Giải Nobel văn học 2008: Le Clezio & cuộc hành trình qua những thế giới xa xôi

09/10/2008 22:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Jean - Marie Gustave le Clezio, người được nhiều đồng hương Pháp của ông mệnh danh là “nhà văn Pháp còn sống vĩ đại nhất” vừa được Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển trao tặng giải Nobel văn học năm 2008.
 
 
Le Clezio

Tuyên bố trao giải nói Le Cleszio, năm nay 68 tuổi, là “tác giả của những chuyến khởi hành mới mẻ, một cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và sự ngất ngây của nhục cảm, người khám phá chất nhân văn bên ngoài và phía dưới nền văn minh đang ngự trị”.
 
Ông sinh ngày 13/4/1940 ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, bố là một bác sĩ người Anh còn mẹ là người Pháp. Trong thế chiến II, gia đình phải ly tán vì người cha ông phải đến Nigeria làm bác sĩ phẫu thuật cho quân đội Anh quốc. Đến năm 1948, Le Clézio đến châu Phi để gặp cha mình và chuyến đi mở màn cho sự mê say suốt đời của ông đối với những thế giới nguyên sơ. Sau đó chuyến đi này được ông miêu tả lại trong thiên truyện “Onitscha” (1991) và “Người châu Phi” (2004).
 
Văn học Pháp với giải Nobel
Nhà văn đầu tiên trong lịch sử được trao giải Nobel văn học chính là một nhà văn Pháp: Sully Prudhomme. Ông được trao giải này năm 1901.

Từ ông cho đến Le Clezio có tổng cộng 13 nhà văn Pháp được trao giải (không kể Cao Hành Kiện được trao giải năm 2000 với tư cách là một nhà văn Pháp gốc Hoa). Như vậy Pháp là một trong những nền văn học có nhiều tác giả đoạt giải Nobel nhất.

Trong số các nhà văn Pháp được trao giải Nobel văn học cho đến nay có những tên tuổi vĩ đại như Romain Rolland (1915), Albert Camus (1957) hay Jean-Paul Sartre (1964).
 
Trước Le Clezio, nhà văn cuối cùng đoạt giải Nobel là Claude Simon. Ông được trao giải này này năm 1985, cánh đây 23 năm.
Sau khi tốt nghiệp đại học văn khoa ở Nice, ông dạy học ở Anh, Mỹ, Thái Lan và từ năm 1973 lúc thì sống ở Pháp, lúc ở Mỹ hay quần đảo Mauritius, nơi có gốc gác của gia đình mình.

Sự đột phá văn học của ông bắt đầu với tác phẩm “sa mạc” năm 1980, mà tuyên bố trao giải cho rằng nó “chứa đựng những hình ảnh kỳ diệu về một nền văn hóa đã tiêu vong ở sa mạc Bắc Phi đối nghịch với hình ảnh châu Âu được miêu tả qua cặp mắt của những kẻ nhập cư không mong muốn”. Tác phẩm này đã đoạt giải của Viện Hàn lâm Pháp.
 
Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng từ đầu, Le Clézio đã “nổi bật như một tác giả nhập cuộc về môi trường với các tác phẩm “Terra Amata”, “Cuốn sách về những chuyến bay”, “Chiến tranh”, “Những người khổng lồ”.
 
Cuốn sách mới nhất của ông “Ballaciner” (2007) được Viện Hàn lâm Thụy Điển cho là “một khảo luận cá nhân sâu sắc về lịch sử nghệ thuật điện ảnh và tầm quan trọng của điện ảnh” đối với cuộc đời ông.
Với gần 40 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, sưu tập truyện ngắn và khảo luận, Le Clézio đã miêu tả sự tìm tòi của ông về những thế giới rất nguyên sơ và sự rất dễ bị thương tổn của chúng đối với hành vi tàn sát và điên rồ của những kẻ xâm nhập từ thế giới công nghiệp. 

Là một nhà văn phiêu du, những thiên truyện của ông có thể lấy bối cảnh từ Mexico, sa mạc Sahara hay Paris hoặc London, và đề cập đến những chủ để rất đa dạng. Ông hiện là một trong những nhà văn Pháp rất nổi tiếng ngoài đất nước mình. Như một nhà biên niên sử thầm lặng, Le Clézio đã vạch ra những thảm họa của đời sống hiện đại, đặc biệt là ở đô thị.
 
Đánh giá về ông, nhà phê bình Pháp Franz – Olivier Giesbert nói: “Jean – Marie Le Clézio là một tượng đài lớn của Pháp ngự trị lên nền văn học chúng tôi. Bạn cần phải đến gần bức tượng ấy để khám phá một nhà văn đa tài đầy nhiệt huyết, người khám phá hầu như mọi thể loại, từ cái khiêm tốn nhất đến cái táo bạo nhất”.
 

20 nhà văn được trao giải Nobel văn học gần đây

2008 Jean Marie Gustave Le Clézio (Pháp)
2007 Doris Lessing (Anh)
2006 Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ)
2005 Harold Pinter (Anh)
2004 Elfriede Jelinek (Áo)
2003 J. M. Coetzee (Nam Phi)
2002 Imre Kertész (Hungary)
2001 V.S. Naipaul (Anh, sinh trưởng ở Trinidad)
2000 Cao Hành Kiện (Pháp gốc Hoa)
1999 Gunter Grass (Đức)
1998 José Saramago (Bồ Đào Nha)
1997 Dario Fo (Italia)
1996 Wislawa Szymborska (Ba Lan)
1995 Seamus Heaney (Ireland)
1994 Kenzaburo Oe (Nhật Bản)
1993 Toni Morrison (Mỹ)
1992 Derek Walcott (St. Lucia)
1991 Nadine Gordimer (Nam Phi)
1990 Octavio Paz (Mexico)
1989 Camilo José Cela (Tây Ban Nha)

Hà Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm