Người may mắn nhiều lần

31/10/2008 06:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Cuộc gặp gỡ với đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy bắt đầu bằng câu chuyện liên quan tới bộ phim tài liệu Chuyện tử tế - một ngoại lệ tại LHP Viennale đang diễn ra tại Áo (từ 17 - 25/10). Nhưng hóa ra, câu chuyện về cuộc đời và công việc làm phim của ông là một… cuốn tiểu thuyết dài, ly kỳ…

Năm 1970, bộ phim tài liệu đầu tay Những người dân quê tôi của đạo diễn Trần Văn Thủy, khi ấy mới chỉ được học quay phim 8 tháng, đã bất ngờ giành giải Bồ câu bạc tại LHP quốc tế Leipzig (Đức) - một trong những LHP dành cho phim tài liệu có lịch sử lâu đời. Tên tuổi đạo diễn - NSND được biết đến qua những bộ phim tài liệu đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: Phản bội, Hà Nội trong mắt ai - giải vàng LHP quốc gia, Chuyện tử tế - giải Bồ câu bạc LHP Leipzig, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai - giải vàng LHP châu Á Thái Bình Dương… Thế nhưng, những bộ phim gắn với số phần của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng từng bao phen “ba chìm, bảy nổi”…

Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy kể:
 
 
- Những người dân quê tôi phản ánh thân phận người dân trong chiến tranh: một em bé mồ côi, một người phụ nữ, một nhà sư… Phim bắt đầu quay từ năm 1966 tại Quảng Nam. Trước đó, tôi học quay phim cấp tốc 8 tháng và vào chiến trường. Tôi nghĩ nếu ở lại thì chả nơi nào nhận cả. Thời ấy, chiến trường xông pha hòn tên mũi đạn là chuyện thường chứ tôi nghĩ, mình cũng chả phải là tài giỏi gì cả. Cuộc sống lúc đó gấp gáp và dấn thân lắm, nhưng cũng thanh thản thoải mái… Đến giờ, nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi giật mình không biết tại sao lại thoát chết. Bộ đội thì có thể nấp xuống để bắn, chứ quay phim thì phải đứng lên. Tay tôi đã từng chôn không biết bao nhiêu người cùng hầm hay những người dân. Khi xem bộ phim Những người dân quê tôi, nhất là tại LHP Leipzig (năm 1970) nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao người quay phim không chết ? Nhưng giờ ngẫm lại, tôi đã may mắn. Khi tôi ra tới Hà Nội, chỉ còn có 42 kg, hồng cầu giảm, phải nằm bệnh viện dưỡng bệnh nhiều tuần.
Nhưng gian nan còn chưa hết, lúc đầu, phim không tráng được vì đây là phim của Tây Đức, ta không có bài thuốc. Mà nếu bộ phim ấy không tráng được tôi sẽ mang tội “B quay” (đào ngũ). Rất may, cụ Lương Kế Đoàn, người từng thực hiện rất nhiều thước phim tư liệu về Bác Hồ ở Tây Bắc đã tìm cách tráng trực hình. Trắng thành đen, đen thành trắng, phim bão bùng thế nào ấy và cũng lạ lắm. Phim dựng lên có nhiều cảnh tư liệu quý. Hai vợ chồng tôi từng mặc quần áo ngủ, mang phim đến nhà một vị lãnh đạo cấp cao chiếu cho ông ấy xem. Ông ấy thích quá, bảo phải đặt tên phim thế này, thế kia… Thật ra đó là câu chuyện ở xứ Quảng, nhưng tôi từng nằm hầm nằm hố, được bà con che chở nên xót xa cho những thân phận ấy mà gọi bằng cái tên “những người dân quê tôi”. Thời chiến tranh loạn lạc, con người thương nhau lắm. Quyết định gửi phim này dự LHP Leipzig cũng nhờ vị lãnh đạo ấy. Thế nhưng, mãi sau này, với Hà Nội trong mắt ai người không thích bộ phim ấy một cách rất vu vơ cũng chính là ông ấy. Trong phim có đoạn lời bình: “Máu me văn nghệ dính vào chuyện quan trường gây ra nhiều rắc rối…”. Thật ra trong đoạn bình này, tôi không ám chỉ ai, chỉ là chuyện bà huyện Thanh Quan ở làng Nghi Tàm, theo chồng đi làm quan xa ở tận miền Trung, một hôm nhận được đơn kiện của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Đào bặt tin chồng nhiều năm xin được cải giá. Bà huyện đã phê vào ngay “Phán cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai”. Nhưng trớ trêu là sau khi người phụ nữ này cải giá thì chồng cũ lại trở về và đâm đơn kiện ông huyện. Ông huyện bị cách chức… Thời ấy, một nhà thơ nổi tiếng giữ trọng trách cao nên mới xảy ra chuyện lằng nhằng như thế. Thế là tôi chìm nổi với Hà Nội trong mắt ai suốt nhiều năm trời… Và quả thật, nếu không có cái lý lịch 5 năm ở chiến trường, không phải là học trò của Roman Carmen - đạo diễn Xô viết từng gắn bó với Việt Nam và làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi, không có sự bảo vệ của nhiều người như các sĩ quan quân đội, đồng nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì có lẽ tôi sẽ không thể ngồi nói chuyện như thế này”.
* Khá nhiều người lớn tuổi hiện nay vẫn còn nhớ tới bộ phim Hà Nội trong mắt ai,nhưng số phận chìm nổi của nó thì có lẽ không phải nhiều người biết đến và cũng có nhiều lời đồn đoán khác nhau. Bây giờ ông có thể kể hết được không ?

- Từ năm 1982 - 1987, Hà Nội trong mắt ai bị cấm, tôi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ cá nhân tôi mà cả Hãng phim của tôi (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương hiện nay - PV) cũng bị ảnh hưởng. Đáng lẽ ra được tặng Huân chương Anh hùng vì thành tích trong chiến tranh vậy mà khi vấp vào Hà Nội trong mắt ai thì tấm huân chương ấy không thể trở thành hiện thực. Chuyện về Hà Nội trong mắt ai khá dài, có thể viết thành 1 chương của cuốn tiểu thuyết, hoặc 1 cuốn sách mỏng. Vì bộ phim ấy, tôi đã được gặp không biết bao nhiêu yếu nhân của đất nước. Buổi gặp Bác Phạm Văn Đồng là ngày 18/10/1983, từ quãng 3h chiều đến 5h chiều. Tôi nhớ rõ, vì ngày 20/10 là Đại hội Hội Điện ảnh VN lần thứ 2. Trước đó 2-3 tuần, Dự thảo báo cáo Đại hội Hội Điện ảnh VN lên án bộ phim này đã được đưa tới các vị lãnh đạo, trong đó người ta viết rằng đây là bộ phim không đi theo đường lối của Đảng, tác giả bằng hoài nghi, bi quan, mượn cái xưa nói cái nay… Bác Đồng đọc xong, hỏi Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng hồi ấy là: Có chuyện ấy à? Thế là bác Đồng muốn xem… Tôi vẫn còn nhớ từng rất xúc động khi đứng cạnh bác. Lúc đó, trước bác Đồng, nếu bác có nói với tôi rằng không biết cháu làm hay hay dở, nhưng cháu hãy dẹp bộ phim này đi vì nó không thích hợp trong thời điểm này thì tôi sẵn sàng từ bỏ… Nhưng bác lại không nói thế. Bác cho rằng, phim không giống như những gì người ta đã quy chụp cho nó. Bác kết luận: “Chiếu ngay bộ phim này cho nhân dân xem, càng rộng càng tốt, sau này nếu phát hiện sai đâu thì sửa”. Bạn không thể tưởng tượng được, lúc đó tôi sung sướng vô cùng. Sau đó, cuộc gặp này được ghi lại gửi sang Ban Bí thư để truyền đạt ý kiến của Thủ tướng… Về hãng phim, việc đầu tiên là tôi lấy xe đạp ra Tràng Tiền mua một tấm ảnh bác Đồng về nhà treo. Lúc bác Đồng mất, tôi thờ ảnh bác suốt 3 năm đến mãn tang. Nhiều người tưởng tôi “thấy sang bắt quàng làm họ”, tôi phải giải thích với họ rằng, bác có ơn với tôi… Thế là phim được chiếu rộng rãi, mấy tháng liền. Sau này, tôi còn được hầu chuyện nhiều vị lãnh đạo khác nữa… Và phim lại bị cấm chiếu. Suốt thời gian đó đến năm 1987, tôi lúc nào cũng sống trong nơm nớp. Ở Hãng phim anh em nhìn tôi như nhìn con quái vật. Có ông bạn khi gặp ở quán bia hỏi: Cậu chưa bị bắt à? Sau đó Hãng cử tôi đi Campuchia làm chuyên gia, tôi vẫn làm tròn bổn phận của mình, nhưng buồn. Mẹ tôi khóc suốt. Mẹ tôi khóc như thế này:“Con ơi, mẹ lo quá, con làm gì mẹ không biết, đúng sai mẹ không biết, tại sao thằng Phúc (em rể đạo diễn Trần Văn Thủy - PV) làm phim vui vẻ, còn mang cả trứng gà, trứng vịt về nhà còn con làm phim mà cứ suốt ngày thầm thầm thì thì…” Nhà tôi lúc đó cực kỳ khó khăn…

Tôi nghĩ tôi may mắn. Hòn tên mũi đạn 4 - 5 năm trời mà không chết. Sau này va vấp với Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế… vậy mà tôi vẫn sống bình thường.

Nếu không có Đại hội Đảng lần thứ VI xem xét lại các vấn đề về văn học nghệ thuật thì có lẽ, tôi sẽ không được chứng kiến sự hồi sinh của Hà Nội trong mắt ai. Bộ phim ấy tồn tại vì cái Tâm của người làm và người xem. Tôi cũng không thể ngờ người ta lại nghĩ sai về nó như thế. Đến tháng 5/1987, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem và nói: Bộ phim này chỉ có thế thôi à? Tôi thưa: Vâng, thưa Tổng Bí thư, phim chỉ thế thôi ạ. Ông lại tiếp lời: Chỉ thế thôi, sao lại cấm? Cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho chiếu phim rộng rãi cho các nhân vật quan trọng xem và bỏ phiếu kín. Phim nhận 100% phiếu tán thành chiếu. Sau đó Bộ Chính trị ra văn bản cho chiếu phim này đến giờ tôi còn giữ… Hà Nội trong mắt ai được hồi sinh. Tháng 3/1988, tại LHP quốc gia ở Đà Nằng, phim giành HCV đạo diễn, biên kịch, quay phim xuất sắc nhất…

* Thời kỳ ấy có nhiều bộ phim “có vấn đề” như phim của ông?

- Làm gì có. Phim duyệt từ kịch bản đến bản đầu, bản cuối thì làm gì có những thứ ngang xương như thế. Thế nên, tôi mới nói, tôi quái… Trong thời gian Hà Nội trong mắt ai bị cấm chiếu, tôi đã kịp bắt tay làm Chuyện tử tế - bộ phim sau được coi là phần 2 của Hà Nội trong mắt ai. Tôi viết một kịch bản đi từ nỗi đau của con người đưa lên Hãng. Nhưng đúng tôi là một kẻ không tử tế chút nào (cười). Anh em kéo nhau đi làm, thì thực tế hoàn toàn khác… Cũng giống như Hà Nội trong mắt ai, ai duyệt cho kịch bản như thế… Chuyện tử tế cũng ở dạng “treo đầu dê bán thịt chó”… Ban đầu Chuyện tử tế được ra mắt, chiếu tưng bừng mấy tháng. Nhưng đến giữa năm 1988, phim cứ lịm dần và sau bị cấm không mang ra nước ngoài.

* Và cho tới nay, việc Chuyện tử tếđến được LHP quốc tế Leipzig vẫn là câu chuyện bí mật ?

- Tháng 11/1988, Cục Điện ảnh cử tôi tham dự LHP quốc tế Leipzig, nhưng Chuyện tử tế vẫn bị cấm không được xuất ngoại. Thế mà phim vẫn có mặt ở LHP này. Thực sự hồi đấy nếu phim không thành công tôi không dám trở về nước. Và như thế sẽ không có được Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai sau này…

* Sau khi ông nghỉ hưu, ông đã dành rất nhiều thời gian, công sức để làm công việc từ thiện ?

- Cuộc đời quá nhiều sóng gió mà tôi vẫn tồn tại được có lẽ là nhờ may mắn. 17 năm nay, tôi làm bao nhiêu việc nghĩa cho quê tôi ở huyện Hải Hậu - Nam Định. Tôi không nghĩ đó là những việc từ thiện, mà chỉ nghĩ là việc nhân nghĩa thôi. Năm 1992 sau khi từ Pháp về, tôi bắt đầu xây mộ tổ, cụ tổ 5 đời là người cùng thời với cụ Nguyễn Công Trứ cùng làm việc quai đê lấn biển… Từ đó trở đi, tôi bắt tay vào làm những việc khác. Đến giờ có 9 cái cầu qua sông đã hoàn thành: cầu Nhân, cầu Nghĩa, cầu Hiếu… Nhiều km đường bê tông được hoàn thành, nhiều trường học, câu lạc bộ phụ lão… được xây dựng. Cho đến nay, vẫn có nhiều gia đình nghèo được nhận trợ cấp.

* Chắc hẳn không ít người thắc mắc, một đạo diễn phim tài liệu thì lấy đâu ra nhiều tiền như thế ?

- À, nhiều người còn hỏi tôi tiền đâu xây nhà to thế. Đấy là tôi làm phim cho nước ngoài : Đức, Nhật… Khi xem những phim tôi làm cho nước ngoài, có người trong Hội đồng duyệt nói : phim cho nước ngoài gì mà như phim “cúng cụ”. Như bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhật Bản, tôi làm phim về vùng quê có lẽ là nghèo nhất ở miền Bắc: làng Phù Lãng. Nhưng người dân ở đấy thì thương yêu, đùm bọc nhau lắm, chia nhau cả củ sắn, củ khoai… Xem phim này, nhiều người Nhật đã khóc, họ nói với tôi rằng, tôi đã đụng vào nỗi đau của họ bởi vì thời kỳ khó khăn, người Nhật cũng thương yêu nhau như thế, nhưng khi giàu có thì… Còn những việc nghĩa, tôi không chỉ bỏ tiền túi ra mà còn có cả tiền của bạn bè ở trong và ngoài nước. Tôi có nhiều bạn. Năm 1989, khi tôi sang Pháp, ở đó còn thành lập cả “Hội bạn của Trần Văn Thủy” cơ mà. Hồi bắt đầu lập Hội này, khi tôi qua Âu châu cần vé máy bay, cần máy quay, cần hỗ trợ… thì họ lo cho. Nhưng sau những việc này không cần thiết, tôi hướng họ tới việc làm từ thiện cho quê hương mình… Có lần Đảng ủy ở xã quê tôi họp để có ý khen tặng tôi danh hiệu này kia, nhưng tôi cũng nói với họ rằng, tôi giúp bà con, nhưng tôi cũng không tốt đến thế đâu. Tôi làm thế là vì tôi, bởi tôi muốn báo hiếu bố tôi. Cả một đời bố tôi chỉ thích làm việc thiện. Bố tôi mất năm 1975, khi tôi ở Liên Xô cũ mà gia đình giấu không cho tôi biết. Sau tình cờ biết tin, tôi nghĩ lại lúc cụ còn sống thích làm việc thiện, thành ra không được ma chay, phụng dưỡng, báo hiếu… tôi chỉ có cách làm việc thiện như lúc sống cụ muốn làm. Tôi không nề hà việc gì, thậm chí còn làm đến tận cùng, nhảy xuống lòng sông vét bùn, ăn cơm với thợ. Quê tôi từng được ví là Xi – bi – a của Hải Hậu mà giờ đẹp lắm…

* Xin cảm ơn ông!
 
Quang Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm