Bệnh viện giữa… rừng xanh

29/05/2012 15:55 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Giữa Vườn Quốc gia Cát Tiên, có những loài thú như vượn, voọc chà vá, cu li, gấu… đang được chữa trị những vết thương do sự tàn ác của con người gây ra.

Đảo Tiên một hòn đảo nhỏ rộng chừng 30ha nằm trong khuôn viên của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, đã từ lâu, đó là “bệnh viện” của những loài linh trưởng. Hôm chúng tôi đặt chân lên đảo, cơn mưa rừng rả rích không ngớt…

Chuyện không quên ở đảo Tiên

8h sáng, chúng tôi di chuyển bằng chiếc phà vượt sông Đồng Nai để đến đảo Tiên, cách khu hành chính của VQG không xa. Chỉ trong phút chốc, bầu trời chuyển màu âm u và cơn mưa nhanh chóng kéo đến như một làn khói trắng xóa bao phủ cả dòng sông. Và phía xa, đảo Tiên chỉ thấy lờ mờ một mảng rừng màu xanh chạy dài dường như bất tận.

Phà cập bến, anh Đỗ Ngọc Thắng, nhân viên của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (TT DLST - GDMT) đã đứng đón từ bến phà để đưa chúng tôi vào Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng. Con đường trải nhựa phẳng lì, hai bên là những tán cây rừng cao vút như bức tường thành che chắn và dưới đất thi thoảng bắt gặp hàng ngàn con mối rừng di chuyển qua con đường tạo thành những vệt dài, đen kịt. 

Anh Đỗ Ngọc Thắng kể câu chuyện cảm động về gia đình chà vá chân đen

Anh Thắng cho biết: “Trung tâm Cứu hộ các loài linh trưởng được thành lập từ năm 2008. Ở đây phục hồi nhóm thú là vượn bản địa, gồm vượn đen má vàng, vượn đen má trắng, cu li, chà vá chân đen... Chúng tôi tiếp nhận những loài thú này từ những nơi nuôi nhốt bất hợp pháp, điều trị cho chúng khỏe mạnh trở lại và giúp cho chúng lấy lại được bản năng sinh tồn. Hiện có gần 30 cặp sống tại đây. Trong đó, có những con bị nuôi nhốt quá lâu không thể phục hồi được bản năng tự nhiên nên chúng tôi sẽ giữ lại đây để bảo tồn, nuôi dưỡng”.

Đưa chúng tôi đứng trước khu vực hạn chế ra vào, nơi có tấm bảng giới thiệu về loài chà vá chân đen, anh Thắng kể một câu chuyện về loài thú bé nhỏ này, câu chuyện là một lời thú tội của một người thợ săn khi bị cơ quan chức năng bắt giữ vào năm 2009.

Câu chuyện bắt đầu khi con chà vá mẹ vẫn cố những hơi sức cuối cùng ôm chặt đứa con của mình vào lòng trên nhánh cây cao sau khi đã trúng viên đạn từ họng súng của gã thợ săn. Máu chảy xuống đất loang đỏ, con chà vá mẹ kêu thất thanh cầu cứu vang khắp khu rừng. Chẳng lâu sau, con chà và bố trở về và nhận đứa con từ tay con chà vá mẹ trước khi kiệt sức rơi xuống đất. Ngay lập tức, gã thợ săn bắn phát súng thứ hai vào con chà vá bố để quyết bắt sống bằng được con chà vá con. Trúng viên đạn, con chà vá bố vẫn khư khư ôm chặt đứa con và sau gần một tiếng đồng hồ chống chọi, con chà vá bố rơi bị xuống đất nhưng vẫn ôm chặt đứa con của mình.

“Loài chà vá nó cũng như con người, cũng có gia đình và sống chung thủy với nhau cho đến hết cuộc đời. Chúng sống biết yêu thương lẫn nhau, thế nhưng vì mối lợi ích kỷ mà con người đã đối xử nghiệt ngã với chúng. Ở Trung tâm cứu hộ, sau khi được phục hồi chức năng và tìm kiếm bạn đời, sinh con, chúng sẽ được thả về với thiên nhiên hoang dã” -  anh Thắng cho biết.

Chuyện cô gấu “Hy vọng”

Chia tay đảo Tiên, chúng tôi lại tiếp tục đến Trung tâm Cứu hộ loài gấu. Hiện nơi này đang điều trị phục hồi cho 35 cá thể gấu. Trong đó có 7 cá thể gấu chó và 28 cá thể gấu ngựa.

Đưa chúng tôi đến khu vực phục hồi chức năng, anh Trần Văn Quản, nhân viên của Trung tâm giới thiệu về công tác điều trị bệnh tật, phục hồi sức khoẻ và xây dựng lại bản năng tự nhiên cho loài gấu. “Sau thời gian bị nuôi nhốt lấy mật, có những con gấu mắc bệnh tâm thần, mắt mờ… Thấy người là bấn loạn, kêu la thảm thiết. Chúng bị ám ảnh nhiều bởi những đau đớn phải chịu khi bị hút mật. Nhìn mà xót xa lắm” - anh Quản tâm sự.

Khu bán hoang dã để gấu phục hồi chức năng

Anh chỉ tay về phía cây cao, có một cô gấu đang leo trèo, anh nói: “Đó là cô gấu tên Hope. Cô gấu Hope này đã bị cụt cả hai tay và được đưa về đây chăm sóc. Anh thấy đó, sau thời gian phục hồi, dù cụt tay mà cô gấu leo cây giỏi không? Nhưng tiếc là cô gấu này sẽ không thể đưa ra ngoài môi trường hoang dã được vì dị tật”.

Hope có nghĩa là “Hy vọng”, cái tên này được những nhân viên đặt cho cô gấu như muốn gửi gắm một niềm tin, một hy vọng cho sự tồn vong của một loài đang nguy cấp bởi sự lùng bắt, tiêu diệt của một nhóm người.

Rồi anh Quản chỉ cho chúng tôi xem chú gấu tên Kim, cô gấu tên Quậy… mỗi con mỗi tính, có con thì ù lì, chậm chạp, có con thì nghịch ngợm. “Bà gấu Quậy này phá lắm. Suốt ngày đập phá cửa chuồng, hàng rào. Nhưng sau thời gian, nhờ được chăm sóc, bà gấu này đã ổn định về “tâm lý” và cảm thấy an toàn hơn khi chúng tôi đến gần” - anh Quản nói bằng giọng trìu mến.

Nhà của muông thú ở đâu?

Ông Lương Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp – VQG Cát Tiên - cho biết: “Cái khó khăn nhất của chúng tôi đó chính là tìm được nơi an toàn để thả chúng về. Nơi thả chúng về phải là nơi phân bổ của loài đó, đo đếm được mật độ của loài đó đang cư trú. Tìm được những nơi hoang dã như vậy là cực kỳ khó khăn”.

Chẳng hạn, người ta đã biết VQG Cát Tiên là nơi phân bổ của loài gấu chó, nhưng đến nay người ta vẫn chưa biết có phải là nơi phân bổ của loài gấu ngựa hay không. Phía Trung tâm Cứu hộ đang tìm hiểu điều này nhưng vẫn chưa tìm được dấu vết gì.

Vậy có cách nào để bảo vệ được những loài động vật hoang dã, đặc biệt là trong diện nguy cấp cần được bảo vệ? “Nguy cơ chúng bị tái bắt còn rất cao. Chúng tôi tái thả chúng về rừng còn việc bảo vệ thì phải phụ thuộc vào chủ rừng ” - ông Hiến nói.

Kỳ 2 & hết: Giữ lấy trái tim VQG Cát Tiên

Anh Đức - Thái Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm