Ghé thăm nơi "hủy diệt" âm thanh

06/04/2012 11:25 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Người ta thường tìm về nơi tĩnh lặng để được hưởng thụ cuộc sống tránh xa những ồn ào. Nhưng có một căn phòng nằm tại Mỹ, sự tĩnh lặng không còn mang tới sự thư thái mà sẽ khiến những ai ở trong nó rất dễ bị ảo giác, trở nên mất kiểm soát bản thân chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Năm 2005, Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận căn phòng cách âm ở phòng nghiên cứu Orfield, Nam Minneapolis, là "nơi tĩnh lặng nhất thế giới".

Không thể chịu được quá 45 phút

Đây là một phòng nghiên cứu độc lập, được thiết kế theo lối sử dụng nhiều căn phòng ghép lại, phòng to chứa phòng nhỏ hơn. Phòng trong cùng sử dụng một bức tường thép lót sợi thủy tinh dày tới 1 mét và nó không tiếp xúc trực tiếp với sàn căn phòng bao bọc mà nằm trên một hệ thống lò xo và khung sắt chịu lực.

Tường của căn phòng này gồm 2 lớp. Lớp bên trong làm từ thép chịu nhiệt  lớn và lớp bên ngoài là bê tông dày 0,3 mét. Kết quả là phòng có khả năng hấp thụ âm thanh lên tới 99,99%.  Mức tiếng ồn ở đây chỉ là -9,4 decibel. Trong căn phòng này, không một tiếng ồn nào lọt vào trong và ngay cả một con chó thính tai nhất cũng như "điếc" với thế giới bên ngoài.

Phải là “siêu nhân” mới có thể ngồi quá 45 phút trong căn phòng đặc biệt này

Nếu ai nghĩ rằng ở một nơi tĩnh lặng là điều tuyệt vời thì họ nên nghĩ lại. Sáng lập viên kiêm chủ tịch công ty,  Steven Orfield, đã tuyên bố với tờ Daily Mail hôm 5/4 rằng: "Chúng tôi thách thức bất kỳ ai có thể ngồi trong phòng cách âm này quá 45 phút trong bóng tối". Ông không hề nói đùa bởi người giữ kỷ lục ngồi lâu nhất trong phòng này, dưới bóng tối, là một phóng viên. "Siêu nhân" này chỉ chịu được sự tĩnh lặng trong 45 phút trước khi phải chui ra.

Orfield cho biết khi không gian trở nên tĩnh lặng, đôi tai con người sẽ đón nhận tốt hơn các âm thanh nhỏ bé mà thường ta không nghe thấy được. "Phòng càng tĩnh lặng, anh càng nghe thấy nhiều. Anh sẽ thấy tim mình đập, thậm chí là phổi của mình phập phùng lên xuống. Anh còn nghe thấy tiếng dạ dày sủi lên to hơn. Trong phòng cách âm, anh chính là âm thanh" - ông nói.

Nhưng đó chưa phải là những gì kinh khủng nhất. Người ta sẽ dễ dàng mất phương hướng và Orfield nói rằng những người thử nghiệm căn phòng này đều được yêu cầu phải ngồi bệt xuống đất. "Bình thường anh định hướng cho bản thân bằng tiếng động nghe thấy khi đi bộ. Trong phòng cách âm, anh chẳng nghe thấy gì cả, khi mắt anh toàn một màu đen. Những âm thanh vốn giúp anh giữ thăng bằng đã không còn. Nếu anh ở trong đó nửa giờ, anh sẽ cần tới một chiếc ghế để đứng vững" - ông nói.

Từ sự mất ngủ do tiếng van tim

Căn phòng cách âm nằm trong một tòa nhà được xây dựng hồi năm 1970 và thuộc sở hữu của studio Sound 80, nơi nổi tiếng vì tham gia ghi một phần album Blood on the Tracks của Bob Dylan hồi năm 1975.  Sound 80 còn thu hút các nghệ sĩ như Dave Brubeck, Prince, Dàn nhạc St. Paul và Lipps, Inc., ban nhạc có ca khúc ăn khách “Funkytown”.

Steve Orfield đã mua nó vào năm 1990 và biến đổi nó từ một studio âm thanh thành phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn liên bang. Năm 1995, ông biến nó thành một phòng nghiên cứu âm và ánh sáng. Riêng căn phòng cách âm không chỉ được chế tạo để thỏa mãn sự tò mò về mặt kỹ thuật mà còn vì những lý do rất riêng tư với ông.

Orfield trong căn phòng tĩnh lặng nhất trái đất của ông

Số là hồi năm 1990, Orfield đã phải phẫu thuật ghép van tim. Tim của Orfield khỏe mạnh trở lại, nhưng quá trình phục hồi vốn kéo dài có 90 ngày đã biến thành 2 năm mất ngủ. Chiếc van tim thường xuyên phát ra tiếng động lích kích khi làm việc đã khiến Orfield gần như phát điên.

Orfield bèn chui vào phòng cách âm, tiến hành một số đo đạc và thấy rằng để át tiếng ồn do van tim phát ra, ông cần một nguồn âm thanh thứ 2 cao tới 82 decibel, tương đương với việc một người thổi kèn lá bên tai ông. Orfield cố thử xử lý vấn đề bằng cách tham gia một khóa điều trị giấc ngủ, bật quạt để che lấp tiếng ồn và thập chí dùng gối bịt tai. Nhưng tới giờ ông vẫn bị tiếng van tim làm phiền.

Không chỉ để ghi kỷ lục

Phòng cách âm này hiện được mọi công ty ở Mỹ sở dụng. NASA dùng nó để các phi hành gia thử thách khả năng chịu đựng của phi hành gia. Họ sẽ phải nằm trong các thùng chứa đầy nước và người ta kiểm tra xem mất bao lâu thì họ bị ảo giác và liệu họ vẫn có thể làm việc khi bị ảo giác hay không. "Không gian giống như một phòng cách âm khổng lồ vậy. Vì thế việc các phi hành gia có thể tập trung là rất quan trọng" - Orfield giải thích..

Ngoài NASA, phòng còn được dùng để thử nghiệm các sản phẩm sẽ tung ra thị trường và nghiên cứu nhiều loại tiếng ồn khác nhau như nhịp van tim, âm thanh trên màn hình của điện thoại di động, âm thanh của các công tắc trên bảng táp lô xe hơi" - ông nói.  Ngoài ra người ta còn dùng phòng này để xác định chất lượng âm thanh. Orfield và đội của ông đã giúp các công ty như nhà sản xuất máy giặt Whirlpool phát triển các âm thanh mà họ muốn chiếc máy phát ra.

Năm 1991, công ty xe máy Harley-Davidson đã tìm tới Orfield để được giúp đỡ. Công ty muốn bán những chiếc xe máy của họ ở châu Âu, nhưng tiếng ồn lại quá lớn so với tiêu chuẩn châu Âu. "Họ biết rằng sẽ phải giảm tiếng pô xe xuống, nhưng như thế khác nào đánh mất thương hiệu" - Orfield nói. Ông cùng các chuyên gia của mình đã ghi lại tiếng nổ của pô xe Harley đã qua chỉnh sửa tại đường cao tốc Talladega Superspeedway ở Alabama, rồi phát đoạn âm thanh dài 20 giây cho những người đi xe Harley ngồi trong phòng cách âm nghe và chấm điểm. Người nghe sẽ bầu chọn âm thanh tiếng pô theo các thang bậc "mạnh mẽ", "yếu ớt", "tĩnh lặng", "ồn ào", "khó chịu" hoặc "truyền năng lượng". Kết quả là nửa số người dùng của  Harley-Davidson đánh giá rất tệ các âm thanh đã chỉnh sửa. Họ nói rằng âm thanh hiện nay của Harley rất tuyệt và không phải chỉnh sửa gì nữa. Nhưng cuối cùng, Harley vẫn phải đổi tiếng pô xe để nó hợp với tiêu chuẩn của châu Âu hồi năm 1998.

Người thường chỉ chịu được tối đa 45 phút trong phòng cách âm, vậy còn Orfield thì sao? Cá nhân ông nói rằng mình có thể ở được tới 30 phút trong căn phòng, bất chấp việc chiếc van tim sẽ phát ra những tiếng ồn khủng khiếp một khi ông ở bên trong.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm