Hỗn loạn đẩy Syria vào tình trạng nồi da nấu thịt

10/04/2012 11:46 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Trong khi chính phủ Syria bị một số tổ chức cáo buộc vi phạm nhân quyền khi trấn áp lực lượng chống đối ở đây, thì phóng viên tờ Der Spiegel đã chỉ ra rằng phe nổi dậy cũng ghê gớm không kém, khi có cả một lực lượng đao phủ riêng, sẵn sàng tước đi mạng sống của những kẻ không may rơi vào tay họ, tình trạng này đang đẩy đất nước Syria vào cảnh nồi da nấu thịt.  

Hussein không thể nhớ chính xác thời điểm lần đầu tiên anh ta giết ai đó là khi nào. Đó có thể là một lần anh dẫn nạn nhân vào nghĩa địa vào mờ sáng, hoặc ban đêm ở thành phố Homs. Có điều anh nhớ rõ rằng việc này xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái và người đàn ông kia theo dòng Hồi giáo Shiite.

Đao phủ của quân đội chống đối

Kẻ bị hành quyết đã thừa nhận tội sát hại những người phụ nữ có chồng đang chiến đấu chống chính quyền Syria. Vì thế lực lượng chống đối quyết định rằng người đàn ông này, vốn là một quân nhân của chính phủ, phải đền mạng.

Hussein không quan tâm liệu có phải “kẻ phạm tội” đã bị tra tấn tàn bạo tới mức phải thừa nhận tội lỗi, hay do sợ chết nên đã nhận tội bừa để mong được sống. Anh ta chỉ biết rằng cần phải đoạt mạng nạn nhân.

Đao phủ Hussein giấu mặt trong cuộc trò chuyện với phóng viên tờ Der Spiegel

Trong cái ngày định mệnh đó, Hussein đã bước tới gần nạn nhân, móc ra con dao quân dụng của anh ta và cắt một nhát sâu hoắm vào cổ người đàn ông đang quỳ gối run rẩy trước mắt. Tiếp đó, các đồng đội của Hussein đứng gần vội vã vùi thi thể đẫm máu của nạn nhân trong những đống cát nằm tại nghĩa trang ở khu vực Baba Amr, ngay cần cứ điểm Homs. Vào thời điểm đó, các khu vực này vẫn nằm trong tay phe chống đối.

Cuộc hành quyết đầu tiên giống như đã mở ra con đường mới cho cuộc đời của Hussein. Anh ta trở thành thành viên lữ đoàn mai táng Homs. Những người đàn ông này đã tiến hành các vụ giết chóc nhân danh cuộc “nổi dậy” ở Syria. Họ để hoạt động tra tấn cho những kẻ khác thực hiện và chỉ đảm nhận mỗi việc tước đi mạng sống của những kẻ kém may mắn.

"Họ (lữ đoàn tra tấn) sẽ làm các công việc ngu ngốc” - Hussein, hiện đang chữa bệnh ở thành phố Tripoli của Libya cho biết... Anh ta bị thương khi một mảnh đạn pháo cắm vào lưng trong cuộc tấn công của quân đội hồi đầu tháng 3. Anh ta hiện đang phục hồi nhanh ở Lebanon cho tới khi có thể trở lại Syria và sẽ “làm việc” trở lại.

Bạo lực nảy sinh bạo lực

Bản thân Hussein coi công việc anh ta đang làm là sạch sẽ. "Phần lớn những kẻ khác có thể tra tấn người khác, nhưng họ không có gan giết người ở cự ly gần” - Hussein  nói - “Tôi không biết tại sao, nhưng việc giết người chẳng khiến tôi bận tâm lắm. Đó là lý do vì sao họ giao cho tôi nghề đao phủ. Nó dành cho kẻ hơi điên như tôi".

Trước khi Hussein gia nhập Lữ đoàn Farouk, người đàn ông 24 tuổi này làm nghề kinh doanh. "Tôi bán mọi thứ, từ đồ gốm tới sữa chua” - ông nói. Cuộc bạo loạn diễn ra chống lại chính quyền Syria đã kéo dài cả năm nay và câu chuyện của Hussein cho thấy những người thuộc lực lượng đối lập không “sạch sẽ” như họ tuyên bố.

Có rất nhiều lý do để việc này diễn ra. Hussein giải thích nguyên nhân do sự thiếu luật pháp: "Chẳng còn quy định nào ngự trị ở Syria nữa. Binh lính và các tay tội phạm thả sức giết người và cưỡng hiếp trẻ em của chúng tôi. Nếu chúng tôi không giết chúng, sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cho các tội ác”.

Một lý do khác là khao khát trả thù trong người Hussein. “Tôi đã bị bắt 2 lần. Tôi bị tra tấn suốt 72 giờ. Họ buộc tay tôi và treo người tôi lên cao, cho tới khi khớp vai tôi bị rạn. Họ dùng sắt nóng làm bỏng người tôi. Hiển nhiên tôi muốn trả thù” - anh nói và cho biết thêm trong gia đình có 3 người chú bị quân chính phủ giết - “Những kẻ sát hại họ không xứng đáng được thương tiếc”.

Tình hình bất ổn ở Syria

Quan trọng nhất là Hussein tin rằng bạo lực đơn giản là nguồn gốc tự nhiên của xã hội Syria. “Trẻ em Pháp lớn lên cùng tiếng Pháp và học nói tiếng Pháp một cách hoàn hảo” - anh nói - “Những người Syria chúng tôi lớn lên cùng với ngôn ngữ bạo lực. Chúng tôi chẳng nói thứ tiếng nào khác.

Abu Rami, đồng đội của Hussein nói rằng từ mùa Hè năm ngoái, lữ đoàn “mới chỉ hành quyết chưa đầy 150 người, tức khoảng 20% số tù nhân”. Các tù nhân không bị kết tội và kết án tử hình sẽ được quân chống đối dùng để trao đổi tù binh hoặc người biểu tình bị lính chính phủ bắt giữ.

Nhưng theo tờ Spiegel, hoạt động hành quyết ở Homs đang diễn ra ngày càng nhiều, trong đó quân chống đối sát hại người trong hàng ngũ bị xem là phản bội nhiều hơn hẳn việc giết tù nhân. "Nếu chúng tôi tóm được một gã Hồi giáo Sunni làm gián điệp hay một công dân phản lại cuộc nổi dậy, chúng tôi sẽ xử rất nhanh” - Rami nói. Theo anh này, lữ đoàn mai táng đã xử tử từ 200-250 “kẻ phản bội” kể từ đầu cuộc nổi dậy.

Nhưng bất chấp mọi sự giải thích của quân chống đối, hành động của Hussein vẫn nằm trong định nghĩa vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên những chỉ trích đã vấp phải sự phản đối của Hussein và các đồng đội của anh ta. Họ nói rằng giết chóc, tra tấn chỉ là công việc phải làm. "Chúng tôi, những người chống đối đang tìm cách bảo vệ nhân dân. Chúng tôi chống lại những kẻ giết người. Khi chúng tôi tóm được chúng, chúng tôi phải tấn công thật mạnh nhằm vào chúng” - một chiến binh có biệt danh Abu Rami nói.

Một hệ thống công lý thay thế

Trong vòng năm ngoái, Homs đã là thủ đô của một cuộc “nổi dậy” không chính thức. Cho tới cách nay vài tuần, quân chống đối đã kiểm soát khu vực xung quanh thành phố, nhất là Baba Amr. Nhưng khu vực này bị binh lính chính phủ chiếm lại hồi đầu tháng 3.

Theo Abu Rami và Hussein, hệ thống pháp luật thay thế mà quân chống đối thành lập ở Homs từ tháng 8 năm ngoái vẫn còn nguyên vẹn.

"Khi chúng tôi tóm được những kẻ ủng hộ chính quyền, chúng tôi sẽ đưa chúng ra trước tòa án binh” - Hussein nói. Lữ đoàn thẩm vấn, sau quá trình tra tấn và hỏi cung, sẽ báo cáo lời thú tội của những kẻ bị buộc tội. Theo lời họ, các nghi phạm vẫn hay lưu các đoạn video có cảnh họ thực hiện hành vi giết chóc chống lại quân chống đối. Trong tình huống đó, tội lỗi của họ sẽ được xác định rất nhanh. Sau khi bị buộc tội, các tù nhân sẽ được chuyển cho lữ đoàn mai táng của Hussein, vốn có trách nhiệm đưa họ tới khu vườn hoặc nghĩa trang nào đó. Và rồi Hussein sẽ đi cùng họ với con dao sắc lẹm cầm trong tay.

Hussein kể rằng anh ta mới chỉ cắt cổ có 4 người. Trong nhóm các đao phủ ở Homs, anh ta là người ít kinh nghiệm nhất. Hussein giải thích chuyện này do nguyên nhân khách quan. “Tôi bị thương 4 lần trong 7 tháng qua. Tôi đã không hoạt động trong một thời gian dài." - Hussein nói và cho biết thêm - “Tôi đang điều khiển một khẩu súng máy hạng nặng, loại KBC của Nga. Bình thường tôi đã giết rất nhiều người với vũ khí đó, nhưng mới chỉ có 4 gã với con dao của tôi. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi. Tôi hy vọng sẽ có thể ra viện vào tuần tới. Khi đó quân chính phủ hãy dè chừng tôi”.

Tường Linh (Theo Spiegel)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm