Mẹ tôi dạy chuyện ăn

27/09/2009 14:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Có lẽ vì chiến tranh, mất mùa, đói kém liên miên trong lịch sử nên người Việt mình luôn gắn từ “ăn” vào nhiều chuyện nhiều khi chẳng liên quan gì đến ăn. Làm tình sao gọi là “ăn nằm”? Thái độ cư xử với nhau gọi là “ăn ở”. Cướp của giết người nhiều khi không chỉ để ăn mà để làm giàu cũng gọi là “ăn cướp”, nhận tiền để “làm chuyện không được làm hay không làm chuyện phải làm” gọi là “ăn hối lộ” (dù những ông quan tham này chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. hay mua nhà mua đất chứ đâu phải để ăn) ...

Dù mới nứt mắt, trẻ của chúng ta đã được dạy dỗ về chuyện ăn. Học ăn trước hết rồi mới đến học nói, học gói, học mở. Nhưng xem ra chuyện ăn, hay nói theo thời thượng là cái “văn hóa ăn” không còn được tử tế như xưa. Nhiều bạn nước ngoài hỏi sao người Việt ăn nhiều thế? Họ dạo phố Sài Gòn, Hà Nội hay đến tận miền Tây Nam Bộ, cả vùng núi nghèo phía Bắc luôn thấy những quán ăn quán nhậu chật ních người ăn, từ sáng tới đêm, quanh năm suốt tháng.
 
Ăn và ăn. Gặp nhau ăn, chia tay nhau, ăn, đi chơi cũng phải ăn mới đáng mặt “ăn chơi”, đám cưới vui vẻ ăn đã đành, đám tang cũng phải ăn thả cửa bên cạnh xác người chết. Ăn bất kỳ chỗ nào có thể ăn. Đâu chỉ trong quán ăn mà vỉa hè, bên miệng cống, dưới gốc cây, trong chợ, ngoài chợ nơi thịt chín đặt cạnh thịt sống... Ăn như là nguồn cảm hứng vô tận mà trời đất ban cho người Việt ta để trường tồn cùng năm châu bốn bể.
 
Mẹ tôi con nhà Nho, thường bảo: “Phép ăn uống là phải coi trọng vì bệnh tật chui vào từ cái mồm. Nhục nhã cũng do cái mồm nuốt vào. Cho nên phải biết ăn cho đàng hoàng mới nên người được”. Theo giáo huấn của mẹ tôi thì:
 
Ăn cái gì? Hãy ăn cái có thể ăn được, nghĩa là những phẩm vật nuôi sống người. Không được ăn đất cát, nhựa đường, ghế ngồi, sắt thép, huân chương hay bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Những thứ ấy ăn vào nuốt khó trôi, có nuốt được cũng không ngon mà có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bẩn nhất là ăn hối lộ, càng không nên.
 
Ăn với ai? Rượu ngon phải có bạn hiền. Ngồi ăn với kẻ thù thì nguy hiểm, với kẻ xa lạ thì không ngon. Cỗ cưới được gọi là cơm bụi giá cao vì thường phải ngồi với những người không quen biết, có thể sinh bệnh đau dạ dày. Ăn với người dưới mình, người nghèo hơn mình thì phải trả tiền, tuyệt đối không được ỉ quyền để người nghèo hay người dưới “bao” mình. Họ bớt phần bánh Trung Thu của con cái đưa biếu mình vì sợ hay vì muốn nhờ vả nên có quyền khinh mình, còn gọi mình là quân khốn nạn ăn cướp cả cơm chim.

Ăn ở đâu? Tìm nơi sạch sẽ, không ăn ở cửa sau vì miếng ăn là miếng nhục, lại thiếu đàng hoàng. Không ăn trong bóng tối vì dễ nuốt phải kế gian. Không ăn ở công đường, nơi làm việc. Hạn chế ăn cơm chùa, nhất là những thứ mua bằng tiền thuế của dân.

Lời mẹ tôi dạy về chuyện ăn còn nhiều, nhớ không xuể.

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm