"Mafia" rác

02/08/2011 10:22 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng - là đánh giá của thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an trong Hội thảo “công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại (CTNH)” diễn ra ngày 1/8 tại TP.HCM.

Thực tế mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về môi trường theo Nghị định 117/2009 của Chính phủ được nâng lên tới 500 triệu đồng, nhưng trong khi doanh nghiệp vi phạm có thể được lợi đến hàng chục tỷ đồng. Mức phạt này chưa đủ để răn đe.

1. Theo số liệu điều tra khảo sát của C49, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn quốc trong năm 2010 là khoảng 32 triệu tấn. Trong đó, CTNH chiếm hơn 1 triệu tấn và thực tế chỉ có 60% trong số đó được quản lý, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng trái phép diễn ra phổ biến và hoạt động thanh kiểm tra, phòng chống vi phạm chỉ phát hiện xử lý khoảng 10% so với thực tế.

Điều đáng nói là tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý CTNH ngày càng phổ biến, phức tạp và nghiêm trọng. Theo giải thích của thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, phổ biến vì đụng đâu vi phạm đấy. Nghiêm trọng vì mức xử phạt theo Nghị định 117 của Chính phủ không đủ sức răn đe. Phức tạp vì nó đan xen giữa lợi ích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, vì lợi ích của địa phương mà quên đi phần trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn đan xen giữa cơ quan và doanh nghiệp trong việc lưu giữ, vận chuyển, xử lý CTNH. “Một vụ án chúng tôi làm về CTNH thì có hàng trăm, hàng ngàn cuộc điện thoại đến Cục trưởng. Trong đó không ít cuộc điện thoại gọi đến để can thiệp” - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý nói.


Rác thải nguy hại thường được chôn cùng rác thải thông thường
(Ảnh có tính chất minh họa)

Thượng tá Nguyễn Đức Đáng, Trưởng phòng PC49 - Công an Hải Phòng cho biết: “Trong thời gian qua, phòng PC49 của TP Hải Phòng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 126 vụ việc với tổng số tiền phạt lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Tiêu hủy 163 container hàng nhập khẩu là CTNH (bản mạch điện tử, ắc quy chì, rác thải có chứa CTNH...), buộc tiêu hủy 36.000 lít dầu thải”.

Theo thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, tình hình vi phạm trong lĩnh vực quản lý CTNH đã có sự đan xen, liên kết của các loại tội phạm như: tội phạm môi trường, tham nhũng, tội phạm buôn lậu. “Tại sao có hàng trăm ngàn tấn CTNH tuồn vào VN? Vấn đề là chúng ta có luật nhưng cửa khẩu Hải quan “thủng” rất nhiều. Tôi nói là có số liệu, vụ án cụ thể để chứng minh như: vụ Vinashin Cửu Long - Hải Phòng vào năm 2008 nhập 21 máy biến thế của Hàn Quốc sản xuất từ năm 1967 chứa dầu thải PBC độc hại, vậy là 41 năm sau nhập vào để làm nhà máy phát điện tại Nam Định. Nếu phá hủy tại Hàn Quốc phải mất 3,5 triệu USD, nhưng mình mua về với giá 110.000 USD/1 máy... Vậy là có “mafia rác” rồi, buôn vài chục gram ma túy là tử hình, buôn rác thải không sao cả mà lợi nhuận rất cao” - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý nói.

2. Theo báo cáo của C49, những nguyên nhân dẫn đến tình hình quản lý CTNH còn rất khó kiểm soát do nhiều yếu tố và nguyên nhân khác nhau. Phổ biến nhất, đối với chủ nguồn thải, vi phạm là do ham muốn giảm giá thành về chi phí hoặc tăng lợi nhuận về giá thành sản phẩm cho nên đã cố tình làm trái các qui định của pháp luật như: không đăng ký, bổ sung chủ nguồn phát thải, không phân loại CTNH từ đầu nguồn... thậm chí có những thủ đoạn làm giấy tờ, chứng từ giả với các cơ sở có chức năng hoặc lén lút chôn lấp, đổ thải, mua bán trái phép... nhằm ngụy trang che giấu các hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, đối với các cơ sở tham gia, hoạt động, phân loại thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng CTNH vi phạm chủ yếu là không có giấy phép hành nghề hoặc hoạt động sai danh mục, vượt quá công suất, không đúng qui trình, qui định cho phép... Nổi cộm và bức xúc nhất hiện nay là tình trạng vi phạm về vận chuyển trái phép CTNH qua biên giới, núp bóng trá hình dưới dạng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc hàng tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3 lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm.

Ngoài ra về hành lang pháp lý còn thiếu, bất cập và chậm được sửa đổi bổ sung hoàn thiện. Chế tài xử phạt còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe, các qui định còn mang tính định lượng, chưa rõ ràng.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ mở cuộc đấu tranh chuyên đề trong việc quản lý CTNH. Vào ngày 29/11 sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc đối thoại giữa Cảnh sát môi trường và doanh nghiệp. Để biết cảnh sát môi trường cần gì ở doanh nghiệp và ngược lại”.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm