Lưu trữ về tuyến đường sắt răng cưa duy nhất ở Việt Nam

23/09/2008 11:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trên TT&VH Cuối tuần 2 số vừa qua có loạt phóng sự về việc đi tìm lại tuyến đường sắt độc nhất vô nhị Việt Nam - tuyến đường sắt răng cưa dài 14km từ Krongpha đi Đà Lạt... Chúng tôi xin cung cấp thêm những thông tin và hình ảnh quý giá về tuyến đường sắt răng cưa này hiện có tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
 Cảnh thi công tuyến đường sắt răng cưa
1. Đà Lạt, một thành phố du lịch nổi tiếng, nằm ở độ cao 1500 m trên cao nguyên Langbian. Người Pháp đã khám phá ra điểm du lịch này từ rất sớm. Tuy nhiên, do địa thế tự nhiên nên giao thông gặp nhiều khó khăn. Phương tiện đi lại của hành khách lên Đà Lạt lúc đó chủ yếu bằng ô tô. Điều này hạn chế lớn đến số lượng du khách đến với Đà Lạt. Ý thức được những khó khăn trên, ngày từ năm 1898, Chính phủ Pháp đã đưa việc xây dựng đường sắt lên cao nguyên Langbian để có điều kiện khai thác hiệu quả một vùng rộng lớn.
 
 Cầu sắt chênh vênh trên núi. Ảnh Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I
Đường sắt Langbian, từ Krongpha (Sông Pha) lên Đà Lạt nằm trong tuyến nhánh Tháp Chàm - Đà Lạt dài hơn 80 km. Vì lý do tài chính nên đến 1921, tuyến Langbian mới được nghiên cứu xây dựng. Ngày 26/2/1921, Toàn quyền Đông Dương ký hợp đồng với Công ty thầu khoán châu Á để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Sông Pha - Đà Lạt (tuyến Langbian) dài gần 40 km.

Tuyến đường này chủ yếu chạy qua những khu vực có độ cao 1500 m so với mực nước biển và có nhiều đoạn đèo, dốc nên phương án xây dựng tuyến đường này là dùng các đoạn đường răng cưa cho đường đèo dốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả tuyến cần xây dựng 2 đoạn đường răng cưa dài gần 14 km: hơn 8 km trong đoạn Krongpha - Bellevue (Sông Pha - Đèo Ngoạn Mục) và 5 km trong đoạn Da Nhim - Bosquet ( Dran - Trạm Bò).

Sau khi có kết quả nghiên cứu, khảo sát, “ngày 13-1-1923, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thông qua việc xây dựng đường sắt Langbian (Sông Pha - Đà Lạt).
 
2. Công trình đường sắt Langbian hoàn thành và đi vào khai thác năm 1931. Đây là tuyến đường quan trọng mở đường lên cao nguyên Langbian, một khu vực có địa thế tuyệt đẹp để khai thác du lịch. Sau khi hoàn thành và thông tuyến, số lượng khách lên Đà Lạt tăng lên đáng kể. Năm 1931 lượng khách đi đến ga Đà Lạt là 7643 lượt. Đến năm 1938, con số này lên đến 58410 lượt. Ngoài việc chuyên chở hành khách, tuyến đường sắt này đã mang lại lợi nhuận lớn nhờ việc vận chuyển hàng hoá, rau, hoa, quả từ cao nguyên Langbian xuống miền xuôi.
 Một đoạn tuyến đường sắt răng cưa ở km4+950
 

"Trên cơ sở tuyến đường cũ với các thông số kỹ thuật trước đây, tuyến đường sắt mới cũng sẽ dài 84km, đặc biệt là trong đó vẫn có hai đoạn răng cưa 14km có độ dốc 120 phần nghìn vượt đèo Sông Pha; đi qua 5 hầm; khổ đường 1m… Theo kỳ vọng của ngành đường sắt Việt Nam thì việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015 với tổng vốn khoảng 5 ngàn tỷ đồng" (theo Báo Lâm Đồng)

Đường sắt răng cưa Sông Pha-Đà Lạt được thiết kế theo kiểu Thuỵ Sĩ. Đường sắt có 3 đường ray. Một nằm giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn. Đây là kiểu đường sắt chỉ có ở Đà Lạt và Thuỵ Sĩ. Đầu máy hơi nước nhập từ Thuỵ sĩ do hãng Fuca sản xuất. Loại đầu máy này hoạt động trên cả đường răng cưa và đường sắt thường duy nhất còn lại trên thế giới. Cả tuyến Langbian được trang bị 6 đầu máy hơi nước. Nhưng chiếc đầu máy đặc biệt này đã được chính hãng Fuca mua lại.
 
3. Đây là một tuyến đường độc đáo về thiết kế trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Tuyến đường này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế từ du lịch và thương mại. Hiện nay, cả tuyến đường sắt Đà Lạt không còn dấu tích các đoạn răng cưa. Việc ngồi trên tàu lửa leo đèo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao nguyên Langbian và tận hưởng khi hậu trong lành nơi đây đặc biệt hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, không biết đến khi nào một tuyến đường sắt lên cao nguyên Langbian được tái sinh để phục vụ khách du lịch?

 
Đỗ Hoàng Anh
(Trung tâm Lưu trữ Quốc gia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm