Châu Âu được gì dưới “tấm khiên” của NATO?

22/05/2012 11:03 GMT+7 | Trong nước



(TT&VH) - Cuối tuần rồi, trong khuôn khổ một hội nghị diễn ra ở Chicago, NATO thông báo hệ thống phòng thủ tên lửa mới của họ đã chạm tới ngưỡng "hoạt động tạm thời".

Như thế có nghĩa giai đoạn đầu trong chương trình lá chắn tên lửa gây tranh cãi nhằm bảo vệ lãnh thổ NATO chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo đã thành công. Nhưng liệu NATO sẽ thu được gì từ chuyện này.

Hệ thống phòng thủ toàn diện

Ngày 20/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen tuyên bố lá chắn tên lửa ở châu Âu đã đi vào hoạt động trong giai đoạn đầu tiên, trước khi hướng tới mục tiêu lâu dài là “bao phủ toàn bộ và bảo vệ tất cả dân số, lãnh thổ, các lực lượng châu Âu thuộc NATO”.

Lâu nay giới chức NATO nói rằng họ chứng kiến sự lan rộng của công nghệ tên lửa đạn đạo và bày tỏ lo ngại có ngày nào đó, một kỹ thuật chế tạo tên lửa với khả năng đe dọa các nước trong khối, sẽ rơi vào tay đối thủ nguy hiểm như Iran. Người ta chỉ ra việc Iran tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, và những khoản đầu tư đều đều rót vào lực lượng tên lửa, là bằng chứng cho thấy việc cần thiết phải tạo ra một lá chắn tên lửa.

Tuy nhiên một chuyên gia về công nghệ phòng thủ tên lửa, giáo sư Theodore Postol ở Viện Công nghệ Massachusetts, nói rằng các đe dọa đã bị thổi phồng. "Mối đe dọa về lâu dài và mang tính nền tảng từ phía Iran luôn nằm ở vấn đề vũ khí nguyên tử. Nhưng giờ thì Iran không có món đồ chơi đó. Một quả tên lửa đạn đạo không có đầu đạn hạt nhân, cũng giống như một kẻ đánh bom tự sát quên mang áo vét thuốc nổ vậy" - ông nói.

Vì lý do này, ông tin rằng hiện chưa có bất kỳ mối đe dọa thực thụ nào từ các quả tên lửa đạn đạo của Iran đối với binh lính, các thành phố, nhà máy lọc dầu của NATO. Những quả tên lửa thông thường đơn giản là không mang đủ lượng thuốc nổ để gây thiệt hại trên diện rộng và họ cũng không có phương tiện để tấn công chính xác các mục tiêu như phương Tây.

Một cuộc bắn thử tên lửa đánh chặn SM-3, thành phần không thể thiếu trong lá chắn tên lửa NATO ở châu Âu

Nhưng ý kiến chuyên gia không thể thay đổi quyết định của 28 nước thành viên NATO. Chương trình phòng vệ ban đầu được NATO giới thiệu lần này sẽ gói gọn trong một hệ thống sau: một mạng lưới vệ tinh cảnh báo sớm do Mỹ điều hành và các rađa  cực mạnh X-Band đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện bất kỳ vụ bắn tên lửa đạn đạo nào trong khu vực. Ít  nhất một tàu chiến Mỹ trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis sẽ triển khai ở Địa Trung Hải, với khả năng bắn hạ các quả tên lửa bay tới châu Âu. Một số nước thành viên châu Âu cũng sẽ cung cấp thêm các yếu tố phòng thủ phụ từ kho vũ khí hiện nay của họ. Đơn cử như Đức và Hà Lan sẽ huy động các tên lửa Patriot để tăng cường hệ thống.

Theo thời gian, lá chắn tên lửa của NATO sẽ bổ sung thêm nhiều tàu chiến trang bị công nghệ Aegis. Ngoài ra, hai khẩu đội tên lửa đánh chặn SM-3 đặt trên mặt đất cũng đã được lên kế hoạch triển khai ở Romania và sau đó là Ba Lan. 

Bài toán với người Nga

Tuy nhiên không phải ai ở châu Âu cũng mặn mà với lá chắn của NATO. Nga là một trong những nước phản đối mạnh mẽ nhất và đã đe dọa sẽ có những hành động trả đũa kế hoạch này.

Các viên tướng Nga còn tính tới chuyện điều tên lửa Iskander với khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào các điểm phòng thủ tên lửa của NATO ở Romania và Ba Lan.

Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie  ở Moskva là một trong những người quan sát kỹ nhất về các thay đổi mang tính chiến lược ở Nga. "Nga xem lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lăng kính toàn cầu" - ông nói và cho biết dưới góc độ này, lá chắn tên lửa có thể làm giảm khả năng răn đe hạt nhân của Nga và gây mất cân bằng trật tự thế giới.

Giáo sư Kay nói rằng việc Nga đưa ra lời đe dọa nhằm vào NATO không phải chuyện hiếm. Trong quá trình NATO mở rộng thêm thành viên, người Nga cũng đã nói về khả năng "rải bom hình nấm" lên lãnh thổ đồng minh NATO.

Nhưng trên vấn đề lá chắn tên lửa, NATO chưa chịu lùi bước trước Nga. Tổ chức này đã từ chối đề nghị cùng tham gia điều hành lá chắn tên lửa do Moskva đưa ra và chỉ chấp nhận đôi bên có sự hợp tác ở mức độ nhất định.

Tấm lá chắn mục?

Giới chức NATO cũng rất tin tưởng lá chắn tên lửa là một sự đầu tư khôn ngoan và hiệu quả. Đầu tháng này Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đã tiến hành một cuộc bắn thử rất thành công phiên bản cải tiến của loại tên lửa Standard-3 (SM-3), vốn là yếu tố nòng cốt trong cấu trúc lá chắn tên lửa NATO.

Nhưng không phải ai cũng tự tin như vậy. "Tên lửa đánh chặn SM-3 mới chỉ được thử nghiệm trong các tình huống ngoài chiến trường. Trong các cuộc thử đấy, người ta đã bỏ ra nhiều nỗ lực để loại bỏ mọi yếu tố mang tính trở ngại, có thể ngăn cản hoạt động của hệ thống tiêu diệt bên trong SM-3. Vì lý do này và các lý do khác, tôi có thể kết luận rằng nếu SM-3 được sử dụng trong chiến tranh thật sự, nó sẽ là một sự thất bại thảm hại" - giáo sư Postol nói.

Ông cũng nhắc tới một tác động tai hại của lá chắn tên lửa là dù hệ thống không hoạt động, kẻ thù vẫn xem như nó vô cùng hiệu quả. Hậu quả là một bên gần như không có khả năng phòng thủ tên lửa, trong khi bên kia lại tích cực tạo nên các vũ khí tấn công có thể xuyên qua mọi loại lá chắn tên lửa.

Tường Linh (Theo BBC)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm