Quản lý các “thần y” thế nào?

22/02/2010 13:27 GMT+7 | Y tế

Đại tá Tiến sỹ Đỗ Kiên Cường

(TT&VH Online) - Trên Vietnamnet ngày 16/12/2009, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, quản lý việc chữa bệnh của các “thần y” là công việc của địa phương. Điều đó hoàn toàn chính xác, vì việc cấp phép hay quản lý mọi cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền của giới chức trách địa phương. Và bài viết ngắn nói trên cũng có một số thông tin thú vị cần làm rõ thêm.

Tại sao các “thần y” được tin tưởng?

Các thần y xuất hiện khắp nơi, với những phương pháp phòng và chữa bệnh nói chung là phản khoa học, chẳng hạn như cho uống nước lã (lấy từ một “giếng thần” nào đó nên rất mất vệ sinh) hay đánh đập, giẫm đạp lên cơ thể người bệnh. “Thần y” Kaspirovski người Nga từng chữa bệnh cho hàng ngàn người qua ti vi, và người bị trĩ chỉ cần áp bộ phận cơ thể bị bệnh vào màn hình là khỏi!

Điều cần nói là khá nhiều người đặt niềm tin vào các phương pháp như vậy, trong đó có cả những trí thức với kiến thức và bằng cấp cao. Đó là vấn đề từng gây nhiều băn khoăn cho giới nghiên cứu, nhất là trong các khoa học sự sống. Tuy nhiên những khảo cứu gần đây đã bước đầu đưa ra lời giải đáp hợp lý.

“Thần y” Ksor H’Hom (phường Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai) chữa bệnh bằng... tay cho một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (ảnh minh họa)


Đầu tiên và quan trọng nhất, các nhà khoa học cho rằng, niềm tin vào sự huyền bí là bản năng sinh học của con người. Theo Shermer, người giữ chuyên mục Nghi ngờ (Skeptic) trên tạp chí Người Mỹ khoa học (Scientific American), vì tự nhiên quá phức tạp so với hiểu biết của loài người nên chúng ta có thể mắc sai lầm khi giải đoán hiện thực. Có hai loại sai lầm: dương tính giả và âm tính giả. Dương tính giả là tưởng một vật hay một sự biến có thật trong khi thực tế không có, chẳng hạn tưởng có ma xó ẩn nấp trong nhà.

Còn âm tính giả thì tưởng vật hay sự kiện không có trong khi nó có thật, nên ta cứ hiên ngang đi qua bụi cây có sư tử đang rình mồi. Hệ lụy của hai loại sai lầm đó hoàn toàn khác nhau: Trong khi những người dương tính giả sống sót mà chỉ phải chịu “tác dụng phụ” là trong đầu đầy những quan niệm siêu hình về thánh thần, ma quỉ hay các thế lực siêu nhiên khác, tức sự mê tín; thì những người âm tính giả phải trả giá bằng chính mạng sống của mình: họ bị thú dữ ăn thịt! Và chúng ta là hậu duệ của những người sống sót, với sự say mê những điều huyền diệu đã lặn sâu vào gien để trở thành bản chất sinh học. Nói cách khác, mê tín là một đặc tính di truyền có chức năng sinh tồn vì được chọn lọc tự nhiên khuyến khích. Và đó là lý do sau gần nửa thế kỉ nghiên cứu xuất hồn và các hiện tượng dị thường khác, nhà nữ tâm lý học Susan Blackmore đã phải đưa ra định lý Blackmore thứ nhất vào năm 2004: “Niềm tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”!

Tiếp theo, và không kém phần quan trọng, là sự tự chữa bệnh của cơ thể con người, một khả năng đặc biệt mà khoa học đang tìm hiểu. Theo lời Hippocrate, ông tổ của nền y học hiện đại, bệnh tật là cuộc đấu tranh giữa “chất gây bệnh” và khuynh hướng tự hồi phục tự nhiên của cơ thể. Như người viết từng nhiều lần trình bày, cả trên Thể thao & Văn hóa và trên các báo bạn, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan có thể tác động lên khả năng tự chữa bệnh, trong đó quan trọng nhất là niềm tin và hiệu ứng Mẹ Tereza. Đó là lý do những ai tin tưởng có thể giảm bệnh ở một mức độ nào đó; trong khi với những người không tin, khả năng đó hầu như bằng không. Cũng vì thế mà y học hiện đại đã đưa ra các khái niệm giả dược (placebo) hay điều trị giả (sham) nhằm mô tả các phương pháp tác động chủ yếu lên niềm tin và do đó khả năng tự chữa bệnh của người bệnh. Nếu biết rằng, tùy loại bệnh mà placebo hay sham có thể có tác dụng trên 9% tới 40% tổng số người bệnh, ta sẽ hiểu sức thu hút ghê gớm của các “thần y”, nhất là với những ai ít hiểu biết hay đã trót tin.  

Cuối cùng, và thực tế nhất, là tâm lý có bệnh thì vái tứ phương. Với những người mắc bệnh nan y hay bệnh mạn tính, đã từng chạy chữa nhiều nơi mà chưa khỏi, các “thần y” có thể là hy vọng cuối cùng. Không nên bỏ qua một khả năng là khi đến với “thần y”, các phương pháp chữa trị trước đó bắt đầu phát huy hiệu quả, nhưng người bệnh không biết nên cứ tưởng bệnh giảm là do tài nghệ của “thần y”. Người trong ngành y không hề xa lạ với hiện tượng này, với câu châm ngôn quen thuộc “phước chủ lộc thầy”: người bệnh hưởng phúc khi khỏi hay đỡ bệnh, trong khi các “thần y” thì hái lộc hoàn toàn do tình cờ!

“Thần y” Chau Sóc Kol, sư cả chùa Phnom Pi Lơ dưới chân núi Nam Quy ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn - An Giang, nổi tiếng vì tài trị rắn độc cắn bằng loại ngải  Pro-ti-puốt (ảnh minh họa)


Việt Nam chưa có một “thần y” nào được khảo cứu một cách khoa học!

Trong bài viết trên Vietnamnet, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho rằng, có rất nhiều “thần y” giả danh, khi họ mượn uy tín của những người có khả năng đặc biệt đã được “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người” thẩm định. Câu hỏi được đặt ra là Trung tâm trên đã thẩm định khả năng của một “thần y” đặc biệt hay chưa? Và quan trọng hơn, nếu có, thì sự thẩm định có đáng tin cậy hay không?


Người viết bài này không theo dõi sát hoạt động của Trung tâm này nên không rõ các nhà khoa học tại đó đã khảo sát, thẩm định và kết luận về khả năng chữa bệnh của một “thần y” nào đó hay chưa. Tuy nhiên, người viết cho rằng, ngay cả khi đã thẩm định thì kết quả cũng không đáng tin vì nó không thỏa mãn các tiêu chí khoa học. Tại sao như vậy?

Trong y học thực chứng (evidence-based medicine), có rất nhiều phương pháp nghiên cứu, từ nghiên cứu cơ bản trên động vật cho tới thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát ngẫu nhiên RCT (randomized controlled trials) và các phân tích tổng hợp (meta-analysis). Trong đó RCT và siêu phân tích được xem là “tiêu chí vàng” của y học. Nói cách khác, một phương pháp chữa bệnh chỉ được xem là thỏa mãn các tiêu chí khoa học của nền y học thực chứng khi nó vượt qua hai khảo cứu này. Vậy chúng là gì?

Bộ Y tế cũng cần phải có trách nhiệm

Cũng trong bài viết trên Vietnamnet, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu còn cho ta biết một thực trạng đáng báo động khác. Đó là việc một quan chức Hà Nội uống thuốc của một ông thày, thấy đỡ bệnh, nên gọi điện cho ông lúc đang làm Giám đốc Sở Y tế và đề nghị không được can thiệp vào việc hành nghề của vị “thần y” này.


Có thể nói đó là một hành động thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và sự can thiệp phi chuyên môn vào các hoạt động y khoa nói riêng, các hoạt động khoa học nói chung. Độc lập với các thang bậc quyền lực và niềm tin cá nhân của một người hay một nhóm người, việc khảo sát, đánh giá và kết luận về hiệu quả chữa bệnh của một phương pháp hay của một cá nhân hòan tòan thuộc thẩm quyền của giới chuyên môn.


Ở nước ngoài, đó là thẩm quyền của các hội y học quốc gia. Riêng tại nước ta, do tư tưởng bao cấp còn mạnh, kể cả “bao cấp về chuyên môn”, nên thẩm quyền thuộc Bộ Y tế, với sự tham vấn của Tổng hội Y Dược học Việt Nam. Vì thế quản lý các “thần y” không chỉ là việc của các địa phương, mà còn là việc của Bộ Y tế, chí ít là về mặt chuyên môn.

Thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát ngẫu nhiên RCT là một qui trình chặt chẽ đã được chuẩn hóa quốc tế nhằm đánh giá tác dụng thực sự của một phương pháp chữa bệnh, với 11 tiêu chí cụ thể (nếu người viết không nhớ nhầm), như mù đôi, sự ngẫu nhiên hóa hay số người hoàn thành điều trị. Chẳng hạn, để xem một phương cách chữa bệnh có hiệu quả thực sự hay chỉ có tác dụng tâm lý (placebo hay sham), cần tiến hành thử nghiệm mù đôi, khi người tình nguyện được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, một nhóm dùng điều trị thật, một nhóm nhận điều trị giả, sao cho cả bác sĩ và người bệnh đều không biết, ai dùng loại nào (vì thế được gọi là mù đôi). Khi tổng kết, nếu nhóm dùng điều trị thật có kết quả tốt hơn nhóm điều trị giả đủ tin cậy về mặt thống kê, thì phương pháp đó sẽ được công nhận; nếu không, nó được xem là chỉ có tác dụng về tâm lý.

Quá trình ngẫu nhiên hóa cũng phải thực sự là ngẫu nhiên, chẳng hạn tung đồng xu để phân chia người bệnh vào hai nhóm. Đồng thời, số người hoàn thành điều trị phải đạt 80% so với tổng số tham dự ban đầu thì thử nghiệm mới được xem là đạt chuẩn. Bạn đọc quan tâm có thể tìm trên mạng các thông tin liên quan với hệ tiêu chí cụ thể của RCT.

Tại sao lại cần siêu phân tích? Điều gì xảy ra khi có 15 nghiên cứu RCT về một loại dược phẩm, trong đó 8 thử nghiệm khẳng định và 7 thử nghiệm phủ định? Khi đó giới nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích đồng thời cả 15 bộ số liệu bằng các phương pháp thống kê y học và rút ra kết luận mang tính xác suất, tức một kết luận khẳng định hay phủ định, với độ tin cậy cao hay thấp (cũng không loại trừ khả năng chưa kết luận được, khi bộ số liệu thiếu tập trung).

Đối chiếu với những tiêu chí khoa học đó, theo hiểu biết hạn hẹp của người viết, chúng ta chưa có một nghiên cứu RCT và phân tích tổng hợp nào, xét trên phạm vi cả nước và toàn ngành y tế, chứ không chỉ riêng với Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Và do đó có thể kết luận rằng, cho đến thời điểm này, tại nước ta chưa có một “thần y” nào được khảo cứu một cách khoa học.

TP. HCM, mồng bảy Tết Canh Dần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm