Tay tổ, tay mơ

07/02/2010 12:59 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cả hai từ đều không có trong một số từ điển tiếng Việt. Chúng cũng không hẳn là tiếng lóng vì trong văn chương, báo chí và cả trong đời sống vẫn hay nói hay dùng. Dùng cho người tốt, việc tốt lẫn người xấu, việc xấu.

Người bán hàng rong: “Ông xem đây, cái túi này đan kết thủ công, tay tổ chứ đâu phải tay mơ!” Anh công an khám hiện trường xong, nhận xét: “ Vụ này đụng tay tổ rồi, chẳng phải tay mơ đâu!”.

Tay tổ là nói tính chuyên nghiệp cao trong công việc, trong kỹ năng sống. Cho nên tay tổ thường được đánh giá cao, tay mơ rất dễ bị coi thường. Chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp - dù nói ra bằng từ ngữ nào – đã là đòi hỏi của cuộc sống từ lâu. Bởi vì nó chính là đời sống. Bởi vì, nếu trong cuộc sống ai cũng có trình độ chuyên nghiệp cao thì dễ chịu biết bao, năng suất lao động cao biết bao! Nhiều “tay mơ” – những kẻ được làm mà không biết làm hay làm ấm ớ - thì gây hại cho xã hội và cả bản thân mình.

Nhiều người nhận xét rằng, hiện nay nhiều kẻ “làm được” thì không “được làm” và ngược lại. Đó là kẻ đi học thì ngồi nhầm lớp, ra đời thì ngồi nhầm chỗ, nhầm ghế. Và cái tinh thần phấn đấu được khuyến khích đến mức không ai chịu ngồi yên ở chỗ của mình. Mọi người không còn biết mình là ai nữa thì thiên hạ đại loạn.

Anh gác cổng đọc cái giấy giới thiệu mất hàng mấy phút đồng hồ mới vỡ lẽ ra khách là ai nhưng luôn ôm mộng phấn đấu làm trưởng phòng hành chính và thậm chí thủ trưởng cơ quan. Anh lái xe thì luôn mơ cái ghế giám đốc giao thông vận tải. Nhiều khi lên được thật và nếu không bị tai nạn nghề nghiệp do “tay mơ” thì thang danh vọng chưa dừng ở đó. Trong thực tế cũng đã thấy nhiều ca hoạnh phát hoạnh tán như thế. Nếu ai cũng biết mình là ai thì yên tâm trau dồi nghiệp vụ, làm việc to việc nhỏ đều giỏi, ai thuộc người cỡ nào thì được giao công việc cỡ ấy, một xã hội như vậy gọi là có tính chuyên nghiệp cao. Mọi người biết kính trọng nhau dù ở cương vị nào.

Bởi vì, Trời không biết chia đều mọi thứ như trí thông minh, khả năng chỉ huy, sức khỏe, nghị lực cho mọi người nên nếu mỗi người biết được mình nên ngồi lại ở đâu thì thiên hạ thái bình. Từ cô gái bán hàng siêu thị đến ông chủ tịch thành phố, nếu ai cũng là “tay tổ”, làm giỏi công việc của mình thì cải cách thủ tục hành chính chắc là không vất vả, chật vật. Nhiều quốc gia người ta có hệ thống chọn lọc rất kỹ và cũng rất chuyên nghiệp. Bất kỳ ai, nếu gặp may mà ngồi nhầm ghế là được sắp xếp lại liền. Họ cũng rất đề cao văn hóa từ chức, đó là một cách để loại những “tay mơ” một cách êm thấm, dịu dàng.

Vậy thì, hãy ước mơ đơn giản thôi là ra điều gặp được “tay tổ”, những người chuyên nghiệp. Cuộc sống của ta sẽ êm thấm, dễ chịu biết bao!

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm