Hội thảo về chất “tạo nạc”: Xét nghiệm xong thì độc đã vào mồm!

14/04/2012 11:10 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện thịt lợn có chứa chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2002. Nếu người dân ăn thịt lợn có tồn dư Beta-agonist, nhẹ sẽ bị nhiễm độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, đây là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật, không bị biến đổi khi chế biến ở nhiệt độ cao ngay cả khi rán, nướng.

Đó là những cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo "Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm" do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội.

Chất độc tạo nạc nguy hiểm thế nào?

Theo các nhà khoa học, trong nhóm Beta-agonist có 3 chất được dùng để tạo nạc là clenbuterol, salbutamol và ractopamine. Trong đó salbutamol và clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy hai chất này còn tồn dư trong thịt lợn bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Hai chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.

Trong nhóm Beta-agonist, nguy hiểm nhất là clenbuterol. Việc ăn phải thịt lợn chứa clenbuterol về lâu dài có thể gây ngộ độc cấp, biến chứng ung thư, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng, run cơ,... thậm chí có thể gây chết người. Dư lượng của clenbuterol tồn tại trong tóc và võng mạc mắt tới vài tháng.

Theo đề tài nghiên cứu “Đánh giá tồn dư hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thực hiện tại TP.HCM và Đồng Nai cuối năm 2011, có 10/30 mẫu thịt (chiếm 33%) có tồn dư chất tạo nạc Beta-agonist. Điều bất ngờ, trong số mẫu thịt lợn bị phát hiện có tồn dư Beta-agonist tại TP.HCM thì có đến 90% là mẫu thịt được bán ở khu vực trung tâm thành phố, nơi có số lượng khách hàng lớn và được coi là có hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, ban quản lý chợ giám sát chặt chẽ hơn các chợ ngoại thành, hoặc chợ khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thông tin về chất tạo nạc khiến thịt lợn khó tiêu thụ

Tuy nhiên, tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dương Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định: chỉ có 8/179 mẫu thịt và gan lợn (chiếm 4,46%) và 7/108 mẫu nước tiểu lợn (chiếm 6,48%) phát hiện có tồn dư chất tạo nạc.

Lý giải về sự khác biệt này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, kết quả nghiên cứu của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng là vào 4 tháng cuối năm 2011, thời điểm mà thịt lợn đang “sốt” do nhu cầu cuối năm và do thiếu nguồn cung thịt gà. Lợn xuất chuồng thời điểm đó mang lại “siêu lợi nhuận” nên một số người chăn nuôi và thương lái sẵn sàng sử dụng chất tạo nạc để thúc lợn lên cân, nhanh xuất chuồng. Còn ở thời điểm từ tháng 3/2012, khi nguồn cung các loại thịt tăng cao, cùng với việc tăng cường kiểm tra của các ngành chức năng nên kết quả thử nghiệm thấp là đương nhiên.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý thực hiện xử phạt nghiêm và công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt lợn có tồn dư chất tạo nạc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những dấu hiệu của thịt lợn độc

Thực tế, việc kiểm nghiệm mẫu thịt phải qua một quy trình đầy đủ. Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, sau khi lấy mẫu xong, sẽ phải phân tích nhanh nhất 3 ngày, chậm nhất là 1 tuần mới có kết quả. Vì vậy, khi phát hiện thịt có tồn dư Beta-agonist thì thịt cũng đã được tiêu thụ hết, người dân đã ăn thịt, nguy có nhiễm chất độc người dân đã phải gánh chịu.

Nên trước hết, người dân phải tự bảo vệ mình, việc kiểm tra bằng mắt, cảm quan để nhận diện thịt tạo nạc là cần thiết.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến cáo, khi mua thịt lợn, người dân cần quan sát kỹ, thịt lợn thông thường có màu hồng tươi, lớp mỡ dày khoảng 2 cm, mỡ màu trắng, thớ thịt chắc mịn, có độ đàn hồi tốt.

Người dân tuyệt đối không nên mua những loại thịt mà quan sát tỷ lệ nạc trên miếng thịt quá nhiều, nạc gần như dính vào da, phần mỡ rất mỏng, lỏng lẻo. Thịt sáng và bóng, có màu hơi sậm hoặc màu đỏ khác thường. Nếu quầy thịt còn để nguyên con thì tránh quầy thịt lợn mà bắp mông và vai nở to, bắp thịt cuộn lên một cách khác thường.

Khổ nhất vẫn là nông dân

Khi người dân “nghi ngờ” thịt lợn, thì chịu thiệt thòi nhất vẫn là những người nông dân chân chính khi thịt lợn đang rớt giá nhanh chóng. Nhiều nơi, giá thịt lợn giảm gần 20% so với thời điểm trước khi thông tin về thịt lợn có chất độc tạo nạc khiến người nông dân chịu thua lỗ.

Đặc biệt là những nông dân nuôi giống lợn siêu nạc, được nhập giống từ nước ngoài và đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, khuyến khích chăn nuôi. Các loại thịt lợn này cũng có tỷ lệ nạc cao khoảng 60% nên dễ bị đánh đồng với thịt có chất độc tạo nạc.

Lời gần 20 triệu/kg, nhưng bị phạt thì chỉ tới 25 triệu

Ngày 13/4, tại Hội nghị "Nói không với chất kích thích tạo nạc Beta-Agonist trong thức ăn chăn nuôi" do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tổ chức, TS Lã Văn Kính cho biết, Beta-Agonist sử dụng trong thức ăn chăn nuôi sẽ tác động tăng nhịp tim, giãn động mạch vành, giãn cơ cuống phổi và tử cung, kích thích giải phóng insulin cũng như quá trình phân giải glucose.


Tuy nhiên, trong ngành y lại được dùng để trị các bệnh hen suyễn và viêm phế quản, trong thú y trị bệnh viêm phế quản ở ngựa, bê và cho điều trị bệnh sản khoa ở bò cái. TS Kính cho biết, việc sử dụng Beta-Agonist bất hợp pháp không chỉ có ở Việt Nam mà xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc….

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, một kilogram chất cấm, người bán có thể thu lời tới 17 - 18 triệu đồng, vì vậy không dễ gì người chăn nuôi từ bỏ, trừ phi có chế tài đủ mạnh. Mức xử phạt như trên là rất không tương xứng với hành vi vi phạm và quá chênh lệch so với chế tài xử phạt của các quốc gia khác.

Theo tài liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong khi một bản án tử hình cùng hàng trăm án tù cho cả kẻ sản xuất lẫn cán bộ nhà nước liên quan đến chất tạo nạc ở Trung Quốc thì ở Việt Nam, mức xử cao nhất chỉ phạt 25 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng tội danh làm tổn hại an toàn cộng đồng mà chế tài xử lý ở nước ta quá nhẹ thì khó có tính răn đe.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm