng nghĩa, giấc mơ biến hơn 500 m phố Đinh Tiên Hoàng thành một “cõi hoa” sẽ thành hiện thực. Đà Lạt và TP.HCM đã sẵn sàng đợi lệnh để chuyển hoa ra Hà Nội.

Các làng nghề tham gia lễ hội nhộn nhịp “lên dây cót” quyết hoàn thiện các tác phẩm đúng tiến độ. Điều đáng nói, đây là lễ hội 100% kinh phí xã hội hoá, ước chừng khoảng gần 3 tỷ mà Công ty cổ phần Âm nhạc và Giải trí DC là đơn vị khởi xướng và nỗ lực vận động chuẩn bị từ 3 năm nay.
 
Mô hình tiểu cảnh hoa của Lễ hội phố hoa Hà Nội. Ảnh: BTC
 
Sự vào cuộc của Vinaphone (tài trợ chính), Dalat Hasfarm (tài trợ hoa) và các đơn vị đồng tài trợ như Sabeco, Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim đã giúp cho đơn vị tổ chức mạnh tay với những ý tưởng mà chỉ cách đây một tháng, nhiều người còn hoài nghi khó có thể thành hiện thực. Lý do là Hà Nội vừa trải qua trận lụt lịch sử, cần đến 8 tháng để có thể phục hồi các làng hoa. Vì thế mà khó, thậm chí có thể “đứt gánh” nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị tài trợ.
 
Chung quy cũng là tấm lòng.Tấm lòng của cả nước đối với Thủ đô để Hà Nội có được một hoạt động ấn tượng khởi đầu cho năm bản lề chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi. Đà Lạt “gật”... sẽ đưa hoa ra; TP Hồ Chí Minh cũng “gật” sẽ huy động toàn lực để cung cấp hoa cho Hà Nội làm lễ hội; Vĩnh Phúc đưa xuống; Hải Phòng đưa lên... Hà Nội đã có đủ hoa (khoảng hơn 5.000 chậu hoa các loại, hơn 20.000 hoa cắt cành...) để đảm bảo các hạng mục như thiết kế ban đầu gồm các tiểu cảnh: Hồ nước và hoa; Nón và hoa; Sưu tập áo dài hoa từ chất liệu thiên nhiên ; Sắp đặt hoa của các nghệ nhân hoa Hà Nội; Gốm và hoa; Cổng quạt- hoa; Quạt hoa, Phố gốm; Hoa cỏ lau; Hồ sen; Rồng hoa; Xe đạp - Xe kéo tay - Xích lô hoa; Nghệ thuật sắp đặt hoa của các shop hoa nổi tiếng của Hà Nội; Sinh vật cảnh, gỗ lũa, đá ngọc... Ngoài ra còn triển khai thêm một số tiểu cảnh khác như: Tác phẩm Song phụng (hoa); Cây khô và hoa lan vũ nữ; Gỗ lũa và hoa địa lan; Cây hoa đào, hoa mai ( nhân tạo, cao 4,5 m); một số tiểu cảnh kết hợp giữa hoa và các sản phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống như: lồng chim, chuông gió, mặt nạ, trống, lân...
 
Bộ sưu tập áo dài hoa. Ảnh: BTC
 
Những ngày này, các làng nghề quạt Chàng Sơn, gốm Bát Tràng, nón Chuông... như có hội. Các nghệ nhân trải tâm huyết trên những tác phẩm, những sản phẩm cung cấp cho lễ hội. Làng quạt Chàng Sơn chưa khi nào làm chiếc quạt “khổng lồ” đến thế. Tính cả gốc quạt, thì chiều cao của quạt là 5 m, sải rộng 9 m, trọng lượng hàng trăm kg. Không chỉ là những người thợ làm quạt đơn thuần, các nghệ nhân của làng nghề Chàng Sơn còn chứng tỏ mình là những hoạ sĩ dân gian cự phách. Trên chiếc quạt khổng lồ ấy, họ đã tái hiện cả một phiên chợ quê truyền thống ngày Tết, màu sắc tươi tắn, hình ảnh sinh động... Ở một làng nghề khác, tác phẩm “Phố Gốm” của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan đến với Bát Tràng những ngày qua. Những vị khách nước ngoài bày tỏ sự thú vị trước khi biết dãy phố cổ bằng gốm còn để mộc, lô xô nóc phố và mái ngói thâm nâu... là hình ảnh của một Hà Nội cổ xưa- niềm cảm hứng của rất nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ; đã đi vào thơ ca, nhạc, họa... và đâu đó vẫn còn giữ được nét dáng giữa một Hà Nội hiện đại náo nhiệt hôm nay.
 
Phố Gốm Bát Tràng. Ảnh: BTC
 
Theo kế hoạch, đêm 27.12.2008 BTC sẽ nhận mặt bằng thi công trên phố Đinh Tiên Hoàng; ngày 28 - 29.12 triển khai các hạng mục trưng bày ở phố Đinh Tiên Hoàng và khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ; ngày 29-30.12, trang trí điện, dựng sân khấu; chiều 30.12 chạy chương trình và 20h ngày 31.12.2008 khai mạc Lễ hội phố Hoa, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài TH Hà Nội.
 
Với ý tưởng thể hiện một Hà Nội hiện đại trong giai đoạn hội nhập, BTC đã thiết kế một chương trình mang vẻ thanh tân với dàn nhạc giao hưởng và sự góp mặt của NSND Quang Thọ, ca sĩ Đăng Dương, Anh Tuấn với những bản nhạc, bài ca về Hà Nội. Màn trình diễn trang phục truyền thống xưa - nay có sự kết hợp trình diễn nghệ thuật kết hoa do nghệ nhân hoa Quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng và nhà tạo mẫu Lan Hương thực hiện. Tiết mục này nhằm tôn vinh các làng nghề truyền thống của Hà Nội, nên các người mẫu sẽ được “thiết kế” như những nhân vật tố nữ trong tranh dân gian Hàng Trống, bước từ khung tranh ra sân khấu...
 
Khép lại lễ khai mạc là 999 tác phẩm hoa đăng được thả trên mặt nước Hồ Gươm; 99 đèn kéo quân truyền thống thắp sáng khu vực khai mạc và màn pháo hoa nghệ thuật mang theo thông điệp của lãnh đạo thành phố gửi nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước về Hà Nội 1000 năm. Lễ hội kéo dài hết ngày 4.1.2009.
 
Theo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm