Từ những chuyến đi

26/02/2012 18:27 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thăm Mỹ. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đến đảo Cyprus. Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách phát triển có mặt ở Myanmar và phái đoàn thương mại đầu tiên của Ấn Độ trong nhiều năm. Thế giới đã thay đổi khá nhiều sau một tuần lễ của những chuyến đi sôi động.

Ngoại giao nhân dân

Ông Tập Cận Bình, người được chờ đợi sẽ lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai, dù rất bận rộn với nhiều sự kiện trọng đại ở Mỹ, những cuộc gặp gỡ cấp cao, những vấn đề to lớn có ảnh hưởng tới toàn cầu, vẫn dành thời gian một tiếng đồng hồ ghé thăm những người bạn cũ ông từng gặp ở thị trấn hẻo lánh Muscatine, bang Iowa.

PCT Tập Cận Bình gặp TT Obama trong chuyến thăm Mỹ

Hai mươi bảy năm trước, khi mới 31 tuổi và mới là một quan chức hàng tỉnh, ông Tập từng đến đây thăm thú. “Tôi nghĩ ông ấy là một người dễ gần, vui tính và lịch thiệp”, bà Eleanor Dvorchak, chủ nhân ngôi nhà cũ mà ông Tập đã ở lại hồi năm 1985, nói. “Một người đẹp trai trẻ tuổi, giờ đã già, nhưng ông vẫn còn điển trai lắm. Thật vui được đón ông ấy một lần nữa ở nhà mình”.

Khi đó, ông Tập tới Iowa trong một đoàn đại biểu để học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp của Mỹ. Ông ở cùng gia đình bà Dvorchak, lúc đó có hai con trai đang học đại học và một cô con gái 13 tuổi, nhận được sự tiếp đón trọng thị và đầy tình cảm. Những kỷ niệm đẹp của gần ba thập kỷ trước đó có thể có ích cho quan hệ bang giao Mỹ-Trung vốn đầy trắc trở hiện giờ.

Ông Tập không phải là chính khách duy nhất từng thuộc diện trao đổi văn hóa ở Mỹ, với chiến lược ngoại giao nhân dân rất được Washington coi trọng. Ông Ban Ki Moon, đương kim Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, người Hàn Quốc, từng là sinh viên trao đổi ở California năm 1962, khi mới 18 tuổi. Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, một người Pháp, đã học đại học ở một trường tư tại Bethesda, Maryland, nơi bà giúp việc cho nghị sĩ Mỹ William S.Cohen vào năm 1974. Đương kim Phó thủ tướng Anh Nick Clegg, trải qua năm học 1989 ở Đại học Minnesota, rồi sau đó làm việc cho hãng Christopher Hitchens tại New York…

Ông Tập cũng không phải là lãnh đạo cấp cao duy nhất của Trung Quốc từng có những chuyến thăm Mỹ đáng nhớ khi còn trẻ. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, sang Mỹ năm 1988 khi mới 33 tuổi. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan hiện giờ, Mã Anh Cửu, cũng đã ở Mỹ vào đầu những năm 1970, khi mới 21 tuổi, theo một chương trình học bổng của Bộ Ngoại giao ở Đại học New York và khoa Luật Đại học Harvard.

Chuyến đi lịch sử

Chuyến thăm của Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tới đảo Cyprus vào thứ Năm tuần trước là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Israel tới hòn đảo láng giềng ở rất gần họ này.

Dù chỉ cách Tel Aviv 50 phút đi máy bay, quan hệ giữa Cyprus và Israel đã đóng băng một thời gian dài do Nicosia ủng hộ Palestine trở thành một nhà nước độc lập và lo ngại về sức mạnh của quân đội Israel cũng như các quan hệ thương mại với một cường quốc khác trong vùng, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không công nhận Cyprus là một nhà nước độc lập và chiếm đóng miền Bắc hòn đảo này từ năm 1974.

Thủ tướng Israel được đón tiếp tại sân bay Cyprus

Nhưng quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã xấu đi nghiêm trọng trong thời gian qua, trong khi Cyprus cần những mối liên hệ mới trước sức ép và ảnh hưởng ngày càng gia tăng từ Ankara, nhất là trong bối cảnh đồng minh quan trọng nhất của họ, Hy Lạp, đang mắc kẹt trong các vấn đề quốc nội của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất lịch sử.

Một cây cầu nối khác đầy triển vọng cho quan hệ Israel-Cyprus là việc phát hiện một mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ ở Địa Trung Hải. Công ty Mỹ Noble Energy hiện đang dẫn đầu các nỗ lực thăm dò ở thềm lục địa hai nước. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ phản đối với các việc thăm dò và khai thác mỏ khí đốt và tuyên bố chủ quyền thuộc về vùng miền Bắc Cyprus thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Ankara thậm chí đã cử các tàu thăm dò có tàu chiến hỗ trợ tới vùng biển Nam Cyprus, gây ra sự chỉ trích từ chính quyền Cyprus - Hy Lạp rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện “ngoại giao tàu chiến”.

Hòa giải bằng thương mại

Sau gần ba thập kỷ mới có một chuyến thăm của một Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ sang Pakistan trong vòng ba ngày vào tuần trước, đi kèm là một phái đoàn doanh nhân hùng hậu để tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước láng giềng nhiều trục trặc ở Nam Á.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ (trái) tại Pakistan

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Dệt may Ấn Độ Anand Sharma, cùng một phái đoàn 80 người, đã thăm Lahore, Karachi và Islamabad để gặp mặt những doanh nhân và quan chức hàng đầu Pakistan. “Những quan tâm đối với chuyến đi lịch sử này là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tham gia. Cả hai nước sẽ giành được nhiều điều từ chuyến đi này”, Bộ trưởng Sharma nói. Mục đích tối thượng của chuyến thăm kéo dài ba ngày là bình thường hóa đầy đủ và hoàn toàn quan hệ thương mại giữa hai nước.

“Tôi không nghi ngờ rằng thương mại song phương hiện mới ở mức 3 tỷ USD có thể được nâng lên thành 10 tỷ USD nếu chấm dứt việc phải buôn bán thông qua một nước thứ ba (hiện giờ là Dubai, Singapore hoặc các nước Trung Á khác), mà hai nước buôn bán trực tiếp với nhau”, ông Kanoria, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Ấn Độ, nói. Dù là hai cường quốc ở Nam Á, những thị trường mới nổi quan trọng với dân số lần lượt là 177 triệu và 1,2 tỷ người, thương mại giữa Pakistan và Ấn Độ chỉ chiếm không tới 1% mức thương mại toàn cầu của hai nước. Pakistan hiện vẫn duy trì một danh sách có từ năm 1938 những mặt hàng được phép xuất khẩu chính thức sang Ấn Độ và New Delhi muốn Chính phủ Pakistan chấm dứt việc sử dụng danh sách này càng sớm càng tốt.

Hiện giờ hai nước láng giềng vẫn chưa có một công ty liên doanh nào, trong khi tiềm năng là rất lớn trên nhiều lĩnh vực mà cả hai có thế mạnh tương đồng, như hóa chất, dệt may, thủy điện và công nghệ thông tin.

Được đi lại tự do

Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với 87 quan chức Myanmar vào tuần trước, bao gồm cả tổng thống nước này, nhân chuyến thăm của Cao ủy EU về hợp tác phát triển Andris Piebalgs tới quốc gia Đông Nam Á đang trong tiến trình cải cách chính trị này.

Cao ủy EU sang thăm Myanmar

EU ca ngợi “chương trình cải cách chính trị đáng chú ý” ở Myanmar hiện giờ và công bố sẽ hạn chế lệnh đi lại với Tổng thống Thein Sein, các phó tổng thống, những thành viên nội các, người đứng đầu hai viện quốc hội cùng thành viên gia đình họ. “Chúng tôi đã được chứng kiến những thay đổi lịch sử ở Myanmar và mạnh mẽ khuyến khích nhà chức trách tiếp tục tiến trình này”, Cao ủy Đối ngoại EU Catherine Ashton nói trong một tuyên bố.

Cùng lúc, EU công bố khoản viện trợ 200 triệu USD cho công tác xóa đói giảm nghèo và đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Myanmar. Các khoản viện trợ đều không kèm theo điều kiện chính trị. Các bộ trưởng ngoại giao 27 nước EU cũng khẳng định sẽ xem xét lại các lệnh cấm vận, bao gồm cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu đá quý và lệnh phong tỏa tài sản với gần 500 cá nhân và 900 pháp nhân của Myanmar, sắp hết hạn vào ngày 30/4 tới.

“Tôi sẽ đến thăm Myanmar vào tháng 4 sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Vào lúc đó tôi hy vọng chúng tôi sẽ có cơ hội xem xét lại toàn bộ và ra quyết định ở cấp cao nhất để đáp lại những tiến bộ mà tôi hy vọng sẽ tiếp diễn”, bà Ashton nói.

Hải Minh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm