Giá như được lắng nghe …

17/01/2010 16:50 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đề án 112 đã đau xót trở thành vụ án với hàng chục bị can ra tòa. Hàng chục cuộc đời đứng trước nguy cơ sẽ lâm vòng lao lý, vướng bẩn, và phải rẽ hướng khác. Hàng tỷ đồng ngân sách thành mây khói bay vào hư vô.

Những thiệt hại đó vẫn không là gì khi một đề án cấp nhà nước, với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, với hy vọng “trở thành quả đấm thép công nghiệp hóa” bị phá sản sau hơn sáu năm thực thi. Đất nước mất tiền mất của và chậm lại nhiều năm trong lĩnh vực “thông tin hóa hệ thống hành chính”. Trong vụ này thời gian bị đánh mất mới là thiệt hại lớn nhất. Trong cáo trạng không thấy nhắc tới, nhưng hãy nhìn dãy người xếp hàng làm thủ tục trước cơ quan công quyền những nơi chưa được “số hóa”, người ta buộc phải nghĩ tới những bị can vụ 112.

Thông thường, một chương trình, dự án bị phá sản, rồi trở thành vụ án có nhiều nguyên do. Trước hết có thể là do lòng tham của con người, mê làm dự án công nghệ thông tin chứ không mê thông tin, những kẻ luôn căn cứ vào lòng tham của mình mà tìm mọi cách che mắt cấp trên để dự án được duyệt nhanh chóng. Trình độ cán bộ phụ trách, thừa hành vừa dốt lại vừa tham, không hề kêu ca mình thiếu trình độ hay quá nhiều việc khi được cất nhắc, chỉ nói điều ấy khi ra tòa. Dốt cộng với nhiệt tình trong sáng vẫn gây ra tai vạ. Dốt cộng với nhiệt tình do tham tiền thì tất yếu đại họa phải xảy ra!

Đối với Đề án 112, mọi việc còn đang chờ phán quyết của tòa án. Nhưng điều đáng suy nghĩ ở đây là chuyện khác. Thực ra khi đề án 112 được triển khai, đã có nhiều ý kiến phản biện của một số trí thức có tâm huyết và hiểu biết. GS Phan Đình Diệu, do tình cờ được đọc dự án chứ không ai hỏi xin ý kiến, đã phát hiện ra ngay những điều thất bại “trông thấy mà đau đớn lòng”. Phản ứng của ông rất đàng hoàng. Ông lấy tư cách một nhà khoa học, viết một lá thư khá gay gắt gửi người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ. Thư có đoạn: “Đề án đi kèm QĐ 112/2001 được chuẩn bị quá sơ sài, không đủ luận cứ khoa học, các khái niệm có nhiều lầm lẫn, chưa thể xem là một đề án tiền khả thi. Tôi có cảm tưởng người viết đề án viết để cho có, để rồi có thể làm một cách tắc trách, chứ không phải viết nghiêm túc để mà làm một cách nghiêm túc. Nặng về phần trang thiết bị và mạng mà rất qua loa về nội dung, thông tin đáng phải là phần chủ yếu nhất của Đề án.” Sau hai ngày xét xử, khi nghe các bị can khai về chuyện “lại quả”, “ăn chia”, “gửi giá gấp 3 lần”, chúng ta mới hiểu vì sao đề án lại “nặng về trang thiết bị”! Cái chết của 112 đã được báo trước một cách khoa học và quyết liệt như thế. Nhưng, không ai nghe GS, không ai trả lời ông một tiếng! Ông đành than thớ với báo chí: “Sau khi tôi gửi thư, tôi nghĩ rằng, nếu ý kiến của mình không được lắng nghe thì cũng không nên có ý kiến gì thêm nữa, nhất là khi mình không làm nữa thì cũng không nên quấy rầy nhiều.” (Trả lời báo ANTĐ online Thứ Hai, 17/09/2007)

Khi đề án được triển khai vào TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông phản đối dữ dội và khẳng định: "Đề án 112 chắc chắn thất bại, nếu không đúng tôi sẽ rời ghế". May mà ông đã không phải rời ghế!

Rõ ràng là chúng ta cần có được một cơ chế để làm sao những người tài, hiểu biết được phản biện thuận lợi, những người có thẩm quyền phải lắng nghe và phải trả lời. Không phải chỉ để làm vừa lòng trí thức, cũng không phải để dĩ hòa vi quý hay xoa dịu bức xúc, mà để cứu cho dân cho nước những dự án hao tài hại của, thất bại được báo trước, cứu một số cuộc đời khỏi lâm vào cảnh lao lý, tội lỗi.

Giá như những phản biện với đề án 112 được lắng nghe từ những ngày đầu!

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm