Cái hố đẻ ra chuyện trái khoáy

18/10/2009 11:33 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chuyện trái khoáy thường được nói chữ cho ra chất triết học là “nghịch lý” đều ra đời trong cái phi lý đầy rẫy khắp nơi của xã hội loài người. Xã hội ít chuyện trái khoáy được coi là xã hội lành mạnh. Xã hội nào hỗn loạn, mất kỷ cương thì chuyện trái khoáy là “chuyện thường ngày ở huyện”, mọc ra như nấm. Cho nên, ngày xưa các vua chúa cũng coi trọng “điều tra dư luận”, cho người đi sưu tầm “chuyện trái khoáy” trong dân để biết mà liệu đường.

Chuyện trái khoáy nở rộ là điềm trời cho biết xã hội không yên. Có nhiều nguồn gốc đẻ ra “chuyện trái khoáy” (nghịch lý). Như dù có đói, hổ không ăn thịt hổ. Nhưng sử vẫn ghi có chuyện người ăn thịt người. Lỗ Tấn chả
từng viết: “ Soi từng trang sử (nước của ông ấy), trang nào cũng thấy có ba chữ “ăn thịt người”! Tất nhiên nhà văn có bóng gió chuyện này chuyện kia nhưng “ăn thịt người” đã từng có thật chứ không phải bóng gió hay tưởng tượng.

Trong xã hội ta đang sống, có một cái hố cũng thường xuyên đẻ ra nghịch lý. Đó là “cái hố giữa người giàu và người nghèo”. Không phải người giàu đứng bên này miệng hố, người nghèo đứng bên kia, xa cách mà vẫn bình đẳng với nhau. Cái hố “giàu - nghèo” thì khác. Người giàu đứng trên miệng hố, người nghèo lóp lóp dưới đáy, kẻ trên miệng người dưới đáy thì không có chuyện bình đẳng, kể cả trước pháp luật dù lý thuyết vẫn nói thế.

Vì thế mà đẻ ra nhiều nghịch lý.

Như người giàu ăn, uống, đãi đằng nhau. Họ là những người ăn không thiếu thứ gì phải đi hút mỡ, ngồi với nhau lại gọi không thiếu món gì, cuối cùng dù là yến sào hay chân gấu vẫn phải đổ cho heo! Người nghèo vốn đói ăn, mâm đĩa đã ngồi vào là được vét sạch, lại không bao giờ được mời ăn những bữa tiệc mà một nửa hay hai phần ba thức ăn được đổ cho heo ấy. Không phải chuyện trái khoáy là gì?

Người giàu hay con cái họ không phải chân lấm tay bùn, ít khi phải đổ mồ hôi. Đây là nói những kẻ không phải bằng chất xám hay cơ bắp mà do được ngồi trên những cái ghế hái ra tiền, làm nên cơ nghiệp bằng vài giọt mực “ký một cái xoạch”. Vậy mà hở ra là họ đi nghỉ, đi chơi, đi xả xì-trét. Xem kỹ trong 2.000 nhà nghỉ của Hà Nội và hàng trăm khu rì-xợt trên đất nước, có được bao nhiêu người nghèo,người lao động, quanh năm đầu tắt mặt tối rất cần nghỉ ngơi đến nghỉ.

Đúng là chuyện trái khoáy!

Con cái người giàu việc gì cũng “em chã” thì rất dễ xin việc, con cái nhà nghèo thì ngược lại! Người giàu không cần tiền lại được ngân hàng rải thảm cho vay tiền tỷ, người nghèo có vay được vài triệu sắm một gánh xôi kiếm ăn cũng khó. Những chuyện trái khoáy đó đều có cái lý của nó nên gọi là nghịch lý chứ không phải vô lý.

Nhưng đã gọi là “nghịch” nghĩa là “không thuận” thì cũng nên coi chừng cho sự an nguy!

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm