Một bài thơ – hai cách đọc!

24/11/2008 10:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Tạp chí Nhật Lệ (Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình) số 163 (10/2008) có đăng bài thơ Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ của Trần Quang Đạo. Bài thơ đã gây dư luận trái chiều ở Quảng Bình với hai cách đọc khác nhau. Trên báo Quảng Bình (số 225, 10/11/2008) tác giả Việt Thành đã bày tỏ sự không chấp nhận bài thơ này từ góc nhìn đối chiếu, suy diễn thơ và thực tế. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (nguyên chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình) thì lại đưa ra một cách cảm nhận khác để đọc bài thơ là một tác phẩm văn chương.

Nhận thấy đây là một hiện tượng vẫn đang thường diễn ra trong đời sống văn học nghệ thuật nước ta hiện nay, TT&VH đăng lại bài thơ và hai bài viết để độc giả cùng cảm nhận.
 

GỬI NHÀ THƠ LÂM THỊ MỸ DẠ

Quảng Bình có võ tướng văn nhân
Nếu không có chị chỉ còn một nửa !

Chị vẫn còn giữ nguyên những nét năm nao
cá trên sông Kiến Giang ghen tuông quẫy lên bờ chết hạn
bởi mái tóc như sông

Em đã nghe thao thức những tấm lòng
những viên gạch xếp hàng dài trong đội ngũ
rồi họ dong cờ trắng !

Bởi chị là Quảng Bình
chị nhìn thấy khoảng trời hố bom mà không ai thấy được
mọi người soi càng ngưỡng mộ bao phần.

Bao nhiêu người yêu chị
yêu chất đàn bà yêu sự cả tin
nhưng chị vẫn Quảng Bình mà không ai hiểu hết.

Em một mình hoang dại kiếp sau !
16/9/2007

TRẦN QUANG ĐẠO

MỘT SỰ TÂNG BỐC KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN

Trên trang 33 Tạp chí Nhật Lệ số tháng 10-2008 có đăng bài thơ Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ của tác giả Trần Quang Đạo. Bài thơ mở đầu bằng hai câu ''Quảng Bình có võ tướng văn nhân/Nếu không có chị chỉ còn một nửa!''. Tôi đọc tiếp "Bởi chị là Quảng Bình/Chị nhìn thấy khoảng trời hố bom mà không ai thấy được''. Câu thơ này làm tôi nhớ lại hồi năm 1972, khi ta mở chiến dịch Quảng Trị, địch đã dùng máy bay B52 liên tục rải thảm bom tạ, bom tấn đánh bay mất nhiều đoạn đường Trường Sơn hòng cắt đứt tuyến vận chuyển hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Thời kỳ ấy có khá nhiều văn nghệ sĩ đi phục vụ tiền tuyến, từng chịu những trận B52 đó nhưng nào có thấy mấy tác phẩm tìm được lời đẹp nói về con người tuyệt đẹp như bài Khoảng trời, hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ. Xin trích lại một số câu hay "Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/Mưa đọng một khoảng trời nho nhỏ…'', ''Em nằm dưới đất sâu/Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng/Những vì sao ngời chói lung linh/Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong/Đã hóa thành những làn mây trắng?''.

 
Mỹ Dạ vốn dịu dàng thùy mị đã có cái nhìn rất mới về sự hy sinh rất bình dị mà rất đỗi anh hùng của cô thanh niên xung phong rất trẻ làm cho bài thơ có một sức gợi cảm đau thương rất sâu sắc. Nhà thơ lớn Hoài Thanh đã từng nói ''Có thể xem đó là một đài liệt sĩ bằng thơ. Bằng thơ và đẹp như thơ''.

Vì vậy trong cuộc thi thơ 1972 - 1973 của Tuần báo Văn nghệ, chị là một trong 4 nhà thơ có tác phẩm được tặng thưởng giải nhất: Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu và Hoàng Nhuận Cầm.

Những áng thơ thời chiến nóng bỏng cứ nguôi dần theo năm tháng dài thời bình. Và cũng đã 35 năm, chị Mỹ Dạ xa mảnh đất đầy hố bom. Nhưng võ tướng, văn nhân Quảng Bình vẫn cứ tăng lên đều đều cả quân hàm và tác phẩm văn thơ. Không hiểu sao tác giả Trần Quang Đạo lại nói vậy?. Xin nói rõ trong 25 năm qua đã có gần 20 chiến binh quê ở Quảng Bình được thăng lên quân hàm trung tướng và thiếu tướng; Quảng Bình cũng không ít văn nhân và nhiều tác phẩm tên tuổi.

Tác giả Quang Đạo dùng phương pháp so sánh nhưng không định rõ mốc thời gian làm cho độc giả hiểu cách nào cũng được. Chẳng hạn Quảng Bình có ''bát danh hương'' nổi tiếng về khoa bảng thời phong kiến gồm 44 vị đỗ đại khoa và 270 vị đỗ cử nhân. Thời ấy chị Dạ chưa sinh. Và từ sau ngày thống nhất nước nhà, chị không sống ở Quảng Bình nữa nhưng chưa phát hiện được võ tướng, văn nhân nào xuống cấp cả về số lượng và chất lượng. Ban đọc dễ dàng thông cảm một bài thơ không thể viết rạch ròi như báo cáo thống kê. Nhưng cũng không thể lợi dụng chữ nghĩa thơ hàm súc, thâm thúy để tâng bốc thành thần tượng tiêu biểu cho một vùng đất: Chị là Quảng Bình (làm sao chị là tượng trưng cho một tỉnh). Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đọc đến câu thơ tâng bốc mình quá đáng hẳn phải giật mình và buồn phiền bởi "thương nhau kiểu ấy bằng mười hại nhau''. Bài thơ Khoảng trời, hố bom đã thành tác phẩm văn học có giá trị cao trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước của cả nước, người đọc không cần biết Lâm Thị Mỹ Dạ quê ở đâu.

Cũng cần nhấn mạnh sáng tạo ra tác phẩm văn học là quyền tự do sáng tác của nhà văn, nhưng tác phẩm ấy có phát hành đến rộng rãi bạn đọc lại phải qua nhiều khâu quản lý xuất bản của cơ quan Nhà nước. Bài thơ Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ của Trần Quang Đạo sáng tác từ tháng 9-2007 có những quan điểm lệch lạc xúc phạm đến võ tướng, văn nhân Quảng Bình, thế mà Tạp chí Nhật Lệ vẫn cho đăng trên tạp chí số 10-2008, gây nên sự bàn luận không hay trước thềm Đại hội văn học nghệ thuật Quảng Bình lần thứ IX (2008-2013).

Việt Thành

VỀ BÀI THƠ CỦA TRẦN QUANG ĐẠO

Gửi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ của Trần Quang Đạo là một bài thơ khá hay, giọng điệu trữ tình, dễ đọc dễ cảm, cũng một phong cách đã thể hiện qua nhiều tập thơ. Có thể nói đây là bài thơ tình, hàm chứa ý nghĩa sâu kín mà nhà thơ Trần Quang Đạo muốn gửi gắm tình cảm đối với quê hương.

Chị vẫn còn giữ nguyên những nét năm nao
cá trên sông Kiến Giang quẫy lên bờ chết hạn
bởi mái tóc như sông

Em đã nghe thao thức những tấm lòng
những viên gạch xếp hàng dài trong đội ngũ

rồi họ dong cờ trắng!

 Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Cái tình lãng đãng trong thơ làm người ta liên tưởng đến Hoàng Cầm. Sự thách đố lãng mạn của chị trong Lá diêu bông của Hoàng Cầm như món quà hư ảo của tình yêu mà suốt đời em không với tới. Còn Trần Quang Đạo đã từng nghe bao nhiêu chàng trai xếp hàng dài để được yêu chị, cuối cùng đều dong cờ trắng. Tất cả không thành, một sự thua cuộc trong tình yêu. Hoàng Cầm ngậm ngùi: Từ thuở ấy / Em cầm chiếc Lá / Đi đầu non cuối bể / Gió quê vi vút gọi / Diêu bông hời…! / …ới Diêu bông!...Trần Quang Đạo tự an ủi: Em một mình hoang dại kiếp sau! Có gì huyền bí ở hai người chị đã làm cho tâm hồn hai thi sĩ rung lên, quằn quại đên thế? Ở Hoàng Cầm là sự chờ đợi mong mỏi, đắm say đến cuồng dại, chỉ vì từ nay ta gọi là chồng. Một khát vọng vô bờ bến của tình yêu. Trần Quang Đạo không hoàn toàn như thế. Trần Quang Đạo nhìn thấy nơi nhân vật trữ tình của mình sự thông minh sâu sắc, gắn với thời cuộc chị nhìn thấy khoảng trời hố bom mà không ai thấy được…/… chị vẫn Quảng Bình mà không ai hiểu hết. Chị như hiện thân quê hương dịu dàng mà quả cảm, lam lũ gian truân mà duyên dáng. Tình yêu chị trong thơ Trần Quang Đạo khác với Hoàng Cầm ở chỗ này đây. Chị không chỉ là chị để em tìm tình yêu, mà chị còn là nhà thơ, biểu trưng cho vẻ đẹp, cho sức sống tinh thần của thời chiến tranh ác liệt trên đất Quảng Bình. Trong con mắt đặc trưng, khái quát chị chính là văn nhân một vùng đất văn võ song toàn mà người xưa thường nhắc tới mỗi khi nói đến tính toàn diện của một nhân vật, một triều chính, cao rộng hơn một quốc gia. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lý giải ý nghĩa hai chữ văn và võ ''… văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, ''mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi thẹn nghìn thu '' (Bình Ngô đại cáo) ; võ là quân sự…; văn và võ đều là võ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao…'' (1).

Tư tưởng bài thơ đã bộc lộ trong hai câu thơ đầu:

Quảng Bình có võ tướng văn nhân
Nếu không có chị chỉ còn một nửa!

Nếu không có chị, hình ảnh biểu trưng về văn hóa, thì cái thế đó chỉ còn một nửa. Võ tướng văn nhân hai đối tượng, hai sức mạnh tạo cho gốc rễ, thế nước cân đối vững vàng. Chị là hiện thân cụ thể của truyền thống văn hóa phong phú nơi quê hương yêu dấu. Một thi pháp ẩn dụ mở đầu để làm nền cho tư tưởng bài thơ.

Vậy đó, tình yêu trong thơ Trần Quang Đạo không chỉ là tình yêu thuần túy mà nhân rộng, thi vị hóa lên như một thần tượng. Chỉ có tình yêu quê hương tha thiết mới có sự rung động tinh tế đến thế.
 
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Trở lại lối cảm và nghĩ của ông Việt Thành, tôi thử học cách suy diễn, tùy hứng mà không tài nào hiểu ông đang nói gì. Ông viết: ''Chị là Quảng Bình (làm sao chị là tượng trưng cho một tỉnh). Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đọc đến câu thơ tâng bốc mình quá đáng hẳn phải giật mình và buồn phiền bởi '' thương nhau kiểu ấy bằng mười hại nhau''. Sao một con người lại không thể tượng trưng cho miền đất mình đang sống? Tôi còn nhớ câu thơ thời chống Mỹ nhìn một người là nhìn ra cả nước. Nhà thơ Việt Phương cũng đã viết ''Hà Nội của ta là cô gái hai mươi cuối một mùa hoa điệp/ Lên đường xa còn bâng khuâng chưa biết hẹn gì ai... đó sao? Các nhà phê bình còn xem nhà thơ như vũ trụ của tình yêu, sự sống, tư tưởng… Ví chị là Quảng Bình cũng như Hà Nội là cô gái hai mươi.

Tôi cũng không hiểu nổi vì sao ông luận "Nhưng võ tướng, văn nhân Quảng Bình cứ tăng lên đều đều cả quân hàm và tác phẩm văn thơ…''. Rồi ông lại liệt kê '' trong 25 năm qua đã có gần 20 chiến binh quê ở Quảng Bình được thăng lên quân hàm trung tướng và thiếu tướng…'', rồi thì '' thời phong kiến gồm 44 vị đỗ đại khoa và 270 vị đỗ cử nhân '' và tiếp tục ' chưa phát hiện được võ tướng văn nhân nào xuống cấp cả số lượng và chất lượng '', nó không mảy may ăn nhập với bài thơ của Trần Quang Đạo mà ông gán cho: ''có những quan điểm lệch lạc xúc phạm đến võ tướng văn nhân Quảng Bình, thế mà tạp chí Nhật Lệ vẫn cho đăng trên tạp chí số 10-2008, gây nên sự bàn luận không hay trước thềm Đại hội văn học nghệ thuật Quảng Bình lần thứ IX (2008-2013).

Rõ ràng suy nghĩ tùy tiện, không chuẩn mực, ông đã quy kết chụp mũ theo kiểu thời xa xưa...

HOÀNG VŨ THUẬT
(nguyên chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm