Kỳ 1: Khát lớp, khát trường!

31/10/2011 14:16 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vào mùa mưa, những con đường ở vùng sâu Tây Nguyên lại trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất đã cản trở bước chân đến trường của hàng ngàn học sinh. Hàng ngày các em học sinh vùng sâu, vùng xa phải gồng mình vượt dốc, vượt đồi đi tìm cái chữ để mong thay đổi một vùng quê nghèo.

Ông Nguyễn Hữu Thiện (trưởng thôn Đắk Kua 5, xã Đắk N’rung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã bước sang tuổi 60 nhưng có thâm niên hơn 15 năm làm trưởng thôn. Bao năm qua, ông quyết tâm phải làm cho thôn mình có điện, có đường, có đất và con em được học cái chữ.

Đường đi gập ghềnh…

“Điện, đường và đất bà con sắp có rồi, cái chữ vẫn còn lo lắm, nhất là khu B của thôn. Vì đường sá đi lại khó khăn, khu B có 130 em đến tuổi học mẫu giáo nhưng mới có 1/3 đi học, còn cấp 1 có 150 em nhưng 40 em đã bỏ học” - ông Thiện trăn trở.

Đầu tháng 9 vừa rồi, ông Thiện mượn được ngôi nhà gỗ ba gian cho học sinh mẫu giáo vùng này theo học. Khi Trường Mầm non Thảo Nguyên của xã bố trí bàn ghế và hai cô giáo đến dạy, chỉ còn khoảng 8 học sinh theo học vì bố mẹ các em đã nhập học cho con mình ở nhiều trường khác. Dạy được hai tuần, lớp học phải nghỉ vì không đủ học sinh.

Đường vào khu B thôn Đắk Kua 5 (xã Đắk N’rung) bị xói lở và trơn trượt
gây khó khăn cho việc học sinh đến trường

Cô Trần Thị Hương tâm sự: “Khi biết tin mở lớp ở khu B, em đã tình nguyện xin trường lên đó để dạy. Ngày chia tay phụ huynh và các em ở đây, ai nấy cũng đều khóc nức nở. Nếu năm sau tiếp tục mở lớp, em sẽ lên dạy vì nhớ các em lắm!”

Còn cô Phạm Thị Thu Trang vẫn không quên được con đường đất vào khu B. “Từ đây vào đó khoảng 10km, hôm nào trời nắng chỉ chạy xe mất một tiếng, còn trời mưa thì chưa biết chừng. Lần nào vào đó, em cũng bị té ngã và chiếc xe phải cống nộp cho tiệm sửa xe hơn một triệu rồi”, cô Trang nhớ lại.

Ở những vùng sâu của xã Đắk N’rung, cứ mùa mưa đến đường lại lầy lội. Ông Thiện vừa quấn xích vào bánh xe máy vừa nói: “Đi vào khu B của thôn mùa này, không quấn xích xe không thể nào chạy nổi”.

Quả đúng như vậy, đường vào khu B đèo dốc dựng đứng, mặt đường bị xói lở chằng chịt. Cơn mưa nhỏ làm con đường thêm trơn trượt, nhiều lúc làm chúng tôi suýt ngã. Cả ba con đường đất từ trung tâm xã vào đây đều như thế, khi mưa xuống thì học sinh thường xuyên nghỉ học. Đến dốc Voi, chúng tôi gặp nhiều phụ huynh chở con ra xã học phải dắt xe đẩy bộ. Nhiều em học sinh cũng góp sức đẩy xe cùng bố mẹ và quần áo lấm lem bùn đất. “Đường này mà đi là cả bố con sẽ té ngã, phải đẩy bộ cho an toàn thôi chú ạ” - anh Hoàng Đình Ơn trần tình.

Mỗi lần đưa con đi học, anh Ơn phải cho con trai mình mang thêm một bộ quần áo đề phòng khi bị té ra đến trường sẽ thay. Anh Ơn cho hay: “Học sinh ở đây đều như vậy hết, khi nào cũng mang thêm một bộ quần áo để thay. Bình thường không sao, nhưng hôm nào xe hỏng giữa đường, con tôi phải nghỉ học.”

Sẵn sàng hiến đất, cho mượn nhà 

Nghe tin chúng tôi đến, rất nhiều người dân đã tập trung về nhà anh Nguyễn Tiến Dũng, trưởng ban dân vận thôn Đắk Kua 5. Ai nấy cũng có một ước nguyện được tỉnh mở trường cho con cái mình đi học. “Những năm trước đây, kinh tế gia đình còn khó khăn nên nhiều người không mặn mà lắm với việc cho con cái đi học. Bây giờ kinh tế đã khấm khá hơn, chúng tôi mới có điều kiện lo cái chữ cho con. Nếu tỉnh mở trường mầm non và tiểu học ở đây, người dân sẵn sàng đóng góp một nửa để xây dựng trường” - anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Chiến đã cho thôn mượn ngôi nhà gỗ 3 gian để làm trường mẫu giáo

Chính anh Chiến cũng là người cho thôn mượn ngôi nhà gỗ ba gian để mở lớp mẫu giáo vừa qua. “Có người trả giá ngôi nhà 50 triệu đồng, nhưng tôi không bán vì để cho thôn mượn. Khi nghe tin thôn mở lớp mẫu giáo, tôi rất vui mừng và chuyển về ở nhà mới dù nó chưa hoàn thành. Nếu thôn mở trường ở đây, tôi sẵn sàng hiến 2 sào đất và góp tiền xây trường lớp”, anh Chiến tâm sự.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Diện tích của thôn Đắk Kua 5 trải dài trên một địa bàn rộng lớn, vì thế trong quy hoạch của xã đến năm 2015, thôn sẽ tách ra thêm 3 thôn là Đắk Kua 7, Đắk Kua 8 và Đắk Kua 9. Chúng tôi đã vận động người dân hiến đất xây trường, xây hội trường cho thôn và ai nấy cũng đều ủng hộ. Chỉ cần tỉnh đồng ý, người dân sẽ góp tiền làm ngay”. Không riêng gì anh Chiến, các anh Nguyễn Tiến Dũng, Ma Văn Sơn, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Trìu đều đề xuất hiến đất cho thôn xây trường học và hội trường thôn.

“Hiện nay, đường sá đi lại trong thôn đều do người dân đóng góp để san ủi, nhưng do mới làm đường đất nên mưa xuống lại bị xói mòn, sạt lở. Còn điện lưới mắc tạm bợ trên những cọc gỗ, luôn chập chờn và đến buổi tối lại phải máy nổ. Nhưng việc học cái chữ mới là nỗi lo lớn của thôn” - anh Dũng tâm sự khi chia tay chúng tôi.

Kỳ 2: Bữa cơm nhạt muối!

Ghi chép của Thanh Tâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm