Nhật ký gác rừng

29/03/2011 14:43 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Vượt qua quãng đường gần 250 km từ TP.HCM về Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng bằng xe gắn máy quả là mệt nhọc. Đến nơi trời vừa sẩm tối nhưng Văn phòng của khu bảo tồn vẫn chưa sáng đèn vì bị cúp điện luân phiên.

Lung Ngọc Hoàng là vùng đất trũng nằm phía Tây Nam sông Hậu với tổng diện tích khoảng 2.800 ha thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ngày trước, nơi đây chỉ là vùng hoang vu, lao sậy. Nay một phần diện tích của lung đã được quy hoạch thành khu bảo tồn đa dạng sinh học quý hiếm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đêm trắng giữa rừng

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Thọ, Giám đốc khu bảo tồn cho biết: “Hiện đang vào mùa khô, nên anh em khu bảo tồn tăng cường tuần tra kiểm soát trong lõi rừng để phòng chống cháy rừng. Hiện giờ các anh em đang chuẩn bị ăn bữa cơm chiều trước khi vào rừng. Nếu muốn, các anh có thể tham gia nhưng chuyến đi sẽ kéo dài hết đêm cho đến tận sáng hôm sau”.

Bữa cơm chiều diễn ra nhanh chóng, chúng tôi dường như đã quên hết mệt mỏi trong chuyến hành trình dài, vội vàng trang bị những thứ cần thiết và theo chân anh Đỗ Văn Lợi, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng cùng 3 thành viên khác để bắt đầu một đêm “trắng” giữa phân khu nghiêm ngặt.

Anh Đỗ Văn Lợi trên đường tuần tra trong khu bảo tồn

Khoảng 19 giờ tối, 2 chiếc xuồng bằng composite rẽ nước đưa chúng tôi lao đi trong màn đêm hun hút, anh Đỗ Văn Lợi nói: “Đi tuần tra ban đêm thông thường chúng tôi chỉ đi bằng xuồng nhỏ và sử dụng mái dầm, hạn chế sử dụng ánh sáng để các đối tượng xâm nhập trái phép không phát hiện ra. Thêm nữa là do đang vào mùa khô nên các anh em không được hút thuốc lá”. Sau hơn 30 phút chèo xuồng trên dòng sông lớn, chúng tôi đã đến đoạn rẽ vào phân khu nghiêm ngặt.

Có thể nói rằng, trong suốt cả quãng đường dài nhưng ngoằn ngoèo, uốn lượn trong phân khu, giữa màn đêm tối mịt mù, chốc chốc lại có những âm thanh của động vật hoang dã cất lên, vang vọng cả một vùng, chúng tôi thực sự mất phương hướng và không biết mình đang đi về đâu. Đưa cho chúng tôi bình trà đậm đặc để xua đi cơn buồn ngủ, anh Đỗ Văn Lợi hóm hỉnh nói: “Các anh là người mới đến đây làm sao mà hình dung nổi những con nước luồn lách trong lõi rừng này được. Anh em tụi tui đi riết rồi đâm quen hết, thuộc hết đường rừng. Đến mức tụi tui còn hình dung ra được là chèo bao nhiêu dầm thì sẽ đến ngã rẽ nữa kìa”.

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng được thành lập năm 2002 có khoảng 330 loại thực vật, 206 động vật, bò sát, chim... Trong đó có nhiều loại thú, chim, cá quý hiếm và Lung Ngọc Hoàng được xem như một bảo tàng gene về động, thực vật.

Giữa đêm, xuồng chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi tại tiểu khu 3, bình trà đậm của các anh cũng vơi dần, chỉ có những đàn muỗi rừng ngày càng dày đặc, chiếc quần jean và chiếc áo khoác dày cộp cũng không thể ngăn nổi sự tấn công của đàn muỗi. Anh Nguyễn Thanh Hùng, một nhân viên trong đội bảo vệ rừng nói: “Bọn tui bị muỗi cắn riết rồi quen. Bây giờ là mùa khô, muỗi ít rồi đó. Chứ đi vào mùa mưa thì muỗi bâu đầy mặt, đầy người không kịp vuốt”.

Đi hết một vòng rừng tràm trên các kênh rạch chằng chịt với đầy lục bình bèo ván, thậm chí ngổn ngang cây rừng gãy đổ ngáng ngang dòng nước khiến thuyền chúng tôi đôi lúc khó vượt qua. Không gian tĩnh lặng của trời đêm khiến cho những bảo vệ yên tâm bởi không có người vào rừng bắt ong hay chặt sậy.

Yêu rừng

Màn đêm đã lùi xa, những tia nắng đầu tiên trong ngày đã ló rạng và xuyên qua những cánh rừng tràm tạo thành nhiều vệt sáng dài thật đẹp, chiếu thẳng xuống dòng nước trong xanh. Đôi mắt của các anh bảo vệ rừng đã hõm sâu, đỏ hoe. Các anh tiếp tục đưa chúng tôi đến tiểu khu 2, nằm ngay trung tâm của phân khu nghiêm ngặt. Nơi đây, có một tháp cao khoảng 23 mét, theo lời của anh Đỗ Văn Lợi, đây là tháp canh cháy rừng của phân khu 3.

Chúng tôi trèo lên đỉnh tháp canh, để phóng hết tầm mắt nhìn toàn bộ khu rừng tự nhiên Lung Ngọc Hoàng, một màu xanh của sự sống, buồng phổi của cả đồng bằng sông Cửu Long hiện ra trước mắt. Cánh rừng tràm bạt ngàn xa tít đến ngút tầm mắt. Lúc này, chiếc máy ảnh của chúng tôi mới được phép sử dụng sau một đêm dài tuân thủ qui định tuần tra.

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng

Trong chuyến đi này chúng tôi đã thấy những nhọc nhằn, vất vả của những người gác rừng để giữ cho dải sinh thái này luôn ngập màu xanh, anh Đỗ Văn Lợi, tâm sự: “Chúng tôi yêu rừng nên mới bám với nghề này. Tôi sống với rừng hơn 30 năm qua, sau này tôi chuyển về đây công tác, dù cuộc sống cũng còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh em chúng tôi vẫn cố gắng làm việc”.

Thu nhập của nhân viên bảo vệ rừng từ 1 triệu đến hơn 3 triệu đồng/người/tháng, để có thể lo cho gia đình, các anh còn phải làm thêm việc trồng lúa, trồng mía tăng thêm thu nhập. Như gia đình anh Đỗ Văn Lợi có khoảng 1,5 ha trồng mía, theo anh Lợi tính toán, vụ mía năm 2010 gia đình anh lời khoảng 30 triệu đồng và với thu nhập từ nghề bảo vệ rừng, tuy không có “của để” nhưng vẫn lo đủ cuộc sống hằng ngày. Anh Đỗ Thanh Hùng, nhân viên bảo vệ rừng tươi cười nói: “Khó khăn thì tất nhiên là có rồi. Nhưng có tình yêu với rừng làm sao mà bỏ nghề được”. Không phải dân sống nơi miền sông nước, chúng tôi cảm thấy sinh hoạt nơi đây thật sự khó khăn bởi nó quá xa trường học, bệnh viện, chợ búa, giao thông thì cách trở... nhưng người dân nơi đây họ vẫn sống. Có lẽ môi trường nơi đây đã dạy cho họ biết sống thế nào, nhưng cái ai cũng thấy là sự nghèo khó và trẻ em thì ít học.

(Còn tiếp)

Phóng sự của Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm