“Tôi thường treo thưởng cho mình bằng… tiền”

12/09/2008 08:46 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ hôm 7-8/9, khi các báo dẫn nguồn từ Hội Nhà văn Việt Nam về việc đề cử Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng năm 2008, TT&VH đã có liên lạc trực tiếp với nữ nhà văn này để làm một bài phỏng vấn, nhưng chị đã từ chối. Chị hứa với chúng tôi là sẽ trả lời email khi có thông tin chính thức. Và 9 giờ 20 sáng hôm qua (11/9) chúng tôi đã nhận được bài trả lời, nghĩa là mọi việc đã chắc chắn.

 Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
* Khi nghe tin chính thức mình đạt giải ASEAN năm 2008, cảm giác của chị thế nào?
 

- Thắc mắc chút xíu, hoặc mình đã già hoặc cái giải này đã chịu… trẻ.

* Cụ thể hơn một chút, xin hỏi thật, chị có bao giờ nghĩ giải này sẽ đến với mình chưa? Suy nghĩ của chị về giải thưởng này như thế nào, nó có “cao vời vợi” không?

- Tôi nghĩ nếu ngồi viết mà mơ mộng giải thưởng này giải thưởng kia thì chẳng viết được gì hết. Tôi thường treo thưởng cho mình bằng… tiền. Ừ, viết cái này đi mình sẽ có… nhuận bút mua thứ mình thích. Với giải thưởng ASEAN à, tôi thấy nó xa vời vợi thì đúng hơn, muốn nhận phải qua biên giới… sang tận Thái Lan.

* Viết văn là một công việc khá riêng tư, nhiều khi rất lặng lẽ, chị nghĩ về văn nghiệp của mình ra sao, khi đã có khá nhiều thảm đỏ trải ra trước mắt?

-------------------
Giải thưởng ASEAN (tên đầy đủ là S.E.A. Write Award hoặc Southeast Asian Writers Award) được Hoàng gia Thái Lan thành lập từ năm 1979 và được trao giải hàng năm cho các nhà thơ, nhà văn khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được giải này gửi lời mời từ năm 1995 và Tố Hữu là người đầu tiên nhận giải vào năm 1996, tiếp theo là các tác giả Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Inrasara (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007) và năm nay là Nguyễn Ngọc Tư. Tuy tác phẩm không cần phải dịch sang tiếng Thái hay tiếng Anh, nhưng người nhận giải được bố trí ở khách sạn nổi tiếng là Oriental Bangkok, đi máy bay khứ hồi của Thai Airways, hoặc các hãng quốc tế tương đương.
--------------------
- Khi bắt đầu mon men viết thì tôi đã thấy thảm đỏ rồi. Tôi nhận ra đó cũng là cái bẫy, hào quang của nó, sự lấp lánh của nó cũng mê hoặc lắm, dễ rủ rê người ta vào cuộc trình diễn giả tạo. Nhận thấy vậy nên lâu lâu tôi cũng bước lên thảm chút rồi về nhà viết, đơn giản, nếu chẳng viết thì dưới chân cũng chẳng có cái thảm nào.

* Về những tác phẩm của chị, đặc biệt tập truyện Cánh đồng bất tận, có quan điểm cho rằng đó là “đỉnh cao”, có ý kiến cho đấy là “vực sâu”. Bỏ qua tất cả các dư luận, chị nhìn về tác phẩm của mình như thế nào?

- Chỉ đơn giản là một cuốn sách trong những cuốn sách của một đời người viết. Và cuốn sách này thì bán được. Cũng may ghê…

* Điều tâm đắc lớn nhất mà chị nghĩ rằng mình đã gởi gắm được qua tác phẩm, qua công việc cầm bút trong suốt thời gian qua?

- Quá mừng vì thấy mình còn sống sót, chưa bị giẫm bẹp bởi vô số thứ lặt vặt. Và viết những gì mình thích sau khi viết những gì người đời thích.

 Bìa cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư
* Ngoài những tạp bút và các truyện ngắn thường thấy trên các báo, chị có những tác phẩm nào cất trong ngăn kéo hay không?

- Tôi viết rất thiếu tự tin, nên viết cái nào đem công bố cái ấy, để nghe được phản hồi. Tôi thường nghĩ, nếu viết mà cất trong ngăn kéo, lâu thật lâu đọc lại như đọc của một người khác, biết đâu tác phẩm sẽ được chỉnh sửa thành hay hơn rất nhiều. Nhưng tôi không kìm nén được việc tự… thưởng nóng cho mình.

* Cá nhân tôi rất thích diễn từ của Nguyễn Ngọc Tư, ví dụ như bài phát biểu tại Hàn Quốc khi Cánh đồng bất tậnđược dịch sang Hàn ngữ, ấy là một bài sắc sảo, nhiều suy tư. Để chuẩn bị cho giải thưởng lần này, chị định viết một bài như thế nào?

- Tôi chỉ có 2 phút. Tôi sẽ bối rối khoảng 1 phút, phút còn lại hy vọng là đủ để… cảm ơn.

* Xin cảm ơn chị!

Văn Bảy (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm