Thi đại học: Giá như có một năm để dừng lại

13/04/2011 11:53 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - 1. Tháng Tư về, lại một mùa thi cử nữa sắp đến. Vừa vào đọc một số trang báo điện tử, tôi thấy có những cuộc giao lưu trực tuyến tư vấn về tuyển sinh của các trường đại học - như đại học FPT - đang diễn ra khá sôi nổi. Hầu như trang báo mạng nào cũng đã bắt đầu có thêm mục hỏi và đáp dành trả lời các thắc mắc của thí sinh dự thi năm nay.

Tôi chợt nhớ hồi tôi chuẩn bị thi đại học. Năm đó, tôi đã từng suy nghĩ thế này: Giá như sau khi tốt nghiệp phổ thông xong, tôi được phép nghỉ một năm để tự do làm những gì mình thích trước khi quyết định gõ lên cánh cửa một ngôi trường đại học nào đó thì tốt biết mấy. Tất nhiên, chẳng có luật nào cấm đoán điều này cả và thực tế cũng đã có một vài trường hợp làm như vậy (ở nước ngoài). Nhưng nhìn chung, ý tưởng đó dễ bị coi là kì quặc trong một xã hội đặt nặng tư duy “phải vào đại học bằng được” sau khi tốt nghiệp phổ thông như nước ta. Các bậc cha mẹ chắc chắn sẽ lo lắng, phản đối nếu như con em họ đề xuất ý tưởng đó. Cũng phải công nhận một sự thật là sau một năm xa rời sách vở, nếu không có nghị lực và quyết tâm cao độ, kiến thức của 12 năm phổ thông chắc chắn sẽ mai một nhiều khiến cho việc giải quyết bài thi đại học trở nên khó khăn hơn gấp bội so với những “đối thủ” vừa mới ra trường, đầu óc hãy còn “nóng hổi” những bài luyện thi.

Sắp tới mùa thi đại học - Nguồn: Internet


2. Nhưng hãy thử nhìn vào những mặt tích cực của “một năm dừng lại” xem thế nào?

Nhìn chung, độ tuổi của đa số các thí sinh khi đứng trước “sự lựa chọn lớn đầu tiên của đời mình” là 18. Để có thể thi đỗ vào những ngôi trường có điểm chuẩn cao chót vót như Đại học Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân... các em thường phải có ý thức về việc ôn luyện thi từ trước đó ít nhất một năm. Có nghĩa là các em đã phải xác định được mục tiêu về cánh cửa đại học mà mình muốn chinh phục từ năm 17 tuổi.

Câu hỏi đặt ra là, có bao nhiêu học sinh có được sự hình thành toàn vẹn và ổn định tính cách ở vào lứa tuổi đó? Bởi vì chỉ khi tính cách đã hình thành đầy đủ và đạt được một sự ổn định nhất định nào đó, các em mới có thể nhận định được đúng ngành nghề mà mình muốn theo học và qua đó chọn được ngôi trường đại học thích hợp cho bản thân để phấn đấu theo đuổi.

Thực tế cho thấy có rất nhiều thí sinh chọn trường dự thi dựa theo mong muốn của gia đình, “thị hiếu” của xã hội, tác động của người quen và phần nào đó bị ảnh hưởng bởi chọn lựa của bè bạn. Áp lực “phải thi đỗ đại học” khiến các em buộc phải chọn lựa một cái tên nào đó trong hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung cấp có điểm tuyển sinh phù hợp với học lực của mình, dù có khi ngành nghề đó không phải là ngành nghề các em yêu thích, phù hợp với tính cách con người các em. Kết quả là sau khi đã sống chết để vào được một ngôi trường đại học nào đó, sau khi đã nhập học rồi, có những sinh viên chán nản với những gì ngày ngày mình phải tiếp thu ở trên lớp, cuối cùng lại từ bỏ. Cái kết dở dang này chỉ có thể được giải thích bởi việc họ đã sai lầm khi buộc phải đưa ra một lựa chọn về ngành nghề mà mình sẽ theo học.

3. Vậy việc “dừng lại một năm” sẽ giải quyết được điều gì trong vấn đề này? Thứ nhất, một năm đệm vào giữa thời điểm tốt nghiệp phổ thông và thời điểm ra quyết định lựa chọn ngôi trường đại học nào mình sẽ gõ cửa, là quãng thời gian hữu ích giúp các em tự khám phá bản thân mình. Lựa chọn một công việc làm thêm, những va vấp trong cuộc sống, việc gặp gỡ nhiều kiểu người khác nhau và làm quen với những môi trường khác nhau (so với môi trường khá đồng nhất và ổn định là nhà trường) sẽ khiến các em nhận ra được ưu, khuyết điểm của bản thân. Biết được mình có năng khiếu trong những dạng công việc gì, từ đó lựa chọn được một ngôi trường sẽ cung cấp cho mình đúng những tri thức cần thiết để đi theo ngành nghề đó.

Thứ hai, với một năm dừng lại đó, nếu có quyết tâm cao độ, với việc chỉ còn phải chú tâm vào duy nhất ba môn của ban ngành mình sẽ chọn học, các em sẽ có nhiều cơ hội nâng cao kiến thức và tăng khả năng cạnh tranh với các thí sinh khác hơn để vào được một ngôi trường chất lượng dù điểm chuẩn có cao, thay vì lựa chọn một ngôi trường làng nhàng chỉ vì học lực của mình quá thấp.

Dĩ nhiên, trên đây chỉ là một ý tưởng “bần cùng bất đắc dĩ”, nhưng ít ra nó cũng có giá trị an ủi cho những người không đậu được đại học trong kỳ thi tới.

Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm