Cựa gà áo giáp

15/11/2009 14:41 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nếu giặc đến thì “cựa gà trống của các ngươi sao đâm thủng áo giáp?”. Đó là rời răn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với con dân nước Nam khi đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ mất còn trước họa xâm lược của đội quân thiện chiến Mông Cổ. Sau hơn năm mươi năm từ thời “nguyên phong” thái bình, thịnh trị, dân chúng no đủ, mọi thứ ăn chơi phù phiếm như cờ bạc, rượu chè, chọi gà, hút xách, vui thú điền viên, săn bắn, bồ nhí.v.v. nở rộ như nấm mùa xuân.

Lời nhắc nhở của Hịch Tướng Sĩ là bản kiểm điểm não trạng của một xã hội “ngủ quên trong thái bình”. Lời Hưng Đạo Vương cất lên khi tiếng vó ngựa của quân Nguyên đã gõ dồn dập ngoài biên ải, tuy có muộn nhưng cũng đã kịp thức tỉnh được tâm lý bàng quan, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà quên vận nước. Chính sự thức tỉnh ấy đã làm nên một hat-trick lịch sử: ba lần đánh thắng quân Nguyên, đạo quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

Nếu thời chiến tranh 30 năm trước đây, khi các tầng lớp, các lứa tuổi chỉ quan tâm đến cuộc chiến và mục tiêu cuối cùng là chiến thắng, thì như cái quả lắc đồng hồ, sau hai mươi năm kinh tế thị trường, có một tâm lý khá phổ biến, một não trạng tập thể ngược lại. Hầu như người ta quá quan tâm đến chuyện làm giàu, vun đắp cho bản thân, lo quấn tròn quanh mình chiếc chăn trong đêm rét và khi đã toại nguyện đến mức nào đó, người ta không muốn quan tâm đến cái gì lớn lao hơn, xa hơn túi tiền và thú vui của chính mình.

Kiếm sống, làm giàu là mục tiêu được khuyến khích và hoan nghênh không chỉ bằng lời nói mà còn được Nhà nước tạo điều kiện như cấp vốn, hướng dẫn. Vui chơi, giải trí là ngành công nghiệp xanh được cổ vũ vì nó chiếm một tỷ trọng lớn cho nền kinh tế. Tất cả mọi người đều kiếm tiền thì sẽ có công ăn việc làm cho tất cả mọi người, hạn chế được thất nghiệp, tệ nạn và tội ác.

Thế nhưng còn gì phi lý hơn khi người ta chỉ biết làm giàu, biết ăn chơi mà “không quan tâm” đến những vấn đề trọng đại của đất nước? Hỏi mười người thì liệu có mấy người biết chính xác vị trí của Hoàng Sa và Trường Sa? Mấy người biết rừng đang cạn kiệt, nước đang mặn hóa, sông đang ô nhiễm, nước biển đang dâng lên hàng ngày do khí hậu biến đổi? Mấy người biết câu nước ta có rừng vàng biển bạc bây giờ không còn đúng nữa, tình thế đã khác? Người ta vẫn cứ tưởng kho vàng đen Hòn Gai là vô tận nhưng mấy ai biết sắp tới chúng ta phải nhập khẩu than đá và biết đâu sẽ nhập cả lạc đà (cho những nơi sa mạc hóa)? Người dân biết căm tức tham nhũng, chửi tham nhũng khắp nơi (trong đó có cả tính ghen ghét) nhưng mấy người kể cả những kẻ có trọng trách, dám tố cáo, dám đấu tranh chống tham nhũng? Chủ nghĩa bàng quan là hậu quả của khủng hoảng lý tưởng, sẽ dẫn tới suy thoái xã hội nhiều mặt. Cụ Phan Bội Châu đã từng chỉ ra rằng khi dân không nghĩ đến quan, quan không nghĩ đến vua còn vua không nghĩ đến nước thì họa mất nước gần kề. Báo chí thông tin thường chậm và một chiều, sự khô cứng làm thui chột những sáng kiến gây được cảm hứng xã hội cũng đã góp phần tạo nên chủ nghĩa bàng quan.

Có quá nhiều thứ mà người dân “không quan tâm”, kẻ có chút ít học vấn thì nhún vai khinh bạc kiểu Xuân Tóc Đỏ: “Đôn ke!”. “Không quan tâm” hay “mặc kệ” còn nguy hiểm hơn khi người ta lại là nhân viên công quyền, ngoài những gì người công dân có quyền làm như làm giàu, kiếm sống, họ còn có trách nhiệm rường cột và gương mẫu, thực thi luật pháp và dắt dẫn dân chúng.

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm