Bác sĩ “thỉnh thoảng” vi phạm y đức

29/07/2009 13:51 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - *Chỉ có 9% bác sĩ có nhận thức đúng về y đức

Nghiên cứu cấp Bộ do Trường Đại học Y Hà Nội tiến hành trong phạm vi cả nước với cả ba tuyến bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương về “Thực trạng nhận thức và thực hành y đức của nhân viên y tế” vừa được công bố cho thấy: Nhiều bác sĩ “thỉnh thoảng” vi phạm y đức.

Gợi ý nhận tiền của bệnh nhân

Phỏng vấn 704 bác sĩ tại các bệnh viện thì có đến 65,3% bác sĩ trả lời rằng “thỉnh thoảng” có biểu hiện vi phạm y đức. Trong số này, bác sĩ tại tuyến trung ương có tỉ lệ là 68,2%; tuyến tỉnh là 73,6%. Số lượng bác sĩ có biểu hiện thường xuyên vi phạm y đức chiếm 5,7% (trong đó tuyến trung ương chiếm 7,0%, tuyến tỉnh 6,7% và tuyến huyện 3,0%).

GS.TS Phạm Thị Minh Đức, Trường ĐH Y Hà Nội, chủ trì nghiên cứu cho biết: Những biểu hiện vi phạm y đức này chủ yếu là gây khó khăn cho bệnh nhân, gợi ý và nhận tiền của bệnh nhân (chiếm 40,5%). Bên cạnh đó, có 39,9% bác sĩ kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm (%) hoa hồng của trình dược viên, móc ngoặc hoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư. Các vi phạm của các bác sĩ này còn là thiếu lương tâm, trách nhiệm, thiếu tôn trọng bệnh nhân, lơ là sao nhãng không hoàn thành nhiệm vụ; thiếu tế nhị khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; liên tục không giải thích tình hình bệnh tật cho bệnh nhân; chậm trễ trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Thậm chí có bác sĩ lấy bệnh nhân làm vật thí nghiệm với mục đích riêng, không trung thực trong nghiên cứu khoa học. Có một bộ phận bác sĩ, khi bệnh nhân vào khám nhưng bác sĩ chỉ hỏi bệnh chứ không khám cho bệnh nhân…

Thái độ của bác sĩ đóng góp hữu hiệu vào kết quả điều trị (ảnh minh họa)


GS.TS Phạm Thị Minh Đức cho biết: Trong số các bác sĩ tham gia nghiên cứu, có người đã phải khám tới 110 bệnh nhân/ngày. Nghiên cứu này cho thấy những bác sĩ khám dưới 30 bệnh nhân/ngày đạt điểm cao nhất, trong khi những người khám trên 80 bệnh nhân chất lượng dịch vụ đương nhiên giảm nhiều. Theo trả lời của nhiều bác sĩ, hành vi vi phạm y đức là do “không còn cách nào khác”. Nhiều bác sĩ cho rằng, nguyên nhân ngoài ý thức đạo đức của cá nhân, còn do môi trường xã hội và pháp luật và đặc biệt là mức lương thấp(?)

Chỉ 9% bác sĩ có nhận thức đúng về y đức

Theo công bố, có 47% bác sĩ có nhà riêng, trong đó, tỷ lệ cao nhất tại tuyến tỉnh (79%), tuyến huyện (40%) và tuyến TW là 20,9%. Về mức lương bác sĩ, 54,7% người được hỏi cho biết thu nhập ít hơn 2 triệu đồng/tháng; tại tuyến huyện, không bác sĩ nào cho biết thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng; tại tuyến tỉnh, tỷ lệ này là 0,5%, còn tuyến TW là 0,4%.

Quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên trong ngành y tế quy định cán bộ, viên chức y tế phải tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc Quy chế chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; tìm hiểu, nắm bắt diễn biến tâm lý người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh; thương yêu người bệnh, coi người bệnh như người nhà của mình; lịch sự, hòa nhã, động viên, tôn trọng người bệnh và gia đình người bệnh; nghiêm túc thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”... Bộ Y tế cũng đã có quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh với những quy định chi tiết đối với từng vị trí công việc trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo nghiên cứu này, chỉ có 9% bác sĩ có nhận thức đúng họ là người cung cấp dịch vụ y tế. Còn lại, bác sĩ nghĩ mình là người CỨU CHỮA bệnh nhân. Theo BS Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, thái độ và cách chăm sóc ân cần của thầy thuốc sẽ đóng góp rất hữu hiệu vào kết quả điều trị, thuốc chỉ đóng góp 50% vào kết quả chung.

Tuy vậy, theo ông Phạm Đức Mục - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh: “Một bác sĩ một buổi phải khám cho khoảng 40-50 bệnh nhân, không thể có thời gian trả lời đầy đủ, cặn kẽ tất cả các câu hỏi của bệnh nhân. Bác sĩ chịu nhiều áp lực công việc, do đó, lượng giá cán bộ trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử không phải là việc dễ”. Bà Đào Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cũng cho biết: “Quả thật không dễ dàng thay đổi nhận thức của một số ít cán bộ y tế, khó nhất là vấn đề lượng giá. Ở tuyến huyện, bệnh nhân không quá đông, Quy tắc ứng xử dễ thực hiện. Còn ở bệnh viện đa khoa tỉnh, tình trạng quá tải bệnh viện xảy ra, bác sĩ chịu nhiều áp lực cũng là cái khó”.

Khuê Lam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm