Người Nhật vẫn tìm thân nhân mất tích

10/03/2012 10:04 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Dòng người đổ tới trường tiểu học Okawa bắt đầu đông dần ngay sau bình minh. Ba người đàn ông mặc áo khoác tối màu, đầu  cạo nhẵn, bước ra khỏi chiếc xe hơi cũng màu đen và cúi rạp đầu trước một đài tưởng niệm xây tạm nhắc nhở người ta nhớ tới những chương khủng khiếp nhất trong thảm họa sóng thần Nhật Bản.

>> Chuyên đề: Thảm họa động đất tại Nhật Bản

Theo chân họ là một người phụ nữ gầy gò. Chị châm nén hương, cắm lên đài tưởng niệm rồi bày ra nhiều món đồ nhỏ: những con hạc giấy, đồ chơi và búp bê, một chiếc chuông và những vòng hoa. Bên cạnh chúng là một hòn đá khắc hình một người mẹ đang ôm lấy đứa bé sơ sinh, với dòng chữ: "Hãy bảo vệ những đứa trẻ".


Chị Miho Suzuki  bên đài tưởng niệm tạm dựng tại trường tiểu học Okawa

Sắp hết cơ hội tìm thấy người mất tích

Dòng chữ này có ý nghĩa đặc biệt với Miho Suzuki, người có 2 con nằm trong số 74 học sinh bị sóng thần cuốn đi mất tích hồi tháng 3 năm ngoái, cùng với 10 giáo viên của trường. Thi thể đứa con trai của chị, Kento, được phát hiện sau thảm họa 1 tuần. Nhưng dù đã tìm kiếm suốt một năm qua, Suzuki chưa bao giờ thấy được thi thể của đứa con gái Hana, 8 tuổi.

"Tôi không thể nói khi nào, hay bằng cách nào nỗi đau này sẽ chấm dứt" - Suzuki nói - "Chúng tôi tìm thấy con trai, nhưng cũng muốn đưa bé Hana về. Khi người ta tìm thấy thi thể con trai, ít nhất tôi có thể nắm lấy đôi bàn tay lạnh giá của cháu, và phủi đi bùn đất đọng trên gương mặt nó. Gia đình tôi không thể nhìn về phía tương lai, cho tới khi tìm lại được Hana. Khi cháu trở lại lần nữa, cuộc sống của chúng tôi mới có thể bắt đầu trở lại".

Mỗi ngày, người mẹ khốn khổ này vẫn thực hiện một chuyến "hành hương" nhỏ tới trường tiểu học. Phần khung bê tông cốt thép của trường là một trong số ít những thứ còn trụ vững sau thảm họa sóng thần ở Ishinomaki, nơi có 3.097 người thiệt mạng và 2.770 người vẫn đang mất tích.

Sức mạnh của các cơn sóng thần đã cuốn thi thể những người xấu số dọc theo bãi biển Tohoku, hoặc xa ra ngoài biển cả. Con số người chết chính thức sau thảm họa là 15.854 người, nhưng khoảng 3.274 người khác trong đó 3/4 là người già hơn 60 tuổi, vẫn chưa được tìm thấy cho tới nay.

Cơ hội tìm thấy thi thể họ, giờ chỉ có thể được nhận dạng bởi kỹ thuật di truyền ADN, đang được tính theo từng ngày. Được biết các đội tìm kiếm phát hiện ít nhất 100 thi thể mỗi tháng sau thảm họa. Nhưng tới mùa Thu, số thi thể được tìm thấy chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

"Chúng tôi chưa từng nghĩ tới việc bỏ cuộc"

Tại thị trấn Kesennuma, cảnh sát và nhân viên bảo vệ bờ biển thường xuyên tiến hành kiểm tra khu vực gần bờ, với hy vọng tìm thấy thi thể ai đó còn mắc kẹt trong xe hơi hoặc  các đống đổ nát nằm dưới đáy biển.

Trong buổi sáng ngày 9/3, khi phóng viên tờ Guardian tham gia một đội tìm kiếm dọc theo Sasakaze, các thợ lặn đã phải vất vả chống chọi với nước lạnh và tầm nhìn hạn chế, nhưng cuối cùng họ vẫn phải ra về tay trắng. Từ đầu năm tới nay, chỉ có 2 thi thể được tìm thấy dọc theo bờ biển phía Đông Bắc.

Nhưng giới chức Nhật khẳng định cuộc tìm kiếm vẫn phải tiếp tục. "Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi biết rằng tìm những người bị sóng thần quét ra biển là rất khó khăn" - Hirofumi Onodera, đội trưởng tuần duyên vùng Kesennuma, người có mẹ và con trai cả bị mất tích, thổ lộ - "Nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ tới việc bỏ cuộc, chưa một phút nào".

Trên bờ, Wataru Sato một mình dõi mắt theo hoạt động của những người thợ lặn. Sato, năm nay 68 tuổi, đã dành nhiều tuần để tìm kiếm người chị của mình là Kiyako, vốn bị sóng thần kéo khỏi một cây cầu ở gần đó. "Tôi đã tìm chị ấy trong suốt 50 ngày sau thảm họa, rồi nhận ra mình đang làm việc vô ích. Nhưng tới giờ, tôi vẫn chưa thể làm quen được với một thực tế rằng có thể mình đã vĩnh viễn mất chị" -  Sato nói và cho biết ông đã mất tới 10 thành viên trong gia đình.

Cuộc tìm kiếm thi thể những người mất tích vẫn tiếp tục, trong điều kiện khung cảnh vùng bờ biển đã có những thay đổi lớn lao. Các bức ảnh chụp trước và sau thảm họa cho thấy chính quyền các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima đã dọn dẹp rất nhanh các thành phố, thị trấn và những ngôi làng vốn đầy đống đổ nát. Những khu vực từng chứa đầy các mảnh vụn vỡ nát từng là các ngôi nhà, những chiếc xe méo mó, những chiếc thuyền gãy làm nhiều mảnh, giờ chỉ còn là các khoảng trống vắng lặng. Các khu tưởng niệm dựng tạm bằng đá mọc lên khắp trên những vùng đất hoang vắng này, vốn là nơi đã tồn tại những ngôi nhà, cửa hàng, cửa hiệu, trường học.

Ngổn ngang công cuộc tái thiết

Nhưng tại khu vực bờ biển Đông Bắc, mới chỉ có 6% đống đổ nát được dọn dẹp, chôn lấp hoặc thiêu hủy. Các khu vực khác ở Nhật Bản đã từ chối giúp xử lý rác rưởi tại đây do sợ nhiễm bụi phóng xạ. Bộ trưởng Môi trường Goshi Hosono phải thừa nhận với tiến độ hiện nay, việc dọn dẹp rác rưởi các loại chỉ có thể hoàn tất vào tháng 3/2014, một điều ông không hề mong muốn.

Trong khi đó, giới chức địa phương vẫn đang tranh cãi về việc liệu có nên tái thiết các khu vực vốn đã được chứng minh là dễ bị sóng thần hủy diệt? Cho tới nay, chưa một cộng đồng nào bị thảm họa ảnh hưởng đã đệ trình những kế hoạch cần thiết để tái xây dựng sâu vào trong đất liền hoặc tại những vùng đất cao hơn. Họ viện lý do thiếu nguồn lực, thiếu đất và lòng dân không thuận theo.

Cũng theo một cuộc khảo sát, chỉ một nửa trong số 6,7 ngàn tỉ yen (khoảng 82 tỉ USD) tiền ngân sách tái thiết được thông qua hồi năm ngoái đã được tiêu. Trong số này mới có chưa đầy 3% được dùng để sửa các con đường, đê biển và kênh thoát nước. Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang tăng cao, nhưng ít có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động xây dựng sau thảm họa sẽ bùng nổ, dù Chính phủ đã cam kết đổ ít nhất 19 ngàn tỉ yen để định hình lại vùng bờ biển.

Trong khi hoạt động tái thiết diễn ra chậm, hơn 330.000 người vẫn đang phải sống trong các khu ở tạm. Hàng ngàn người khác, chủ yếu là thanh niên, đã rời đi tìm việc khác, tại các thành phố lớn như Tokyo và Sendai. Với những người già ở lại, cuộc sống bị xáo trộn và cảnh không nhà cửa khiến họ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như áp huyết cao, viêm phổi và bệnh tim. Áp lực về tinh thần tăng cao cũng khiến không ít người Nhật tìm tới giải pháp tự sát cho nhẹ nợ.

Những vết thương khó lành

Tại những vùng như Ishinomaki, hiện người dân ngại nói về tương lai, chừng nào vết thương của họ chưa lành. Và thực tế thì vết thương lòng ấy khó có thể lành sớm.

"Một số bậc phụ huynh muốn giữ lại một phần của ngôi trường làm nơi tưởng niệm thảm họa" - Naomi Hiratsuka, người có con gái 12 tuổi bị sóng cuốn đi - "Cá nhân tôi muốn nó phải bị phá hủy. Có người muốn thay ngôi trường bằng một công viên. Nhưng liệu có ai muốn con cái mình chơi ở những chốn gợi lại nỗi buồn như thế này".

Cách chỗ chị Hiratsuka đứng không xa, lực lượng tìm kiếm vẫn cần mẫn sục sạo một con sông để tìm người mất tích. Nhưng Hiratsuka nói rằng người ta chỉ diễn trò. "Nhà chức trách muốn người ta thấy mình vẫn đang tỏ ra có trách nhiệm trong lễ kỷ niệm 1 năm thảm họa. Khi thảm họa xảy ra, tôi dành cả tháng để đề nghị họ mở cuộc tìm kiếm các nạn nhân. Nhưng phải mất tới gần 1 năm trôi qua và họ chẳng làm gì" - chị nói.

Người phụ nữ mảnh dẻ này đã tự xin giấy phép đào bới để tìm xác con, vốn được chị phát hiện hồi mùa Thu năm ngoái, và hiện vẫn đang giúp đỡ các gia đình khốn khổ khác. "Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa những người mất tích về với gia đình" - chị nói -"Người ta nhìn quanh đây và nghĩ rằng mọi thứ đã thay đổi một năm sau thảm họa. Nhưng thực sự chẳng có gì thay đổi, chừng nào những người mất tích vẫn còn nằm ngoài kia và chưa được đưa về với gia đình".

Tường Linh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm