Bài 1: Cuộc đời "Lưỡng quốc tướng quân" qua ảnh

01/10/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sự nghiệp của "Lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn đã đi vào huyền thoại với những chiến công vang dội ở cả Việt Nam và Trung Quốc; với cả sự lịch lãm, hào hoa của một vị tướng "văn võ song toàn"… Đã có rất nhiều sách vở, tư liệu viết về ông, mà gần đây là cuốn hồi ký của bà Trần Kiếm Qua - người vợ Trung Quốc của ông. Và bây giờ cuộc đời, sự nghiệp của ông thêm một lần nữa lại được tái hiện một cách chân xác và sống động qua hàng loạt những bức ảnh mới được sưu tầm và hệ thống lại. Đó là cuốn sách ảnh "Tướng Nguyễn Sơn" do NXB Thông tấn và gia đình ông sẽ cho ra mắt hôm nay (1/10), nhân nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Tướng Nguyễn Sơn
Phải nói rằng tướng Nguyễn Sơn không để lại nhiều ảnh. Cuộc đời ông không được dài, chỉ 48 năm, và ông đã sống chiến đấu trên đất nước Trung Quốc tới 26 năm, tham gia vào cuộc "vạn lý trường chinh"… Vì thế mà việc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, hình ảnh về những hoạt động của ông là rất khó khăn. Có những bức ảnh phải sưu tầm ở tận Đài Loan.

1. Một sự kiện làm thay đổi cuộc đời của ông là việc ông sang Quảng Châu gặp Nguyễn Ái Quốc và trở thành học trò của Người. Năm 1926, ông vào học trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu (khóa 4) và trở thành học sinh xuất sắc của trường này. Cho đến ngày nay, chiếc chăn dạ của ông đã trở thành "kỷ vật" được lưu giữ tại ngôi trường nổi tiếng này, và trong các buổi gặp mặt các học sinh của trường, người ta vẫn coi ông là đại diện của các học sinh nước ngoài học tại đây. Qua bức ảnh này, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh của ông trong thời kỳ học trường quân sự Hoàng Phố đó.
 
2. Không tìm được nhiều ảnh về quãng thời gian ông tham gia khởi nghĩa Quảng Châu, đánh du kích ở Đông Giang, hoạt động ở khu Xô Viết Trung Ương, tham gia cuộc "Vạn lý Trường chinh" ngoài một vài bức ảnh chân dung… Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Nhật, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Khu ủy Đông Dã, trực tiếp lãnh đạo việc kháng Nhật tại khu vực này. Một hình ảnh vô giá về vị lưỡng quốc tướng quân là cảnh ông phát biểu trước đông đảo quần chúng nhân dân tại miếu Lữ Tổ thành Ngũ Đài (1938). Đó là quãng thời gian, Bát Lộ quân vừa có một chiến thắng quan trọng trong trận Bình Hình Quan, tiêu diệt hơn 1000 tên Nhật, làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, phá tan huyền thoại "Quân Nhật bất khả chiến bại". Nhân thắng lợi đầu tiên này, ông đã nhanh chóng triển khai công tác, cùng các đồng chí ở Ban dân vận đã triệu tập quần chúng để tuyên truyền chủ trương chống Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi nhân dân tham gia kháng Nhật cứu nước. 
 
Phát biểu trước đông đảo quần chúng nhân dân tại miếu
Lữ Tổ thành Ngũ Đài (1938)
 
3. Từ năm 1945, ông trở về phục vụ cách mạng Việt Nam, làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam trực tiếp chỉ huy tiêu diệt cứ điểm Vạn Giả (Khánh Hòa), làm Hiệu trưởng trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Khu trưởng chiến khu IV… Cuốn sách đã thu thập được khá nhiều các bức ảnh chân dung và các hoạt động của ông trong quãng thời gian này. Đó là hình ảnh oai nghiêm của một vị sĩ quan dày dặn chiến chinh trong buổi Khai mạc Đại hội tổng kết phong trào "Rèn cán chỉnh quân" tại Thanh Hóa (1947); Đó là phong thái của một vị "tướng" chỉ huy khi bàn kế hoạch tác chiến quân sự ở Thanh Hóa (năm 1948) ; Đó là hình ảnh người thầy Nguyễn Sơn đang giảng bài cho lớp học Thiếu sinh quân chiến khu IV (1948) do chính ông sáng lập. Bức ảnh lịch sử về khu trưởng Nguyễn Sơn trong lần đến thăm ngôi trường này đã phản ánh đậm nét phong thái của một vị chỉ huy "văn võ song toàn".

Khi xem bức ảnh vị "khu trưởng" Nguyễn Sơn thư sinh, hào hoa, với chiếc xe đạp "cuốc" Stéc-linh vốn đã rất quen thuộc với bà con khu IV trong những năm 1947-1949; Nguyễn Sơn với chiếc nón khoác trên tay; và nhất là bức ảnh Nguyễn Sơn bế em bé trong cuộc gặp gỡ văn nghệ sỹ và các cháu thiếu sinh quân (năm 1948)…; người ta càng thấy rõ sự giản dị, phong thái ung dung và chất "văn" trong ông. Ông đã được nhân dân tôn sùng gọi là "ông tướng văn hóa" của chiến khu IV qua việc mở các trường, lớp, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ...
 

4. Nguyễn Sơn được phong quân hàm Thiếu tướng ngày 8/10/1948. Trong ảnh 6 là cảnh trao bằng Ủy viên Quân sự cho tướng Nguyễn Sơn nhân lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng. 7 năm sau, ngày 27/9/1955 tại Bắc Kinh, ông được Trung Quốc phong hàm Thiếu tướng cấp Sư trưởng, vì thế mà ông được gọi là "lưỡng quốc tướng quân".

5. Cuộc đời dù chỉ với 48 năm, nhưng bởi hoàn cảnh chiến chinh và ly tán mà ông có tới 4 lần xây dựng gia đình (cả ở Việt Nam và Trung Quốc)… Trong "đại gia đình" của Nguyễn Sơn có 8 người con ruột thịt không cùng quốc tịch (2 người mang quốc tịch Trung Quốc; 6 người quốc tịch Việt Nam) và không cùng họ (1 người họ Vũ, 2 người họ Trần, 5 người họ Nguyễn), ngôn ngữ lại bất đồng; nhưng cuối cùng đã cùng đoàn tụ trong hạnh phúc.
 
Tướng Nguyễn Sơn và con trai Hàn Phong

Thật xúc động khi người con mang dòng máu Việt - Trung của tướng Nguyễn Sơn - ông Trần Hàn Phong - cũng vừa về Việt Nam trong dịp kỷ niệm này - kể về những năm tháng ngắn ngủi bên người cha của mình. Chú bé Trần Hàn Phong trong bức ảnh  (chụp tại Diên An năm 1945, lúc mới 1 tuổi), chẳng thể ngờ rằng sau đó cha con ông phải xa nhau 5 năm liền và những năm gặp lại sau đó, khoảng thời gian được ở bên cha cũng rất ngắn ngủi. Đó cũng là 1 trong những bức ảnh hiếm hoi mà ông được chụp với người cha dày dặn chiến chinh…

Nguyễn Mỹ

Bài 2: Gặp người con quốc tịch Trung Quốc của tướng Nguyễn Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm