Bắt quả tang Cty Vedan xả trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải!

16/09/2008 11:54 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Suốt  từ năm 1994 đến nay, Cty bột ngọt Vedan (huyện Long Thành, Đồng Nai) đã thiết kế - xây dựng một hệ thống điều khiển hết sức tinh vi để chất thải được xả đi theo ý người vận hành, không qua xử lý. “Công nghệ” bí mật che mắt thế gian này là chôn nhiều đường ống sâu 7 – 8m dưới đất để chất thải “tuôn” thẳng ra sông Thị Vải.

- Hệ thống van và đường ống tinh vi

- “Họ từng nói đây là hệ thống bơm nước sông vào giải nhiệt cho máy móc”!

>> Long Thành - Ô nhiễm nặng nguồn nước

Suốt từ năm 1994 đến nay, Cty bột ngọt Vedan (huyện Long Thành, Đồng Nai) đã thiết kế - xây dựng một hệ thống điều khiển hết sức tinh vi để chất thải được xả đi theo ý người vận hành, không qua xử lý. “Công nghệ” bí mật che mắt thế gian này là chôn nhiều đường ống sâu 7 – 8m dưới đất để chất thải “tuôn” thẳng ra sông Thị Vải. Cách “luồn lách” này đã qua mặt được Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cả chục năm trời.

Sông Thị Vải bị “đầu độc” với sự “góp sức” của Vedan
(ảnh do Cục CSMT cung cấp)

Sau ba tháng mật phục, các trinh sát, cảnh sát môi trường và đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TN&MT đã bắt được quả tang Cty Vedan xả trực tiếp nước thải ra môi trường mà “quên” luôn việc xử lý. Hiện trường ghi nhận được là từ 2 khu bể chứa (6.000 - 7.000m3 và 15.000m3) chứa dịch thải lỏng sau sản xuất của 3 Nhà máy thuộc Cty Vedan (Nhà máy sản xuất Lysin, nhà máy sản xuất bột ngọt và nhà máy sản xuất PGA) đã phát hiện một hệ thống van và đường ống kỹ thuật rất tinh vi.

Tại khu vực bể bán âm chứa dịch thải sau sản xuất Lysin (6000-7000m3) Cty đã dày công thiết máy bơm công suất khoảng 350m3/h. Đầu hút máy bơm đặt trong bể chứa chất thải. Đầu ra máy bơm chia thành 3 đường ống, 1 vào khu vực để sản xuất, 1 vào hồ chứa và 1 thì nối với trụ bơm ở cầu cảng số 2 để thải ra ngoài sông. Khi khóa tất cả các van lại, chỉ để van đường ống nối với trụ bơm dẫn ra cầu cảng này mở và vận hành máy bơm thì chất thải từ bể chứa theo đường ống này xả thẳng ra miệng cống và hòa vào sông Thị Vải mà không cần qua khu vực xử lý.

Tại khu vực bể chứa rỉ mật đường (15.000m3) có một hệ thống van đóng mở có thể điểu khiển dòng chất lỏng theo ý người vận hành. Điều đặc biệt, hệ thống ống dẫn này “tinh vi” tới mức chỉ cần một cái lắc tay, hai hệ thống này nhập thành một. Sau khi kiềm tra sơ bộ, đã ước tính được tổng lượng nước thải từ Vedan  ra sông Thị Vải khoảng 5.000m3/ngày (?!).

Được biết, hôm qua 15/9/2008, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo với UBND tỉnh này xung quanh “công nghệ” xả chất thải của Cty CPHH Vedan (Vedan). Trong báo cáo, Sở TNMT Đồng Nai đã nhận định, việc Vedan thiết kế các đường ống kỹ thuật nối từ các bể chứa chất thải và đi ngầm dưới đất, không đặt vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát đã vi phạm điều 82 Luật bảo vệ môi trường. Trong khi đó, theo giấy phép 864/GP-BTNMT ngày 23/4/2008 do Bộ TNMT cấp cho Vedan thì Cty này được phép xả nước thải vào nguồn nước (tất nhiên phải đạt chuẩn).

Trước sự việc trên, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo của UBND tỉnh Đồng Nai thì được một cán bộ cho biết, vụ việc này tỉnh rất quan tâm và sẽ có hướng xử lý quyết liệt sau khi có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, trả lời báo chí lãnh đạo Bộ TN&MT cũng khẳng định, các lực lượng chức năng sẽ quyết tâm làm đến cùng để truy cho ra các đơn vị vi phạm, đang hằng ngày hủy hoại sông Thị Vải và xử lý đến nơi đến chốn. Sau khi có những kết quả sẽ  báo cáo tình hình lên Chính phủ để có giải pháp giải quyết triệt để tình hình gây ô nhiễm.

Điều khiến dư luận quan tâm trong vụ việc này là, tại sao “công nghệ” của Vedan được vận hàng từ năm 1994 đến nay, nhưng Sở TN&MT và ngành chức năng Đồng Nai, cấp cơ sở gần nhất không hề phát hiện ra, cho đến khi Cục Cảnh sát môi trường (C36) vào cuộc?

Trả lời phóng viên hôm qua 15/9, ông Hoàng Văn Thống (Chi Cục trưởng Chi cục BVMT- Sở TN&MT Đồng Nai) cho hay, trung bình một năm Sở lập đoàn 2 lần đi kiểm tra Cty bột ngọt Vedan. Tuy nhiên, chỉ kiểm tra có 1 ngày, những ngày còn lại phải làm hồ sơ báo cáo theo quy định, không đủ thời gian, nhân lực và năng lực để phát hiện ra. “Có lần mình phát hiện một số đường ống thì cán bộ kỹ thuật của họ giải thích là ống bơm nước sông vào để giải nhiệt cho máy móc…!”. Ông Thống nói.

Thế nên từ trước đến nay, Vedan chỉ bị xử phạt hành chính vì nước thải không đạt chuẩn, tổng cộng 4 lần với số tiền vỏn vẹn… 23 triệu đồng! Trong khi đó, tiếng kêu cứu của dân, của CBCNV ở khu vực chịu ảnh hưởng sông Thị Vải thì ngày càng bức thiết.

Với mức độ vị phạm như thế, việc xử lý của các cơ quan chức năng như thế nào? Không thể để những tiền lệ xấu cho những khu công nghiệp khác hủy hoại môi trường sống chung của mọi người.


Quang Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm