Dấu hỏi về trận lụt Bắc Kinh

29/07/2012 08:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Báo chí và người dùng Internet Trung Quốc đã thi nhau đặt ra hàng loạt câu hỏi, sau khi trận mưa lớn chưa từng thấy tại Bắc Kinh trong 60 năm qua đã gây lụt lội nặng nề làm gần 80 người thiệt mạng, với phần lớn các nạn nhân là cư dân sống ở thủ đô của đất nước hơn 1 tỉ dân này.

Cơn bão tấn công Bắc Kinh vào ngày 21/7 vừa qua, với mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều giờ. Tân Hoa xã cho biết lượng nước mưa lên tới 460mm đã đổ xuống quận Fangshan ở Bắc Kinh và trung bình thủ đô này phải hứng chịu lượng mưa lên tới 170mm, tức lớn chưa từng thấy trong 60 năm qua.

Những câu hỏi khó trả lời

Hậu quả do trận mưa và lụt gây ra vô cùng lớn. Theo Pan Anjun, Phó phụ trách Trung tâm kiểm soát lụt lội Bắc Kinh, đã có 77 người tại thành phố thiệt mạng.


Nước lũ đã đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân Bắc Kinh

Phần lớn thi thể được tìm thấy ở vùng ngoại ô và nhà chức trách đã nhận dạng được 66 trong số 77 thi thể. 44 nạn nhân trong đó chết vì đuối nước. Số nạn nhân còn lại tử vong vì điện giật, nhà sập, lở đất và khủng hoảng tinh thần.

Ngoài thiệt hại về người, ước tính thiệt hại kinh tế do trận lụt gây ra lên tới 1,5 tỉ USD.

Sau khi nước lũ rút dần, các tờ báo và cộng đồng mạng lập tức chất vấn vì sao thủ đô Trung Quốc lại xử lý lũ kém tới vậy? Vài tờ báo lớn ở Trung Quốc đã công khai chỉ trích hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay là rất kém, thậm chí còn thua hệ thống kênh rạch đã ra đời cách nay hàng thế kỷ, đang bao quanh Tử Cấm Thành và giúp cho khu vực này khá khô ráo sau trận lũ.

Vài triệu người dùng Internet cũng đổ lên các mạng xã hội Weibo, một mô hình mạng tương đương với Twitter của thế giới, chia sẻ cho nhau thấy vô số bức ảnh về cảnh nước lũ tàn phá Bắc Kinh. “Tôi rất sợ trước ý nghĩ mình có thể sa chân xuống một ống cống bị mất nắp đậy” - Reece Ayers, người đang sống ở Bắc Kinh cho biết.

Một người dùng mạng Tencent Weibo tới từ Sơn Đông đã đặt dấu hỏi vì sao với tư cách một thành phố Olympic, hệ thống thoát nước của Bắc Kinh lại tồi tới vậy. Trên mạng Sina Weibo, một cư dân mạng tới từ Thiểm Tây đã kêu gọi người dân Bắc Kinh nên học bơi bởi chính quyền hiện không tạo đủ sự tin cậy. “Hy vọng những người xấu số có cuộc sống hạnh phúc ở kiếp khác. Hãy hy vọng ít nhất trong cuộc sống đó, họ đã có một hệ thống nước thải tốt hơn” - một người dùng Sina Weibo tới từ Giang Tô viết.

Số khác chỉ trích vì hoạt động dự báo thời tiết cũng như cảnh báo thảm họa đã diễn ra kém. “Nếu chúng ta nhận được cảnh báo rằng sẽ có mưa bão, đừng đi ra ngoài, có thể chúng ta đã tránh được một số thảm họa” - một người dùng Sina Weibo ở Jilin chất vấn.

Ngay cả tờ Thời báo Hoàn cầu cũng chỉ trích việc giới chức địa phương xử lý khủng hoảng kém. “Các thành phố ở Trung Quốc có vẻ như chưa được thực hành trong việc đối phó các thảm họa giống trận mưa lớn diễn ra hôm thứ Bảy” - tờ báo viết - “Nếu quá nhiều sự hỗn loạn đã xuất hiện tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc (dù chỉ sau một trận mưa lớn),  thì tình hình ở các nơi khác chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều”.

Hậu quả của hiện đại hóa quá nhanh

Mặc dù các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ngoài rìa Bắc Kinh, tuy nhiên quy mô của thảm họa đã khiến Trung Quốc bẽ mặt, bởi người ta không nghĩ chuyện như thế này có thể xảy ra ở thủ đô đất nước hơn 1 tỉ dân.

Đã có những nhận định cho rằng trận lũ gây hậu quả nặng nề là do Bắc Kinh tiến hành hiện đại hóa quá nhanh, trong khi lại bỏ quê các cơ sở hạ tầng cơ bản như hệ thống thoát nước. 


Và gây thiệt hại kinh tế nặng nề

Được biết thành phố Bắc Kinh đã đổ hàng chục tỉ USD vào việc hiện đại hóa, gồm xây những đại lộ mang tính biểu tượng phục vụ cho Olympic 2008, sân bay lớn thứ 2 thế giới, các đường tàu điện ngầm mới và các tòa cao ốc chọc trời tráng lệ. Nhưng trong khi những thứ này mọc lên thì hệ thống thoát nước vẫn dậm chân tại chỗ.

Tờ Thời báo Hoàn cầu nói rằng trên phương diện công nghệ thoát nước chống lụt, Trung Quốc đang tụt hậu hàng chục năm so với các nước phát triển. Một người dùng tên Wen Hui  trên mạng Sina Weibo thì ví von: “Hệ thống thoát nước ở Roma được xây dựng cách đây 2.500 năm và tới giờ người ta vẫn dùng nó. Anh có thể lái một chiếc xe hơi chạy xuyên qua nó. Trong khi liệu một con chó có thể chui lọt các ống thoát nước thải ở Bắc Kinh không?”.

Ngoài việc các cống thoát nước có kích cỡ nhỏ, tờ Nhân dân Nhật báo trích nguồn một cuộc điều tra cho thấy khoảng nửa số cống thoát nước ở đây còn bám dính đầy bùn đất và chúng đã lấp từ 10 - 50% đường kính các ống cống này.

Wang Hao, một chuyên gia ở Viện nghiên cứu Nguồn nước và Thủy điện Trung Quốc, nói rằng việc hơn 80% các con đường ở Bắc Kinh được phủ các vật liệu không thể thấm hoặc khó thấm như bê tông và nhựa đường asphalt sẽ làm giảm khả năng tiêu nước mưa. Còn theo Sheng Minzhi, kỹ sư tại Cục kế hoạch Hàng Châu, việc xây nhiều tòa cao ốc và bãi đỗ xe ngầm sẽ làm giảm tốc độ ngấm nước mưa vào lòng đất.

Nhưng cũng có người bênh vực chính quyền, đánh giá trận mưa vừa diễn ra là lớn chưa từng thấy và nằm ngoài khả năng kiểm soát. “Chỉ trong có một ngày, lượng nước đổ xuống đã bằng với lượng mưa trong vòng 6 tháng ở Bắc Kinh” - Zhang Junfeng, một kỹ sư cao cấp ở Bộ Giao thông Vận tải đánh giá - “Chẳng có hệ thống thoát nước nào có thể chịu được cơn mưa lớn tới nhường ấy".

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm