Cái bóng quá lớn của Sang sông

04/12/2008 14:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Qua 3 ngày đầu tiên của Liên hoan, một sự ngẫu nhiên thú vị: 4/5 vở diễn đã dự thi tại LH Sân khấu thử nghiệm trong ba ngày qua đều mang “màu sắc” của kịch Tuổi Trẻ.

Đó là Biến vĩ của tình yêu Cô bé bán diêm, 2 vở kịch hình thể vừa được dàn dựng vào cuối năm 2008 của Nhà hát này. Hai vở diễn còn lại: Đến bờ bên kia và vở rối Trấn Cổ Loa thành cũng được dựng bởi một cái tên thuộc về Nhà hát: NSƯT Anh Tú. (Dù trên thực tế, Trấn cổ Loa Thành của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã được công diễn từ năm 2007).
 
Cảnh trong vở “Đến bờ bên kia”. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Được chọn làm vở diễn khai mạc, Đến bờ bên kia (CLB Nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) đã thu hút sự trông đợi của người xem ngay từ khi dàn dựng, khi kịch bản của vở được viết bởi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, và kíp diễn viên tham gia dàn dựng cũng là những gương mặt quen thuộc: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Hiếu (kịch Hà Nội).
 
Cũng như nguyên tác là truyện ngắn Sang sông, vở Đến bờ bên kia lấy bối cảnh một con thuyền. Trên đó hội tụ 11 gương mặt: từ nhà sư, thày giáo, Việt kiều, buôn lậu cho tới thi sĩ, kẻ cướp. Và, quanh chiếc bình cổ trên thuyền, một cuộc giành giật, vật lộn giữa ngần ấy gương mặt đã cho thấy đủ mọi tâm trạng ái ố hỉ nộ vốn có trong cuộc đời. Dồn toàn bộ không gian lên một chiếc thuyền, thêm vào một vài chi tiết so với nguyên tác về mối quan hệ giữa các nhân vật, Đến bờ bên kia ít nhiều cho thấy ý đồ sáng tạo của đạo diễn NSƯT Anh Tú.
 
Tuy nhiên, nếu không phải là bạn nghề trong giới, có lẽ những khán giả bình thường cũng khó mặn mà với Đến bờ bên kia. Vở diễn không có nhân vật chính, bù lại cả 11 gương mặt đều thay nhau xuất hiện với những đoạn thoại của mình. Tiết tấu vở diễn đều đều, không có điểm nhấn khiến đôi chỗ, các lớp diễn trở nên hơi rời rạc và sa vào tiểu tiết. Ngoài ra, việc gượng ép đưa vào câu chuyện những tình tiết gây cười cũng khiến người xem thấy sạn. Dường như, với cái tên quá lớn của nguyên mẫu Sang sông, nên Đến bờ bên kia đã phải chịu sự khắt khe và sức ép rất lớn trước khi tự khẳng định mình ở dạng vở diễn sân khấu.

Bù lại, ở Biến vĩ của tình yêu (đạo diễn NSND Lan Hương) và Cô bé bán diêm (đạo diễn NSND Lê Hùng), người dàn dựng đã không tiếc công đầu tư cho âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, đạo cụ… để tạo hiệu ứng cho người xem, xen kẽ cùng cách thể hiện của các nghệ sĩ ở góc độ biểu cảm hình thể.

Nếu cộng cùng những ấn tượng mà Biến vĩ của tình yêu Trấn Cổ Loa Thành đã từng nhận được trong thời gian trước, dường như LH Sân khấu thử nghiệm toàn quốc đang đặt ra một vấn đề: thử nghiệm ra sao, vở diễn cũng phải hướng tới nhu cầu và thói quen thưởng thức của khán gải, chứ không thể chỉ dừng lại ở cuộc “chơi cho đã” của những người làm nghề?

Ngân Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm