Hồ Gươm thành khu bảo tồn đất ngập nước?

14/05/2011 15:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - “Đối xử với hồ Gươm như một khu bảo tồn sinh thái tự nhiên chứ không nên coi đó là một cái hồ nhân tạo, một ao nuôi rùa, nuôi cá giữa lòng thành phố. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn rùa hồ Gươm về lâu dài”. Đó là ý kiến của GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể đảm bảo môi trường sống của rùa hồ Gươm” được Sở KH&CN Hà Nội tổ chức ngày 13/5.

Nhằm chuẩn bị môi trường tốt nhất đốn cụ rùa trở lại hồ, tại hội thảo, vấn đề khôi phục hệ sinh thái tự nhiên bền vững của hồ Gươm được các nhà khoa học đồng thuận.

Nếu chỉ giữ nước sạch… hồ chỉ là chiếc tủ kính vô hồn

TS Nguyễn Viết Vĩnh: “Cần lập Khu bảo tồn đất ngập nước hồ Hoàn Kiếm”

Theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, thành viên tổ cứu rùa hồ Gươm khẳng định, hồ Gươm hiện đã bị ô nhiễm, mất khả năng tự làm sạch. Cá và động thực vật trong hồ không được bảo vệ và bổ sung đúng mức đã khiến chất hữu cơ đi vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất hủy hoại môi trường.

Hai lần thực hiện đánh bắt rùa chỉ bắt được một cá thể cá cỡ 3 đầu ngón tay, trong khi cùng loại lưới này khi thực tập tại đầm Bông đã đánh bắt được rất nhiều cá các cỡ khác nhau. Đây là điều đáng báo động về môi trường và nguồn thức ăn của rùa hồ Gươm.

TS Vĩnh cho biết, hồ là một thực thể sống đã được quản lý như một thực thể vô tri, động thực vật thủy sinh được xem là máy lọc sinh học đã không được chú ý đúng mức dẫn đến bi kịch mà chúng ta đang phải giải quyết. Rùa là loài có sức chống chịu và thích nghi với môi trường cao hơn loài khác, thực tế cá trong hồ đã chết nhiều lần nhưng rùa vẫn vượt qua thử thách này. Tuy nhiên, nếu tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn thì rùa trong hồ sẽ chết và hồ Hoàn Kiếm chỉ còn là một ao nước ô nhiễm. Còn nếu cố giữ nước sạch nhưng không có sinh vật, thì hồ cũng chỉ là một chiếc tủ kính vô hồn.

Trong lịch sử hồ Hoàn Kiếm còn có một lượng sen nhất định hàng năm được khống chế để diện tích sen nằm trong tầm kiểm soát. Trong hồ tồn tại toàn bộ chuỗi thức ăn, chất thải của khâu này có thể làm thức ăn của khâu kia, từ đó hình thành khả năng tự làm sạch của hồ. Vì thế trước kia, hồ dù có chất thải từ đền Ngọc Sơn, nhà hàng Thủy Tạ và nước thải từ các khu dân cư quanh hồ chảy vào nhưng hồ không thối do động thực vật thủy sinh nhiều. Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái này bị phá vỡ hoàn toàn, cần phải khôi phục khẩn cấp.

Toàn cảnh buổi hội thảo


Không nên gắn thiết bị theo dõi cụ rùa

Các nhà khoa học tham dự hội thảo thống nhất ý kiến cho rằng không nên gắn thiết bị định vị cụ rùa. Theo TS Nguyễn Viết Vĩnh, với các thiết bị theo dõi gắn lên cụ rùa có thể sẽ làm rùa chết đuối khi mắc vào các rễ cây si, đa và các chướng ngại trong lòng hồ.

Máy định vị vệ tinh xác định vị trí rùa có sai số vài chục mét nên không cần thiết để xác định vị trí khi rùa vẫn trong hồ Gươm và thường xuyên nổi lên để thở, nếu cần có thể bắt lại rùa theo phương pháp đã làm là bắt bằng lưới.

Theo TS Vĩnh, trong quá trình chữa trị cho cụ rùa đã xuất hiện một nguy cơ mới. Hiện rùa đã hình thành thói quen dạn người, chỉ ăn cá chết bỏ sẵn mà chưa tự bắt cá đang bơi trong bể trị bệnh là một điều bất lợi. Nếu vậy, rùa sẽ đói khi trả về với thiên nhiên hoang dã, dù trong hồ đã có thức ăn. Vì vậy, cẩn phải sớm trả cụ rùa về hồ càng sớm càng tốt.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo kiến nghị, về lâu dài, hồ Hoàn Kiếm nên được quản lý như phương pháp quản lý hệ sinh thái vùng đất ngập nước. Cần thành lập một tổ chức “phi chính phủ” để làm cầu nối giữa các cơ quan có liên quan trong công tác vận hành vùng đất ngập nước này. TS Nguyễn Viết Vĩnh nhấn mạnh: “Đây là lý do mà Bộ Thủy sản trước kia và nay là Tổng cục Thủy sản muốn Hà Nội triển khai dự án: Khu bảo tồn đất ngập nước hồ Hoàn Kiếm. Đây có thể là thời điểm thích hợp để Hà Nội triển khai dự án này để bảo tồn cụ rùa và trả lại môi trường tự nhiên cho hồ Gươm”.

Cần tăng lượng nước mưa vào hồ

Đại diện cho các nhà khoa học nghiên cứu về cấp thoát nước hồ Gươm, PGSTS Trần Đức Hạ, Chủ nhiệm bộ môn cấp thoát nước - Môi trường nước, Đại học Xây dựng cho biết: Nước hồ Gươm bị ô nhiễm nghiêm trọng do hệ thống cấp thoát nước còn nhiều bất cập. Từ năm 1994, nước thải mới bắt đầu được tách ra khỏi hồ Hoàn Kiếm với việc nâng mép hai đập tràn của hồ ra phố Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng lên. Hồ chỉ tiếp nhận nước thải từ nhà vệ sinh bên hồ và nhà hàng Thủy Tạ. Việc xây dựng đập tràn đã tách được hầu hết nước thải đô thị xả vào hồ, tuy nhiên việc này làm giảm đáng kể lượng nước mưa bổ cập cho hồ. Nước trong hồ ít khi ở mực nước đảm bảo cảnh quan. Do không có dòng chảy, hồ bị tù quanh năm khiến khả năng tự làm sạch nước bị giảm.

Hồ Gươm xứng đáng trở thành khu bảo tồn sinh thái tự nhiên

Mực nước hồ thường bị cạn do bay hơi trong mùa mưa nên từ năm 2004, thành phố nhiều lần phải bổ sung nước cưỡng bức bằng nguồn nước của Công ty nước sạch Hà Nội. Lượng nước bổ sung mỗi ngày khoảng 500 m3 trên tổng lượng nước khoảng 160 nghìn m3 của hồ.

PGS-TS Trần Đức Hạ kiến nghị, việc điều tiết nước hồ Gươm cần nạo vét thủ công ven bờ kết hợp nạo vét cơ giới bùn để có thể tăng thêm chiều sâu của hồ từ 0,3 đến 0,6 m. Bùn đáy hồ nên được nạo vét bằng thiết bị hút bùn sinh thái để không ảnh hưởng đến chất lượng nước cũng như thành phần sinh vật trong hồ. Đồng thời với quá trình đó, cần cải tạo các đập tràn, các hố ga cống thoát nước vào hồ trên phố Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng để tăng lượng nước mưa cấp cho hồ. Các gờ cống xả nước mưa tại Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng nên hạ thấp hơn trên cơ sở tính toán sự pha loãng nước mưa và nước thải đảm bảo chất lượng nước xả vào nguồn nước mặt hồ đạt loại A theo tiêu chuẩn của Bộ TN&MT.

Tạo nguồn thức ăn “tươi sống” cho cho cụ Rùa

ThS Kim Văn Vạn, Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản - ĐH Nông nghiệp, lo ngại: “Qua hai lần quây lưới bắt rùa, số lượng cá bắt gặp hầu như không thấy, do đó để rùa tự kiếm thức ăn tự nhiên có sẵn trong hồ là rất khó. Điều cấp bách là cung cấp thức ăn tươi sống sẵn có trong hồ để rùa có thể dễ dàng kiếm mồi.

Tuy nhiên, qua quan trắc nước hồ Gươm, độ pH thường xuyên cao từ 9 - 10,5 nhiều khí độc như NH3, H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép của môi trường nuôi cá nước ngọt. Vậy phải thả loại cá nào có thể thích nghi với môi trường hồ Gươm và là món ăn ưa thích của cụ rùa?

ThS Kim Văn Vạn kiến nghị: “Cùng với kết quả theo dõi tình hình cá chết trong năm 2008, một số loài cá có thể sống được ở môi trường hồ Gươm gồm cá chép, cá trôi, cá trắm cỏ, trắm đen, cá mè, cá quả, cá trê, cá rô phi và cá rô đồng. Tuy nhiên, các loài cá thả vào hồ phải có một tỷ lệ hợp lý, ưu tiên một số loài làm thức ăn ưa thích nhất cho cụ rùa là cá trôi, cá chép, cá mè và rô phi.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm