Cái không thứ tư

13/12/2009 15:17 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong chiến tranh du kích, do phải lấy yếu đánh mạnh, nhiều khi một chọi trăm, chọi ngàn như đặc công, cơ quan kháng chiến phải ở trong dân, lộ bí mật là mọi chuyện hư bột hư đường nên có chính sách “ba không”: Không nghe, không thấy, không biết. Nhờ vậy mà giữ được lực lượng. Cách xử lý thông tin này của dân chúng quả thật đã có tác dụng lớn. Câu thường nghe là: Địch có mắt mà như mù, có tai mà như điếc, luôn thấp thỏm trong mê hồn trận của chiến tranh nhân dân.

Thời đại ngày nay đã thay đổi nhiều, đất nước đã qua gần bốn mươi năm sau chiến tranh, đang bước trên xa lộ thông tin để hòa nhập cùng thế giới hiện đại. Vậy mà cái sách “ba không” ấy vẫn còn được một số người sử dụng, khi thì do vô tình vì thói quen, khi thì cố ý vì mục đích cá nhân. Không ít người lo sợ dân biết nhiều quá sẽ không “quản lý” được, như con ngựa không có hai cái lá đề thì không phi được nhanh, dễ cầm cương. Có người làm trái làm bậy như tham nhũng, ức hiếp quần chúng, thiếu gương mẫu, miệng nói tay không chịu làm, hay dự án lèm nhèm, hay tự ý trả lương cao cho chính mình v.v... sợ dân biết thì nguy nên chi bằng là dùng sách “ba không” may ra thì thoát hiểm hoặc còn được bầu tiếp vài khóa nữa. Cho nên mới hay xảy ra chuyện ông xã, ông huyện hay nhiều ông to hơn tự ý cấm các nhà báo vào tác nghiệp những chỗ họ có quyền vào, đập máy ảnh, thu máy tính xách tay và những hành động sai trái khác.

Với những người, những cơ quan công quyền cố tình phát huy “truyền thống ba không” nói trên, trước sau cũng chỉ một phương pháp là bưng bít thông tin, một triết lý là dân biết càng ít, càng tốt, càng dễ lọt. Và ngoài “không thấy, không nghe, không biết” họ còn thêm một cái không thứ tư nữa là “không hỏi”.

Nông dân đang có chủ quyền sử dụng ruộng đất, nhưng đã mấy ai làm quy hoạch, làm dự án, thu hồi đất của họ mà bàn mà hỏi đến họ? Nông dân đáng lẽ là đương sự liên quan và bình đẳng trước pháp luật thường là người biết cuối cùng, khi người ta đến thương lượng để giải phóng mặt bằng.

Rừng quốc gia được giao cho kiểm lâm, cho Ban quản lý, nhưng thường không ai hỏi họ có đồng ý hay không khi đụng chạm đến rừng. Vừa rồi, ông chủ Vườn quốc gia Cát Tiên phải lên TV kêu trời vì người ta tính đắp đập làm thủy điện, nước dâng ngập cả vùng tê giác sống, vậy mà không ai tham khảo người quản lý một câu!

Nếu không có cơ chế “hỏi dân” minh bạch và nghiêm chỉnh thì khi đưa ra một chủ trương, một chính sách sẽ khó tạo được sự đồng thuận. Nếu có hỏi thì cũng lấy lệ hoặc “xã giao” theo kiểu cấp trên tham khảo ý kiến cấp dưới, yes hay no thì cũng phải làm, bố mẹ ngày xưa hỏi qua con gái khi đã nhận lễ ăn hỏi của người ta. Do vậy mà nhiều vụ việc đã biến thành chuyện bức xúc hay khôi hài trong dân như vụ “ngực to ngực bé lái xe máy” hay “xe ngoại tỉnh” và
những vụ khác.

Cấp trên đành rằng luôn sáng suốt, nhưng có chí lớn, tài cao như chúa Nguyễn Hoàng cũng phải từ Thanh Hóa lần mò ra Vĩnh Bảo hỏi Trạng Trình để được một lời khuyên “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà làm nên nghiệp lớn. “Không thấy, không nghe, không biết” và “không hỏi” xem ra đang trở thành lực cản to lớn cho tiến bộ xã hội.

NGUYỄN QUANG THÂN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm