Nhà trường thành... "nhà giữ trẻ" cho giáo viên

04/02/2012 10:47 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau ba ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, theo ghi nhận ban đầu, đường phố có thông thoáng hơn, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa giảm rõ rệt. Trong khi đó, học sinh, phụ huynh và nhà trường vẫn chưa thích nghi được với sự xáo trộn giờ giấc sinh hoạt vốn đã ổn định nhiều năm qua. Học sinh kêu đói, phụ huynh không yên tâm khi con về muộn, còn nhà trường thì biến thành nhà giữ trẻ cho con giáo viên.

Kéo dài giờ cao điểm

Kênh VOV giao thông cho biết, hiện nay, vào các thời điểm sáng sớm như từ 6 giờ - 7 giờ sáng số người tham gia giao thông nhiều hơn trước đây, qua đó có thể thấy bước đầu phân tán được lượng người tham gia giao thông trong giờ cao điểm, nhưng sự giải tỏa này chưa rõ rệt.

Theo ghi nhận của VOV giao thông, sau Tết, tính từ các ngày đi làm, đi học đầu tiên từ ngày thứ 2, 30/1 (mùng  8 tháng Giêng âm lịch) thì các ngày thứ 2, 3 và thứ 4 các điểm ùn tắc giao thông giảm. Tuy nhiên, từ ngày thứ 5, thứ 6 số điểm ùn tắc bắt đầu nhiều hơn, tuy chưa bằng những ngày giáp Tết Nguyên đán nhưng số điểm ùn tắc đã tăng bằng thời điểm trung bình ngày thường trước đó.

Một số tuyến đường vẫn xảy ra ùn tắc như Trường Chinh, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Sau ba ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, theo ghi nhận ban đầu, đường phố có thông thoáng hơn, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa giảm rõ rệt. Trong khi đó, học sinh, phụ huynh và nhà trường vẫn chưa thích nghi được với sự xáo trộn giờ giấc sinh hoạt vốn đã ổn định nhiều năm qua. Học sinh kêu đói, phụ huynh không yên tâm khi con về muộn, còn nhà trường thì biến thành nhà giữ trẻ cho con giáo viên.

Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy - Cầu Giấy... Các điểm ách tắc lâu hơn như ngã 3 Hoàng Minh Giám - Hòa Mục, Thanh Nhàn - Bùi Ngọc Dương, Láng - Lê Văn Lương, Chùa Bộc - Thái Hà... Giờ tắc đường cao điểm vẫn diễn ra như trước từ khoảng 7 giờ 15 - 8 giờ 15 sáng.

Vào buổi tối, số điểm ùn tắc chưa giảm nhưng người dân đã “dễ thở” hơn, không xảy ra ùn ứ kéo dài, chỉ cần chờ 1 hoặc  2 nhịp đèn là người dân có thể lưu thông qua. Tuy nhiên, “giờ cao điểm” vào buổi chiều lại kéo dài, từ sau 16 giờ 30 - hơn 19 giờ 30.

Tuy vậy, qua mấy ngày đổi giờ học giờ làm, chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả của việc làm này đến đâu. Bởi số người trở lại tham gia giao thông tại các thành phố lớn vẫn chưa đạt tối đa, những người lao động tự do, buôn bán... họ phải sau rằm tháng Giêng mới trở lại thành phố. Đặc biệt là một lực lượng lớn sinh viên các trường ĐH cũng chưa vào học trở lại.

Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh giờ đóng, mở hệ thống chiếu sáng trên đường của thành phố cho phù hợp với việc thay đổi giờ làm, giờ học. Đặc biệt là trong khoảng thời gian buổi sáng từ 5 giờ - 6 giờ và buổi chiều từ 18 giờ - 19 giờ.

Nhà trường đôn đáo sắm thêm đèn

Hà Nội vẫn đang là mùa Đông, trời nhanh tối nên ngay khi bắt đầu thực hiện đổi giờ học buổi chiều đến tận 19 giờ, tất cả các trường đã phải đồng loạt sắm thêm đèn điện.

Trường THPT Chu Văn An mua thêm 20 bóng cao áp để lắp ở sân trường và khu học thể chất. Theo cô Phó Hiệu trưởng Lê Mai Anh, số tiền sắm đèn hết khoảng 50 triệu đồng. Trường THPT Trần Phú cũng mua thêm đèn cao áp lắp ở sân thể dục.

Tương tự, trường THPT Phan Huy Chú vừa chi thêm cả chục triệu đồng để lắp bóng đèn. “Sắp tới, tiền điện chắc sẽ cao lên. Tuy nhiên, trường vẫn phải lắp thêm để đảm bảo đủ ánh sáng cho học sinh học bài. Tất cả các hành lang, sân trường cũng phải trang bị thêm đèn để thắp sáng”, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

19 giờ, khu vực cổng trường trở nên nhộn nhịp vì học sinh đồng loạt ra về. Trước cổng trường THPT Phan Huy Chú, nhiều học sinh tranh thủ ăn tạm chiếc bánh mì trước khi đạp xe về nhà. Nữ sinh tên Hà cho biết, từ trưa đến giờ chưa được ăn, em rất đói. Ngồi trong lớp chỉ mong hết giờ để kiếm đồ ăn. Chúng em chưa quen với nhịp sinh học mới”.

Cổng trường lúc này cũng có khá nhiều phụ huynh đứng đợi con. Chị Nguyễn Thị Bình cho biết, tuy 19 giờ ở Hà Nội chưa hẳn là muộn, nhưng chị vẫn phải ra đón vì con còn có lịch học thêm vào lúc 20 giờ. “Tôi đón cháu bằng xe máy cho nhanh, để cháu còn kịp về ăn rồi mới đến lớp học thêm” chị Bình chia sẻ. Vị phụ huynh này cũng đang lo sắp tới lớp học thêm của con sẽ lùi đến 20 giờ 30 mới bắt đầu và tan lúc 22 giờ để phù hợp với lịch học mới của học sinh.


Học sinh trường THPT Phan Huy Chú tan học khi trời đã tối mịt

Giáo viên đón con về trường rồi… dạy tiếp!

Cô Lê Mai Anh, Hiệu phó trường THPT Chu Văn An cho biết, trường có đến 75% giáo viên ở độ tuổi dưới 40, đang có con ở độ tuổi đi học, 75% giáo viên là nữ, phải lo cơm nước buổi tối. Nếu dạy hết tiết cuối là 19 giờ, về đến nhà là 20 giờ thì không thể đảm bảo việc chăm sóc gia đình.

Đây cũng là chia sẻ của cô Đoàn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội). Theo cô Hạnh, khó khăn nhất đối với các trường là rất nhiều giáo viên có con nhỏ. Trong khi bố, mẹ phải dạy ở trường đến tận 19 giờ thì con lại tan trường lúc 17 giờ. Nhà trường buộc phải sắp xếp thời gian hợp lý cho các giáo viên đi đón con, sau đó đưa con về trường rồi tiếp tục dạy tiết 4, 5. “Chúng tôi phải để riêng một phòng cho các thầy cô gửi con, cử người trông các cháu để bố mẹ yên tâm đứng trên bục giảng”, cô Hạnh chia sẻ.

Tuy nhiên, vị Hiệu phó này cũng cho biết, do số lượng thầy cô có con tan trường lúc 17 giờ (từ bậc mầm non đến THCS) rất lớn nên không thể bố trí hợp lý cho tất cả mọi người. Đây thực sự là vấn đề đau đầu với ban giám hiệu khi ai cũng kiến nghị được tạo điều kiện thuận lợi.

Bố trí phòng để giáo viên có thể gửi con cũng là giải pháp tạm thời của trường THPT Việt Đức. Pha chút hài hước, cô Bùi Thu Trang, giáo viên trường Quang Trung nói: “Đi làm về, nấu nướng, dọn dẹp xong là đến “Chúc bé ngủ ngon”. Chắc phải đổi giờ phát sóng chương trình “Chúc bé ngủ ngon” vào 23 giờ thì mẹ mới có thời gian dạy con học. Ngày nào mẹ cũng như đi công tác vắng”. Sau thời gian đổi giờ học, giờ làm một tháng, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến nhằm có những điều chỉnh phù hợp.

Hoàng Tuấn – Thảo Vy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm