Đưa đón con em, một nan vấn

30/08/2009 08:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Không là chuyện của một gia đình, của các bà mẹ, mà thực sự đã trở thành một vấn nạn xã hội chưa có hồi kết. Sau hàng tháng trời đôn đáo chạy trường, chạy thầy, mua sắm sách giáo khoa và đóng góp các khoản, ngày tựu trường đến gần thì một nỗi lo không kém ập tới: con em đến trường làm sao đây?

Còn đâu những chú học sinh tới trường với “ba lô nhỏ trên vai, nhảy nhót như con chim sẻ bên các bức tượng” trong văn Anatole France hay “một mình em đến lớp” trong bài hát cũ học sinh cấp một vẫn còn hát. Mà là cảnh bấn loạn từ trong nhà mỗi buối sáng đưa con đi học, cảnh ông bố, bà mẹ phóng như điên chiếc xe máy cặp đôi cặp ba, chiến đấu với đường phố, lần lượt thả các con xuống trường này, trường kia rồi hối hả tới sở làm. Là cảnh giao thông kẹt cứng ở cổng trường, cảnh vợ chồng giận nhau, cãi nhau vì lỡ hẹn đón con, cảnh những em nhỏ nước mắt vắn dài đứng cô độc ở cổng trường vì bị đón trễ… Đường đến lớp không còn thơ mộng mà gian nan như “đường lên Trời” ẩn chứa nhiều bất trắc, gây ra nhiều nỗi lo toan, ảnh hưởng không chỉ với giao thông đường phố mà còn là một ám ảnh bức xúc của toàn xã hội.

Những cảnh đó diễn ra năm này qua năm khác trên một đất nước hiếu học, nơi mọi tầng lớp người dân coi việc đi học là con đường sống của con cái, là việc quan trọng nhất trong nhà. Thực ra, chính quyền và xã hội đã nhận ra và một số nơi đã cố gắng giải quyết. Từ nhiều năm trước đây TP.HCM chủ trương trợ giá cho một số xe buýt học đường (năm 2005 có tới trên 2 triệu lượt học sinh). Một số trường “quý tộc” có cả đội xe đưa đón với giá cao ngất ngưởng lên tới vài triệu mỗi tháng cho mỗi em được đưa đón. Nhưng vấn đề vẫn lâm vào bế tắc. Vì an ninh đường phố (và cả đường làng) chưa tốt lên, là cảnh bạo hành và lạm dụng trẻ em vẫn như con ngáo ộp có thật hù doạ các bà mẹ, là số tiền phải trả chưa thể vừa túi đa số gia đình. Cuối cũng chỉ có ít người thật khá giả mới yên tâm sau khi mỗi tháng chịu bỏ ra những số tiền lớn.

Và vấn đề còn ở chỗ quan niệm nuôi dạy con cái của các bậc cha mẹ. Điều ai cũng nhận rõ, nếu so sánh trẻ con ta với trẻ con tây là con cái chúng ta ít có tính tự lập, chủ động hơn, ít được luyện kỹ năng sống hơn trẻ con nhiều nước. Các cháu được “đội lên đầu”, được cưng chiều quá mức và điều đó càng làm khó thêm cho việc đến trường. Các em không được dạy dỗ chu đáo luật giao thông cơ bản, cách sang đường phố, cách phản ứng tự vệ khi bị đe doạ. Nhiều gia đình xa trường vài trăm mét nhưng vẫn phải đưa đón con vì quá lo lắng về an ninh.

Con đường để thoát ra chuyện đưa đón học sinh hiện nay xứng đáng là một đề tài khoa học không chỉ của Bộ GD&ĐT mà của Nhà nước. Trong những quốc gia giàu có, hệ thống xe buýt đưa đón học sinh khá hoàn chỉnh, phúc lợi xã hội cao, nếu phải trả tiền thì món tiền phụ huynh bỏ ra không đáng kể so với thu nhập hàng tháng. Nhưng ở nước ta, để việc đưa đón học sinh được ổn thoả, chắc chắn phải có sự tài trợ bù giá của Nhà nước và đóng góp của những tổ chức xã hội và tư nhân. Tại xã Nghĩa Hiếu của huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) hay Cương Gián (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) có gia đình đã bỏ tiền ra mua 2 xe ca 24 chỗ chuyên đưa đón con em trong xã tới trường huyện với mục đích kinh doanh có ít lãi. Số tiền khoảng 200 ngàn mỗi tháng cho mỗi em là có thể vừa sức chịu đựng của các gia đình.

Càng ngày cuộc sống càng làm nổi cộm những vấn đề bị coi là nhỏ nhặt, lơ là bỏ qua hoặc coi nhẹ, do các nhà quản lý kém dự báo và thiếu ý thức nghĩ đến những lợi ích thiết thực của người dân. Tuy ngành giáo dục đang còn những “chuyện lớn” được coi là nan vấn chưa có lối ra như triết lý giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, chất lượng học tập, đạo đức của thầy và trò v.v. nhưng nếu thật sự vì dân, vì sự ổn định nhiều mặt của xã hội thì không thể coi nhẹ những chuyện tưởng là nhỏ nhặt như đưa đón học sinh và hố xí trong trường học chẳng hạn. Vì đó cũng thật sự là những vấn đề chưa có lối thoát, đang gây ra hội chứng stress tập thể không thể xem thường trong cộng đồng.

Nguyễn Quang Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm