Kỳ 1: Hàng vạn phạm nhân cùng viết tự truyện

01/11/2011 14:03 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Lần đầu tiên có một cuộc thi viết tự truyện được tổ chức rầm rộ, nhưng không phải dành cho các văn nghệ sĩ, trí thức, nhân chứng lịch sử… mà lại dành cho các phạm nhân đang sống trong tù. Cuộc thi độc đáo, lãng mạn và mang đậm chất nhân văn “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức.

Lễ tổng kết và trao thưởng được tổ chức vào chiều nay, 1/11 tại Hà Nội. Những tác phẩm xuất sắc từ cuộc thi đã được in thành sách. Để hiểu rõ hơn về cuộc thi ý nghĩa này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Vương Hưng, thành viên Ban tổ chức và là giám khảo cuộc thi.

Nhiều phạm nhân muốn viết tự truyện

Dường như cuộc thi đã đụng chạm đến một nhu cầu tự thân có sẵn của nhiều phạm nhân. Đó là nhu cầu được giãi bày, kể lại, viết ra những điều chất chứa, dồn nén trong lòng, để mong nhận được sự chia sẻ của người thân, bạn bè và cộng đồng. Người viết bài này đã có dịp đến một số trại giam, trực tiếp gặp gỡ với các phạm nhân có bài dự thi đạt giải cao. Khi trò chuyện, tất cả đều thú nhận một điều: Họ có nhu cầu viết về cuộc đời mình từ lâu. Viết những điều mà không thể kể hết bằng lời và không tiện nói với ai. Cuộc thi này chính là dịp để họ có điều kiện thực hiện nguyện vọng ấy. Có vô vàn lý do khiến người ta trở thành tội phạm. Nhưng khi đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, thì họ thường có chung một suy nghĩ giống nhau là: hối hận và hướng thiện; mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng (phải) và thí sinh đoạt giải Nhất Trần Thị Hoàng Mai.
Ảnh do nhà thơ cung cấp

Thành công của Cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” không chỉ là việc Ban tổ chức thu được hàng vạn bài dự thi, hàng trăm tác phẩm trong số đó có thể biên tập, xuất bản và phát hành cho công chúng đọc; mà còn góp phần giúp lực lượng công an, các chuyên gia nghiên cứu hiểu thêm diễn biến tâm lý tội phạm và thủ đoạn, hành vi phạm tội, từ đó đưa ra những biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các loại đối tượng cũng như công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên... Cuộc thi còn mang lại niềm vui cho hàng vạn gia đình, cùng hàng vạn con người có quá khứ lỗi lầm đang hoàn lương có thêm cơ hội hoàn thiện mình, để chuẩn bị tái hoà nhập với cộng đồng, sống có ích cho xã hội.

Những tác giả đoạt giải cao nói gì?

Không hư cấu, không cần tưởng tượng, nên cũng không có gì thật hơn, thuyết phục hơn, là chính những câu chữ do những “quái kiệt” đã phải trả giá đắt cho những lỗi lầm của mình, trực tiếp viết ra. Tự truyện “Bước về phía mặt trời” của phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai (hiện đang thi hành án tại Trại giam Thanh Xuân - Hà Nội) đã thuyết phục người đọc bởi thân phận của một phụ nữ khốn khổ, suốt đời chỉ gặp những điều không may mắn, vì bị cái ác và cái xấu săn đuổi; vì điều ngang trái và sự oan ức đeo bám.


Những tác phẩm đoạt giải

Cuộc đời của Hoàng Mai, từ khi còn là một cô bé ngây thơ, trong trắng, đến khi tới tuổi làm vợ, làm mẹ... dường như luôn phải “sống trong nước mắt”, tương lai với chị luôn mịt mờ. Đã có lúc tưởng chừng hạnh phúc lóe lên, khi người phụ nữ này bỗng có tình yêu, thậm chí có con, nhưng tất cả đã nhanh chóng vụt tắt và chìm vào bóng tối. Có lẽ vì thế mà cả cuộc đời chị khao khát “giã từ bóng tối” để được nhìn thấy một “Mặt trời” của niềm tin - khát vọng và hạnh phúc.

Khi cầm bút viết tác phẩm được giải Nhất này, Trần Thị Hoàng Mai đã chung sống với HIV gần 10 năm. Hiện nay cuộc chiến với căn bệnh thế kỷ trong người Hoàng Mai đã chuyển giai đoạn cuối, thời gian với chị vô cùng quý giá, bởi nó chỉ còn được tính từng ngày...

Được phát động trong thời gian ngắn, 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2011), nhưng cuộc thi đã có trên hai vạn phạm nhân tham gia, với trên 23 nghìn bài dự thi; có hơn 150 nghìn trang viết tay hoặc đánh máy. Hơn 400 bài viết trong số đó đã lọt qua vòng loại của các trại giam, trại tạm giam và cơ sở giáo dục. Có 64 tác phẩm đã lọt vào vòng trong. Ban Giám khảo với 8 thành viên, gồm một số nhà văn, nhà báo và chuyên gia của đơn vị chuyên trách nhiệm vụ giáo dục, cải tạo và hòa nhập cộng đồng của Bộ Công an; đã làm việc miệt mài, công tâm để chọn ra 29 tác phẩm của 29 tác giả vào chung khảo và xếp giải.

Cùng đạt giải Nhất, nhưng tác phẩm “Lời sám hối của một tử tù” của Đặng Văn Thế lại được đánh giá cao bởi tính trung thực, bởi tình huống nhân vật được đẩy đến tận cùng cảm xúc sống - chết, sự nghiêm minh và nhân đạo của pháp luật thông qua những cán bộ quản giáo và giám thị.

Với tội danh tàng trữ và buôn bán chất ma túy, phải lĩnh án phạt cao nhất: Tử hình! Thế đã tham dự cuộc thi bằng cách tự viết lại cái cảm giác khủng khiếp của những đêm dài mất ngủ đón đợi ngày phải chết của mình, với những suy nghĩ rất thật. Chính bản năng sinh tồn và khát vọng hoàn lương đã giúp anh ta tồn tại được đến ngày hôm nay. Thế tâm sự: Một tử tù đã phải thấp thỏm chờ chết “vắt qua hai thế kỷ” hay nói chính xác là bốn nghìn ba trăm hai mươi ngày đi tìm sự sống. Một tử tù đã làm cho giới báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Một tử tù đã trải qua ba đời giám thị và 10 cán bộ quản giáo. Nhưng nhờ có sự khoan hồng của pháp luật và tấm lòng độ lượng của Chủ tịch nước, nên sau đúng 11 năm kể từ ngày bị tuyên án tử hình, tôi đã được khai sinh ra lần thứ hai... Có lẽ vì vậy, mà khi được thông báo tác phẩm được giải cao, Thế rất bất ngờ và cảm động đến rưng rưng nước mắt.

Kỳ 2: Chiến thắng chính mình

Nhà thơ Đặng Vương Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm