Một nữ sỹ của Thi nhân Việt Nam

09/09/2008 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm nay, Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nữ sỹ Hằng Phương (9/9/1908-2008) sẽ được tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta biết đến bà rất nhiều với tư cách một trong những nữ sỹ hiếm hoi có tên trong Thi Nhân Việt Nam (cùng với Anh Thơ, Mộng Tuyết, Vân Đài…); với vai trò là vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, là mẹ của một gia đình trí thức danh giá (với các con là GS.Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Họa sỹ Vũ Giáng Hương, KTS Vũ Ngọc Phương…)

Đâu phải là “nhà thơ một bài"!

 Nữ sĩ Hằng Phương
Đối với nhiều bạn đọc trẻ hiện nay, nữ sỹ Hằng Phương thường chỉ được biết đến qua một bức ảnh và một bài thơ duy nhất được tuyển trong Thi Nhân Việt Nam. Bài thơ có tên là “Lòng quê” đề tặng V.N.P” mà người ta có thể đoán ngay ra là tặng Vũ Ngọc Phan, chồng bà, một nhà văn hóa lớn, tác giả của bộ "Nhà văn hiện đại" đồ sộ.

Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân đã dành cho nữ sỹ này những lời giới thiệu trân trọng “…đoạn cuối trong bài "Lòng quê" trích theo đây lời thơ thực yểu điệu dễ thương. Hằng Phương mượn lời chim để nói nỗi lòng mình. Nhưng thực ta không còn biết đây là lời người hay lời chim. Bởi mối tình ở đây nhẹ nhàng quá, trong trẻo quá. Người thơ tưởng chừng đã biến thành chim...”. Trân trọng vậy, nhưng bài thơ được tuyển chưa chắc đã phải là bài thơ hay nhất của bà, và cái “yểu điệu dễ thương" ấy có thể vẫn chưa nói hết được về tâm hồn nữ sỹ.

Và điều khiến tôi vừa ngạc nhiên là trong cuốn sách “Nhà thơ Hằng Phương, kỷ niệm 100 năm ngày sinh” (NXB Hội Nhà văn) phát hành nhân dịp kỷ niệm này, mặc dù tập hợp được khá nhiều những bài viết về bà của Xuân Diệu, Tô Hoài… nhưng lại không trích lại những lời giới thiệu trong “Thi Nhân Việt Nam" (cũng không nói đến việc bà có tên trong Thi Nhân Việt Nam). Tôi không nghĩ rằng đó là sơ suất của người làm sách. Được đọc một tuyển tập chưa đầy đủ những tác phẩm của bà trong cuốn sách trên, tôi nhận ra rằng sự nghiệp văn chương của bà lớn hơn những gì chúng ta biết đến qua một bài thơ duy nhất được trích trong Thi Nhân Việt Nam.

"….Ngây thơ con biết gì

Mẹ khóc, con cười khì

Chơi đùa quanh dưới gối

Mẹ khuây nỗi biệt ly

Ngày nay bên khóm trúc

Em thơ khóc rưng rức

Tìm mẹ biết tìm đâu

Trời xanh xanh một màu"

(trích Nhớ mẹ)

Có thể xem đó là một trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ của bà (mà trong Thi Nhân Việt Nam mới chỉ được trích 4 câu cuối cùng). Tôi cũng tìm trong thơ của người phụ nữ có khuynh hướng gia đình này rất nhiều câu thơ tuyệt hay về người mẹ: “Những ngày vui sao chẳng được bao lâu/Vừa mới đó cuộc đời đà khác trước, Ví có cánh tôi bay theo chim phượng/ Tới Bồng Lai xem mẹ ở nơi nao?” ( Tết xưa, 1941); “Mẹ ơi nhớ tết năm nào, Mẹ mua guốc mới ướm vào chân con/ Con đi lếch thếch trên giường/ Đợi ngày mồng Một ra đường mới tinh/ Giờ con cầm dép xinh xinh/ Ướm vào chân cháu nhớ hình mẹ xưa/ Quê nhà hấm hút muối dưa/ Nuôi con cơm búng, lưỡi lừa cá xương” (Quà Tết nhớ mẹ, 1958); “Mẹ chết ba mươi năm/Đầu con đã hoa râm/ Vẫn còn nhìn thấy mẹ/ Trong cảnh sống âm thầm” (Ngày xưa mẹ tôi đi học, 1966)…
 
Đây mới chỉ là một góc thơ Hằng Phương. Tấm lòng nhân hậu thẳm sâu của bà thể hiện qua thơ đã giúp tôi lý giải được sự thành đạt của gia đình bà và các con bà sau này (đúng như câu Phúc đức tại mẫu).
 
Chuyến đi thực tế ở Vĩnh Linh (ảnh chụp bên cầu Hiền Lương, 1963

Từ năm 1943, bà đã cùng các tác giả Vân Đài, Anh Thơ, Mộng Tuyết cho in tập thơ “Hương Xuân” là tập thơ bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của một tập thể tác giả nữ ở Việt Nam. Sau năm 1954, bà còn ra 4 tập thơ, bút ký, khảo cứu văn học…, trong đó có 9 bài thơ được dịch ra các thứ tiếng Nga, Trung Quốc, Pháp và được đăng ở nước ngoài.

Hình như chính việc không trích Thi Nhân Việt Nam vào cuốn sách kỷ niệm 100 năm ngày mất của bà đã khiến tôi được nhìn thấy bà ở một tầm vóc lớn hơn như thế. Và tôi cho rằng trong việc “tuyệt đối hoá” vai trò của cuốn "Thi Nhân Việt Nam" trong thời gian gần đây, vô hình trung, đã khiến một bộ phận người yêu thơ chỉ nhìn thấy một phần chân dung văn chương của các tác giả thời Thơ Mới, mà cái phần đó cũng chỉ dừng lại ở năm 1941- 1942. Điều đó là cần thiết nhưng có lẽ chưa đủ để hình dung đầy đủ sự nghiệp, tầm vóc của họ!

Đầy đủ câu chuyện tặng cam Bác Hồ

Câu chuyện về nữ sỹ Hằng Phương mua cam dâng tặng Bác Hồ kèm theo một bài thơ đã được kể khá nhiều. Chuyện xảy ra như sau: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 mấy tháng, nhà thơ Hằng Phương đã mang tới Phủ Chủ tịch một gói cam để biếu Bác. Rất tiếc lúc đó Bác bận tiếp khách nên bà phải gửi lại gói cam kèm theo một bài thơ. Tháng 1-1946, Bác Hồ đã gửi một bài thơ ngắn cảm ơn nhà thơ Hằng Phương:

“Cảm ơn bà tặng gói cam
Nhận thì không đặng(*), từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”

Nhưng còn bài thơ của nữ sỹ Hằng Phương tặng Bác cùng với gói cam thì sao? Lễ kỷ niệm năm nay cũng là dịp để công chúng được tiếp cận với bút tích bài thơ này của nữ sỹ Hằng Phương. Bài thơ đề ngày 2/1/1946 như sau: Cam ngon Thanh Hoá vốn dòng/ Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu/ Đắng cay cụ nếm đã nhiều/ Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây/ Cùng quốc dân hưởng những ngày/ Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam/ Anh hùng mở mặt giang san/ Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi.
 
Bài thơ này đã được Bác Hồ gửi in trên báo “Tiếng gọi phụ nữ" số 11, ra ngày 8/1/1946 cùng với bài thơ trả lời “Cảm ơn người tặng cam” của Người.
 
Bút tích bài thơ dâng tặng cam của nữ sĩ
 
Từ một lời thơ “yểu điệu dễ thương" trong Thi Nhân Việt Nam, ta có thể thấy thêm những lời khí phách của người phụ nữ Hằng Phương. Và điều có lẽ không nhiều người biết là vào khoảng năm 1964, dù đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn tiếp tục đi thực tế vào những vùng đất "nóng" như Vĩnh Linh, Quảng Bình…, viết bài ca ngợi chiến công của các chiến sỹ trong đơn vị Thanh niên xung phong 33. (Bài viết này đăng trên báo Nhân dân, được Bác Hồ đọc và gửi thư khen ngợi đơn vị Thanh niên xung phong đó).
 
Doãn Phương
 

(*) Chữ “đặng” này có một số bản chép là: đúng, đáng

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm