Chị Ba mà không phải chị Ba

29/11/2009 15:24 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cái sẩy nẩy cái ung, chắc những người đưa chị Ba Sương ra tòa toan tính chỉ khu trú vụ án trong phạm vi một huyện, cùng lắm chung thẩm cấp thành phố là xong. Nhưng ai tính được chính xác sự phản ứng của công luận?

Vụ án chị Ba thực ra đã có thể nhìn thấy trước. Là nhà văn, nhà báo, từ những năm 60 thế kỷ trước, tôi đã được mời hay tự mình đi thực tế, tham quan, học tập những đơn vị điển hình nở rộ trong phong trào thi đua của miền Bắc thời đó. Nào Đại Phong, nào Vũ Thắng, nào công nghiệp Việt Trì, nào Thọ Xuân Thanh Hóa, nhiều không xiết kể. Hễ có đơn vị nào nổi lên là thiên hạ tập trung về như trẩy hội, có nơi như Vũ Thắng mỗi ngày không dưới vài trăm người. Kéo ra đồng như diễu binh, xem xã viên cày cấy, gặt hái. Chủ dù có đói cũng phải có bữa ăn tươm tất huống gì đã mang tiếng làm ăn giỏi. Ra về phải có chút quà gọi là “kỷ niệm” nhớ nhau lâu. Khách đi, khổ chủ ngồi nghĩ kế quyết toán thu chi. Không có quỹ đen thì không qua nổi! Các đợt học tập, tham quan ấy biến thành du lịch trá hình mà người trả tiền vẫn không ai khác là dân sở tại. Mà đâu chỉ một hai hôm, ngày dài lại đêm thâu, tháng này qua tháng khác.

Nông trường Sông Hậu nổi lên nhờ thực chất của mình, cũng nhờ một phần vào tuyên truyền và báo chí. Ông Năm Hoằng cũng như chị Ba Sương dù có gan góc mấy cũng không thể không tranh thủ báo chí ủng hộ; bây giờ kinh tế thị trường gọi là PR cho nó oai, nó bí ẩn chứ thực chất là có thương hiệu thì làm ăn mới xuôi chèo mát mái. Khách khứa cũng đông như hội quanh năm, ăn ở, quà cáp như ai. Đối nội, muốn nông trường viên ở lại làm ăn lâu bền, giữ được danh tiếng thì ông Năm với chị Ba không thể nói suông. Phải giúp người ta có cơm no áo ấm, có cái nhà để ở, có trường học cho con cái, có đường sá để đi. Nhu cầu mỗi ngày một tăng, tiền chi ra mỗi ngày một lớn. Đó là việc làm đúng, thông minh. Hàn Phi Tử đã chẳng nói: “Cỏ tốt dê mới đến”.

Vậy là phải chi những khoản không được chi. Phải cho những khoản không được cho. Chế độ tài chính của ta luôn lấy tiết kiệm làm quốc sách. Nhưng nông trường viên không thể sống bằng không khí. Khách đến thăm không thể uống nước lã. Vậy là con đường tất yếu đã mở ra: quỹ đen! Gọi là quỹ đen hay “quỹ đời sống” thì cũng thế, nghĩa là thứ quỹ để chi những khoản không thể không chi nếu muốn tồn tại mà lại khoản đó lại bất hợp pháp. Ai bị pháp luật sờ đến thì ra tòa. Ai trời thương hay cấp trên thương thì thoát.

Chị Ba – tôi không biết chắc chị có tham ô vào cái quỹ đen này hay không? Vì chị không chồng con, không người thừa kế, nếu “tham ô” chắc cũng để chi những khoản không được chi, cho những người không được phép cho nhưng lại không thể không cho, bây giờ có khai ra thì họ cũng chối, đành chịu cảnh “tình ngay lý gian” vậy. Phiên tòa xử chị Ba thực ra không chỉ chị Ba mà còn là phán xử một cách làm ăn rất hiệu quả một thời nhưng khó chấp nhận với kinh tế thị trường và một nhà nước pháp quyền. Cái lý bào chữa mạnh nhất cho chị là thực chất phát triển của nông trường, cái tình bảo vệ chị là lòng dân. Vấn đề là tại sao lại chọn chị Ba và một đơn vị hai lần anh hùng? Đó là điều trăn trở mà chính cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt kính mến trong thư “gửi các đồng chí Cần Thơ” (theo Tienphongnline) cũng không hiểu nổi.

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm