Thí sinh Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình 2008: Mai này có thành sao?

12/10/2008 10:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đêm qua tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM, cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình 2008 đã khép lại. Chất lượng yếu đều của nhiều cuộc thi tổ chức gần đây là điều mà cả nhà tổ chức lẫn công chúng phải chấp nhận, bởi đó là thực tiễn khách quan, vì có quá nhiều người đi hái quả trong khu vườn âm nhạc mà tài năng chưa kịp... chuẩn bị “chín”. Tuy nhiên điều đáng nói là khả năng họ có thể tỏa sáng được hay không sau cuộc thi khi xét đến khía cạnh tố chất và âm nhạc mà các thí sinh đã trình diễn...
 

Điều kiện để thí sinh tỏa sáng...

Cuộc thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình 2008 kéo dài trong nhiều tháng đã trôi qua, không có một điều tiếng gì để công luận phàn nàn, đó là một thành công về mặt tổ chức. Phải nói rằng, trong những đêm diễn ra vòng chung kết được trực tiếp truyền hình, chất lượng âm thanh khá tốt, yếu tố quan trọng để bảo đảm chuyển tải đến người nghe những gì trung thực nhất do thí sinh trình bày. Sân khấu được thiết kế hoành tráng và khá bắt mắt, việc dàn dựng những tiết mục chào mừng mở đầu cho mỗi đêm diễn (nhất là các đêm diễn theo các dòng nhạc) khá hấp dẫn, chương trình gắn được với những sự kiện lịch sử (như ngày Nam bộ kháng chiến 23/9, ngày giải phóng Thủ đô 10/10...). Cách dàn dựng để thí sinh xuất hiện cũng đa dạng hơn, có thể từ phía khán giả đi lên hoặc xuất hiện ở một góc nào đó của nhà hát (đã được chuẩn bị cảnh trí)... Những điều đó làm giảm sự khô cứng của cuộc thi, tập cho thí sinh năng động hơn và khán giả như xem một buổi biểu diễn chứ không phải một cuộc thi.

 Thí sinh Đỗ Tùng Lâm (Bắc Ninh) đoạt giải nhất Ngôi sao tiếng hát Truyền hình 2008

Ban nhạc của cuộc thi năm nay hoàn thành khá tốt nhiệm vụ, tuy không có những vấp váp lớn, nhưng xét về yêu cầu chuyên môn, ở một số thể loại, chưa có sự hỗ trợ tốt cho các thí sinh, rõ nhất là các bản nhạc mà thí sinh hát theo phong cách jazz. Việc khá nhiều thí sinh hát ca khúc không phải nhạc nhẹ trong đêm nhạc nhẹ, ca khúc không phải “nhạc truyền thống” trong đêm “nhạc truyền thống”... một phần là lỗi của thí sinh nhưng lỗi đó cũng thuộc bộ phận phụ trách chuyên môn của Ban tổ chức...

Nhưng nhìn chung công tác tổ chức để phục vụ cho cuộc thi đã tạo được bối cảnh trang trọng cần thiết, cùng với 10 đêm truyền hình trực tiếp. Ba thí sinh có mặt trong đêm chung kết, tức 10 đêm họ xuất hiện trên sóng truyền hình, một cơ hội quảng bá hình ảnh, tên tuổi quá tốt nếu họ thật sự có một điều gì đó trong phong cách và giọng hát để tạo ấn tượng cho khán giả. Thế nhưng, thí sinh có tận dụng được cơ hội này?

Thí sinh đã trình diễn những gì?

 

Kết quả xếp hạng của Ngôi sao THTH 2008
- Giải Nhất: Đỗ Tùng Lâm
- Giải Nhì: Nguyễn Tỳ Triệu Lộc
- Giải Ba: Hoàng Thị Uyên
Trước hết 3 thí sinh lọt vào đêm chung kết 10 để xếp hạng do khán giả bình chọn là 3 thí sinh có giọng hát khá tốt. Nhưng nếu nói giọng hát có cá tính thì chưa và sự diễn cảm thật tinh tế cũng không nhiều. Hoàng Thị Uyên có giọng truyền cảm nhưng là để hát những ca khúc như Mùa xuân, Đất nước (Phạm Minh Tuấn)… và các ca khúc Tây Nguyên. Đỗ Tùng Lâm sở trường trình diễn những bài hát “dân gian đương đại”, Lâm hát ra được “chất” của những âm điệu dân gian, nhưng vẫn còn chưa đi vào được chiều sâu, người nghe như có cảm giác Lâm bị cuốn theo nhạc, nhiều lúc chưa làm chủ được cảm xúc. Đỗ Tỳ Triệu Lộc bản thân là một giọng thính phòng, anh có trình diễn các ca khúc như 12 giờ (Nguyễn Duy Hùng), Vì anh yêu em (Đức Trí), Ngọn cỏ lau (Lưu Thiên Hương)… nhìn chung là khá chứ chưa thật thuyết phục hoặc cho thấy một triển vọng về nhạc nhẹ.

Tuy nhiên khi nói đến một cuộc thi, rất hiếm khi tìm ngay được một tài năng ca hát làm “tâm phục khẩu phục” khán giả, điều thông thường với các cưộc thi hát hiện nay là giới thiệu đến công chúng những giọng ca triển vọng và họ cần có thời gian tiếp tục rèn luyện sau cuộc thi để hoàn thiện giọng hát, phong cách để khẳng định mình. Vì vậy, ngoài chuyện tự bản thân rèn luyện với tố chất có sẵn, hướng âm nhạc mà họ lựa chọn có vai trò quyết định rất lớn để họ có thể thành “sao” hay không trong đời sống âm nhạc đại chúng.

Nhìn chung tất cả các thí sinh đều yếu về nhạc nhẹ, nếu chỉ tính từ chung kết 8, 9, và 10 (chung kết xếp hạng), tỉ lệ thí sinh trình bày các ca khúc rõ ràng phong cách của nhạc nhẹ như pop, R&B, rock... là rất ít. Những ca khúc họ chọn đa số đều có giá trị nội dung và nghệ thuật, nhưng không thuộc loại âm nhạc “tiết tấu” mà đại đa số công chúng trẻ hiện nay thưởng thức. Đó là điều đáng nói nhất trong hành trình chinh phục công chúng sau cuộc thi của các thí sinh.

Những bài hát của thí sinh như: Gởi nắng cho em (Phạm Tuyên), Im lặng đêm Hà Nội (Phú Quang), Đất nước, Mùa xuân (Phạm Minh Tuấn), Mẹ (Phan Long), Giai điệu tổ quốc (Trần Tiến), Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc (Thuận Yến)... Cùng ca khúc trình diễn của các khách mời như: Màu hoa đỏ (Thuận Yến), Bức họa đồng quê (Văn Phụng), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)... làm chúng ta liên tưởng đến “fomart” của Tiếng hát Truyền hình những năm trước đây, cuộc thi mà nhiều ý kiến cho rằng đó thực chất là một cuộc thi cho sự lên ngôi của những giọng hát phong cách thính phòng. Và cũng chính điều đó mà các giải Nhất Tiếng hát Truyền hình TP.HCM không có nhiều gương mặt trở thành “hot” trong thị trường âm nhạc.

Phải chăng cơ hội để thành sao của các thí sinh Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình năm nay là quá nhỏ?

Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm