Hợp đồng “khai mỏ” thiên thạch

29/04/2012 14:05 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Trong khi nhân loại còn băn khoăn tìm cách chinh phục những thiên thể khác ngoài Trái đất thì một công ty ở Mỹ đã gây sốc khi tuyên bố họ có kế hoạch khai thác khoáng sản hiếm từ thiên thạch, và khẳng định đây là hướng đi duy nhất để cứu vãn nhân loại.

Nếu ai nghĩ tuyên bố nêu trên của công ty Planetary Resources, có trụ sở tại Bellevue, Washington, là trò đùa nhạt nhẽo thì họ nên nghĩ lại. Công ty nói rằng ý tưởng "độc" của họ đã nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính của các quản trị viên cao cấp trong tập đoàn Google là Larry Page và Eric Schmidt bên cạnh nhà làm phim nổi tiếng James Cameron.

Quẳng kính viễn vọng lên quỹ đạo để tìm thiên thạch

Đồng sáng lập viên Planetary Resources,  Peter Diamandis, cũng là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực du lịch vũ trụ

Và dù chưa khai thác được mảnh quặng nào từ thiên thạch, công ty khẳng định họ đã kiếm được tiền.

Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên tạp chí Forbes, đồng sáng lập Planetary Resources, ông Peter Diamandis, giải thích: "Khi chúng tôi lập ra công ty này, một trong những điều đầu tiên chúng tôi làm là vẽ ra lộ trình khai thác thiên thạch. Theo cách đó, chúng tôi có thể nhận ra ai sẽ hứng thú với những thứ mình đang phát triển. Chúng tôi hiện đã có hợp đồng làm ăn với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), một số công ty tư nhân và vài cá nhân nổi tiếng".

Giai đoạn đầu trong các kế hoạch của Planetary Resources là việc cho ra đời Arkyd 100. Đây là một loại tàu vũ trụ giá rẻ sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghiệp, được trang bị kính viễn vọng và cảm biến điều khiển từ xa. Chúng sẽ được phóng lên sau 18-24 tháng tới. Trong lần thử nghiệm đầu, công ty có thể phóng thử nửa tá các kính viễn vọng di động này vào quỹ đạo thấp của Trái đất.

Để tiết kiệm chi phí, chúng sẽ bay kèm trên một chuyến bay vào vũ trụ đã được lên kịch bản trước. Kỹ sư trưởng của Planetary Resources, Chris Lewicki, nói rằng công ty hiện đã đàm phán với vài nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa.

Đưa các kính viễn vọng trên vào Trái đất sẽ mang tới vài cơ hội kinh doanh "nóng" cho Planetary Resources. Khi ở trong quỹ đạo, chúng đã có thể phát hiện và theo dõi các thiên thạch bay gần Trái đất.

Arkyd 100 cũng sẽ được trang bị các cảm biến giúp kiểm tra kích cỡ, đánh giá quỹ đạo thiên thạch và sử dụng ánh sáng để ước lượng thành phần hóa học của thiên thạch. Ngoài ra, các kính này cũng có thể quay ngược xuống để quan sát Trái đất. Thông tin do chúng thu được sẽ có thể bán cho các trường đại học, công ty và chính phủ trên khắp thế giới. Ngoài ra, công ty cũng sẽ cân nhắc việc đưa Arkyd ra bán trên thị trường, với mức giá rẻ, chỉ "1 con số với đuôi triệu đô".

Thực hiện từng bước

Một khi công nghệ với loạt Arkyd 100 hoàn tất, công ty sẽ phát triển Arkyd 200. Đây là các con tàu được trang bị thiết bị tốt hơn và được phóng lên quỹ đạo cao hơn để theo dõi các thiên thạch. Nó cũng có hệ thống tạo lực đẩy riêng để di chuyển qua nhiều vị trí khác nhau.

Khía cạnh có thể mang ra kinh doanh của Arkyd 200 là tiềm năng liên lạc trong vũ trụ. Theo Lewicki, người từng làm việc cho NASA trên một số dự án tàu thăm dò sao Hỏa, mạng liên lạc trong vũ trụ hiện đã 50 tuổi, chủ yếu dựa vào sóng radio và các ăng ten khổng lồ nằm ở Trái đất. Với Arkyd 200, công ty hy vọng sẽ tạo ra một mạng lưới liên lạc nhỏ, dùng ít điện, sử dụng giao thức quang học, cho chất lượng liên lạc tốt hơn.

Hình ảnh mô phỏng hoạt động của các tàu vũ trụ tự hành Arkyd trong việc xác định thiên thạch nào chứa quặng hiếm có giá trị kinh tế cao

Giai đoạn gần cuối của Planetary Resources là các tàu Arkyd 300. Vài tàu này sẽ được phóng lên theo nhóm và chúng sẽ có nhiệm vụ xác định xem liệu thiên thạch nào là phù hợp để đầu tư khai thác. "Một trong các tàu rô bốt này làm nhiệm vụ giữ thông tin với Trái đất, trong khi các rô bốt kia chụp ảnh và phân tích dữ liệu thu được từ thiên thạch" - Lewicki giải thích.

Ông cho biết thêm, việc dùng tàu vũ trụ rô bốt theo nhóm sẽ giảm thiểu nguy cơ thất bại.

Nhưng ngoài 3 giai đoạn kể trên, Planetary Resources nói khá ít về phần cuối: họ sẽ khai thác các thiên thạch ra sao. Công ty cho biết hiện họ vẫn nghiên cứu để tìm ra một phương thức khai thác thiên thạch hiệu quả, nhưng khẳng định đã rất nhiều người có các công trình khoa học liên quan tới việc này và khai thác khoáng sản từ thiên thạch không quá khó khăn.

Kỳ vọng thay đổi thế giới

Tuy nhiên cái nhìn lạc quan của Planetary Resources đã vấp phải sự nghi ngờ từ giới khoa học.

Không ít người cho rằng kế hoạch của công ty hơi mạo hiểm và đắt đỏ. Họ không thể tìm ra cách nào để thấy chúng sẽ hiệu quả về mặt kinh tế, dù các nguyên liệu hiếm như vàng và bạch kim hiện đang có giá cao ngất ngưởng. Họ chỉ ra rằng một nhiệm vụ của NASA vốn mang về Trái đất có 60 gram thiên thạch, cũng đã tiêu tốn tới cả tỉ đô la.

Tim Spahr, giám đốc Trung tâm tiểu hành tinh ở Đại học Harvard nói rằng việc đưa các thiết bị khoan phá vào vũ trụ là ý tưởng "đắt đỏ và khó khăn". "Kiếm tiền bằng cách này thật dở tệ" - ông nói.

Ngoài ra giới quan sát cũng chỉ ra rằng, một khi khai thác thành công thiên thạch, Planetary Resources có thể sẽ "tự bắn vào chân mình". Đó là do họ đưa một lượng lớn khoáng hiếm ra thị trường, chúng sẽ không còn hiếm nữa. Giá chúng sẽ giảm và công ty mất lợi nhuận.

Trước những nghi ngờ này, Lewicki đã lên tiếng phản bác. "Chúng tôi phải thừa nhận rằng đây là một hành trình dài. Dù rằng chúng tôi có sự ủng hộ của những người cấp vốn giàu có, việc ném tiền của họ qua cửa sổ là thiếu trách nhiệm. Chúng tôi đang gây dựng một hoạt động làm ăn nghiêm túc, chứ không phải gây sốc" - ông nói - "Hiển nhiên khi làm ăn, mọi chuyện sẽ phải theo quy luật cung và cầu. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với rủi ro như mọi công ty khác. Nhưng nếu chúng tôi có thể mang lại các vật liệu phục vụ tốt nhất cho con người và lúc nào những vật liệu này cũng có sẵn, rõ ràng chúng tôi sẽ giúp thay đổi thế giới".

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm