Nhà đấu giá Borobudur: Tranh Việt Nam rớt giá!

13/10/2008 14:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua (12/10) tại lầu 2 khách sạn Grand Copthorne Waterfront (392 Havelock Road, Singapore 169663) phiên đấu giá cuối cùng trong năm 2008 của nhà Borobudur (Singapore) đã diễn ra với 482 bức tranh và các hiện vật khác. Cũng giống như ngày 11/10 của nhà Larasati, tranh của danh hoạ Lê Phổ tiếp tục rớt giá.

Phiên đấu này khác với ngày 11/10 của nhà Larasati ở điểm tất cả các bức tranh đều được mang ra để các nhà sưu tập, mua bán xem trực tiếp. Theo số thứ tự thì các tác phẩm Việt Nam xếp từ 408 đến 420 với các tác giả như Lê Phổ, Đặng Xuân Hoà, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Lê Quý Tông, Trần Trung Thành, Trần Long Anh Quân… Danh họa Lê Phổ có 3 tác phẩm: Tĩnh vật hoa (số thứ tự 408, kích thước 92 x 60cm) có giá lên sàn 21.429 đến 35.714USD, kết quả bán được 30.519USD; Mẹ và con (số 417, kích thước 41 x 58cm) có giá sàn 4.286 đến 7.143USD, kết quả bán được 13.564USD;Chân dung một phụ nữ (số 418, kích thước 26 x 14cm) có giá sàn 3.571 đến 5.714USD, kết quả bán được 4.460USD.
 
Nhà đấu giá Borobudur
 
Nếu chỉ nhìn vào giá sàn và kết quả cuộc đấu ngày hôm nay thì tranh Lê Phổ vẫn hút khách và bán được. Nhưng nếu so với mức giá của 2-3 năm trước, thì tranh của danh họa này bị sụt giá đến 1 nửa, hoặc 1/3; theo dự đoán của các nhà chuyên môn, Tĩnh vật hoa phải nằm ở khoảng 65.000 đến 70.000USD, kết quả bán chỉ được gần 1 nửa.
 
Các tác giả còn lại, trừ Đỗ Hoàng Tường bán được 1 bức với giá 4.408USD với tác phẩm Đầu người 3 (số 413, kích thước 130 x 120cm), trong khi giá sàn từ 5.714 đến 8.571USD. Đặng Xuân Hoà có 4 bức, giá đề ra đều dưới mức sàn hàng ngàn đô la (chỉ có 2.306USD, kích thước 80 x 100cm và 3.255USD, kích thước 65 x 65cm) nhưng không bán được, riêng tác phẩm Kế cận (số 416, kích thước 63 x 48cm) thì bị bỏ qua ngay từ đầu. Nguyễn Thanh Bình (giá đề nghị đấu 1.628USD), Trần Trung Thành (11.529USD), Lê Quý Tông (2.848USD), Trần Long Anh Quân (2.035USD)… đều không bán được, dù mức giá bị hạ xuống rất thấp, nếu so với giá sàn ra trước đó.
 
 
Đấu giá tranh Lê Phổ

Từ nhà đấu giá Borobudur và thị trường tranh Singapore, có thể thấy các nhà sưu tập, các nhà mua bán tranh chẳng mấy mặn mà với tranh Việt Nam, trong khi các hoạ sĩ trẻ của Indonesia, Malaysia, Singapore sinh trong thập niên 60, 70 thì được chào đón nồng nhiệt, với mức giá khá cao. Ví dụ họa sĩ Alit Sembodo (1973-2003) có giá sàn 8.571 đến 11.429USD, kết quả bán được 54.256USD.

Văn Bảy (từ Singapore)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm