Nội đô Hà Nội được mở rộng theo hướng nào?

28/07/2011 11:25 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trung tâm chính trị đặt tại Ba Đình, khu vực Tây Hồ Tây sẽ được bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương, Hà Nội sẽ xây thêm nhiều cầu, hầm vượt sông Hồng… Đó là những thông tin được nêu trong bản Quy hoạch chung Thủ đô vừa được Thủ tướng thông qua.

Ngày 27/7, Văn phòng Chính phủ thông báo, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh.

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội rộng khoảng 3.344,6 km2. Dự báo dân số Hà Nội đến năm 2020 là 7,2 đến 7,9 triệu người. Năm 2050 dân số tối đa 10,8 triệu người.

Khu nội đô mở rộng thành đô thị trung tâm

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Đây là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha.

Các cơ quan của Hà Nội sẽ tập trung tại khu vực Hồ Gươm. Ảnh Trọng Đức

Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2) là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ) là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên (phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1).

Khu đô thị Đông Anh (phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới TP Hà Nội và của quốc gia, trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội và vui chơi giải trí của thành phố).

Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh.

Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

Hà Nội có 5 sân bay

Về đường hàng không, nâng cấp sân bay Nội Bài sau 2030 đạt 50 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay Gia Lâm phục vụ nội địa, tầm ngắn, sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn chủ yếu phục vụ quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có nhu cầu. Sân bay Bạch Mai là sân bay cứu hộ, trực thăng.

Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình.

Hà Nội sẽ rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Ưu tiên vị trí tại khu vực Tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.

Trụ sở cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ - ngành, bố trí trụ sở các Sở, ngành của thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố.

Thêm 8 cầu và hầm qua sông Hồng

Hà Nội sẽ tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.

Đồng thời, Hà Nội sẽ xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng, 3 cầu qua sông Đuống, 2 cầu qua sông Đà.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm