Tăng lương vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu

13/07/2011 11:04 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo một nghiên cứu mới đây, mức tăng lương tối thiểu dự kiến của Bộ LĐTB&XH vào tháng 10 tới vẫn chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, giá trị tiền lương thực tế giảm. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị lần 7 Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, thời gian qua đã có hàng ngàn công nhân, lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do điều kiện lao động khó khăn, thời gian làm việc căng thẳng, thu nhập quá thấp không đủ để chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình.

Lương không đảm bảo mức sống tối thiểu

Dự kiến từ ngày 1/10/2011, Chính phủ sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng trong tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp trong nước và FDI như trước đây.

Theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH, lương tối thiểu sẽ tăng từ mức thấp nhất là 830 nghìn đồng lên 1,4 triệu đồng/tháng. Theo đó, lương tối tiểu đối với người lao động tại vùng 1 sẽ là 1,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện nay đối với doanh nghiệp trong nước là 350 nghìn đồng và với doanh nghiệp FDI là 550.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng 2 là 1,73 triệu đồng; vùng 3 là 1,55 triệu đồng; vùng 4 là 1,44 triệu đồng.


Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng
trao quà cho con công nhân khó khăn tại TP.HCM

Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ mức lương tối thiểu vùng 1 là 2,2 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 1,8 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 1,6 triệu đồng/tháng. Mức này cao hơn đề xuất của Bộ LĐTB&XH.

Ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, mức đề xuất của Tổng LĐLĐ đều dựa theo khảo sát thực tế. Theo khảo sát thì mức tiền lương bình quân thấp nhất của người lao động làm việc trực tiếp ở Hà Nội và TP.HCM là từ 2,2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng, ở các địa phương trong khoảng từ 1,8 triệu - 2,2 triệu đồng/tháng.

Tại Hội nghị, ông Triệu Công Điền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định cho biết: “Chúng tôi rất trăn trở về vấn đề lương thấp. Lương tối thiểu chỉ là “sàn” để người lao động và chủ doanh nghiệp dựa vào đó để thỏa thuận mức lương. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp đều dựa vào quy định của Chính phủ về lương tối thiểu để áp dụng. Trong khi đó thì lương tối thiểu rất xa rời, kém xa mức sống tối thiểu. Cơ chế 3 bên với sự tham gia của Nhà nước, công đoàn, người sử dụng lao động chưa tốt. Vậy ai là người can thiệp để tăng lương cho người lao động? Thực tế, khi thỏa thuận về lương rất “gay go”, Công đoàn rất khó độc lập để đề xuất mức lương với doanh nghiệp. Khi cơ chế 3 bên hoàn thiện thì người lao động mới có cơ may được tăng lương hơn mức tối thiểu”.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, dù Chính phủ liên tục điều chỉnh lương tối thiểu, thậm chí trước lộ trình, nhưng do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao nên giá trị tiền lương thực tế giảm, tiền lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu như mục tiêu đã đề ra.

Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, theo một nghiên cứu, khảo sát mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với Trường Đại học Công đoàn, trường Đại học Tôn Đức Thắng, mức lương tối thiểu mà Chính phủ dự kiến tăng trong tháng 10 tới đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động, đặc biệt là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Lương quá thấp so với cường độ, thời gian mà người lao động làm việc cũng là nguyên nhân chính dẫn tới đại đa số các cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Theo thống kế của Tổng LĐLĐ, tính đến hết 30/6, cả nước đã xảy ra 440 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại 23 tỉnh, thành phố. Con số này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó các cuộc đình công, ngừng việc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các đại biểu đều kiến nghị, điều chỉnh lương tối thiểu phù hợp là việc rất cấp thiết để giải quyết tranh chấp lao động, tránh đình công rơi vào thời điểm cuối năm.

Thu nhập thấp không đáp ứng được mức sống tối thiểu là
nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ đình công, nghỉ việc tập thể

Doanh nghiệp phải xây nhà ở cho người lao động

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2011 mà Tổng LĐLĐ đề ra là tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ động nghiên cứu tham gia hoàn thiện các chính sách về nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo việc làm, nhà ở, cải thiện thu nhập, tiền lương thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

“Đặc biệt, Công đoàn cũng yêu cầu phải được tham gia vào Hội đồng phân phối nhà ở; kiểm tra, giám sát việc phân phối bán nhà cho công nhân lao động đúng đối tượng, công bằng” - Ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Trong kiến nghị của tổ chức công đoàn với Đảng, Nhà nước cũng nêu rõ: cần có giải pháp để giải quyết hai vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là về vốn và đất “sạch” theo hướng Nhà nước, doanh nghiệp và người mua hoặc thuê mua cùng có trách nhiệm. Riêng đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cần nghiên cứu sửa đổi cơ chế, chính sách để các địa phương phải bố trí đất “sạch” để xây dựng nhà ở cho công nhân; Nhà nước dùng một phần ngân sách từ trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ. Ra quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng nhà ở cho công nhân theo các cơ chế ưu đãi mà Nhà nước đã ban hành.

Ngoài ra, có chính sách cho các hộ xây dựng nhà cho thuê được vay vốn ưu đãi để cải thiện chất lượng nhà cho thuê hiện nay; đồng thời có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các hộ cho thuê để giảm giá nhà thuê. Mặt khác, Tổng LĐLĐ cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp làm dịch vụ ăn uống cho công nhân, lao động.

Nguyễn Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm