Bê bối "phong bì" chấn động Hàn Quốc

10/01/2012 10:42 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một nghị sĩ của Đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền vừa thả một “quả bom” lớn vào giữa chính trường Hàn Quốc, khi tuyên bố ông đã bị người ta đưa tiền hối lộ trong một cuộc bầu cử ghế chủ tịch đảng, đồng thời khẳng định "các phong bì đầy tiền" không phải là chuyện hiếm ở quốc gia châu Á này.

Chiều 9/1, nghị sĩ Koh Seung-duk đã tổ chức một cuộc họp báo để tố cáo cựu lãnh đạo Đảng GNP Park Hee-tae, hiện là Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đã cố tìm cách hối lộ mình trước cuộc bầu chọn lãnh đạo mới của đảng hồi năm 2008, trong đó ông Park đắc cử và cầm quyền khoảng 2 năm, tính từ tháng 7/2008.

Những phong bì đầy tiền trong hội nghị đảng

Nghị sĩ Koh Seung - duk, người vừa tố cáo tình trạng hối lộ trong nội bộ đảng GNP của ông

Tại cuộc họp báo, Koh nói rằng ông đã nhận một phong bì màu vàng chứa 3 triệu won (2.500 USD) và một danh thiếp đề mỗi cái tên Park Hee-tae. Ông cũng nghi ngờ bản thân không phải người duy nhất nhận được tiền hối lộ, bởi một trợ lý của ông đã thấy một trợ lý của Park cầm theo một chiếc túi đi mua hàng, trong chứa đầy những phong bì tương tự.

Koh sau đó đã yêu cầu trợ lý gửi trả Park phong bì tiền này và đã nhận lại sự đối xử lạnh nhạt từ phía vị chủ tịch đảng. "Tôi không biết rằng mình đã sai lầm lớn khi trả lại phong bì tiền mà quên nói rõ sự ủng hộ của mình dành cho ai" - ông nói.

Ông Park, hiện đang đi công cán nước ngoài, đã vội liên tiếng bác bỏ cáo buộc của Koh. Trong cuộc họp với các phóng viên Nhật Bản hôm 9/1, ông tuyên bố: "Tôi đã hỏi các trợ lý của mình xem có ai tình cờ liên quan tới việc này không, nhưng chẳng ai nói rằng họ từng đưa hoặc nhận tiền".

Việc một chính khách vạch ra những điều sai trái trong đảng mình là khá hiếm ở Hàn Quốc. Nhưng Koh nói rằng các đảng chính trị khác ở Hàn Quốc cũng chẳng sạch sẽ gì hơn. “Đây là căn bệnh mang tính hệ thống đã tồn tại trong chính trường Hàn Quốc hơn 50 năm qua" - ông nói - "Các bên cần phải nói rõ về chuyện này và dùng nó làm bàn đạp để tiến về hướng một nền chính trị mới".

Một hiện tượng không hiếm hoi?

Trước buổi họp báo này một tuần, Koh đã xuất hiện tại một buổi hội đàm trên kênh truyền hình tin tức Channel A và hướng sự chú ý dư luận tới một bài viết của ông đăng ở tờ Seoul Economic Daily cách đây một tháng, mang tựa đề “Những hối tiếc trong hội nghị GNP”. Trong cả bài viết và kênh Channel A, Koh đều chỉ trích các hệ thống lựa chọn lãnh đạo đảng hiện nay.

Khi đó, ông nói rằng đã nhận phong bì tiền từ một ứng viên chạy đua vào ghế chủ tịch đảng, chỉ vài ngày trước khi hội nghị diễn ra. “Thời điểm một hội nghị đảng được tổ chức, nhiều phe phái nội bộ sẽ đấu đá để đưa người của họ lên ghế lãnh đạo. Nó tạo ra những  xích mích lớn trong đảng, tại một cuộc khủng hoảng và chỉ có các hoạt động hợp tác, hòa giải mới giữ cho sự tồn vong của đảng. Trong tiến trình, rất có khả năng các phong bì tiền đã được đưa ra. Tôi rất lo lắng về hậu phần kết của một hội nghị đảng" - Koh viết.

Ban đầu Koh không nói ai đã hối lộ mình, chỉ cho biết người này ủng hộ Tổng thống Lee Myung-bak và từng  giành ghế lãnh đạo đảng trong khoảng thời gian 2008 - 2010. "Tôi không thể nói ai là người đã hối lộ vào thời điểm đó, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng đó không phải là một cuộc đua sạch sẽ" - ông nói với Channel A.

Ông cũng khẳng định ông không có âm mưu hạ bệ một chính khách cụ thể nào đó thông qua tiết lộ mới, bởi ông nghi ngờ nhiều người trong đảng cầm quyền và phe đối lập cũng không sạch sẽ gì và có liên quan tới việc nhận hối lộ. Báo chí Hàn Quốc nói rằng chỉ có 2 nghị sĩ Park Hee-tae và  Ahn Sang-soo là những người ủng hộ ông Lee và từng giành ghế lãnh đạo đảng trong 3 năm kể trên. 

Giới phân tích đánh giá Koh đã thả một quả bom trúng giữa đầu Đảng GNP. Đảng này hiện đang trong giai đoạn suy yếu sau khi để thua các cuộc bầu cử nhỏ diễn ra trong 2 năm qua. Ngoài ra, còn phải kể tới vụ trợ lý của một nghị sĩ GNP tấn công trang web của Ủy ban bầu cử quốc gia và trang web của ứng cử viên thị trưởng Seoul Park Won-soon nhằm thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho GNP, nhưng không thành công.

Lãnh đạo lâm thời của GNP, bà Park Geun-hye (giữa),
đã khẳng định sẽ tái tổ chức triệt để đảng này

Diễn biến bất lợi cho GNP

Tới sáng ngày 9/1, khi tin tức gây tranh cãi xuất hiện đầy trên báo chí địa phương, lãnh đạo lâm thời của GNP là Park Geun-hye đã xin lỗi vì khiến cử tri thất vọng một lần nữa. Nhưng bà nói rõ rằng vụ bê bối không ngăn chặn nỗ lực tái tổ chức của đảng. "Tôi muốn sử dụng cơ hội để cắt đứt các thông lệ sai trái của nền chính trị cũ. Tôi sẽ điều tra đầy đủ chuyện này và không để lại nghi ngờ nào" - bà nói.

Nhưng cuộc cải tổ được đánh giá là không dễ dàng do một số thành viên đã kêu gọi giải tán hoàn toàn Đảng GNP. Một số cố giữ khoảng cách với vụ bê bối mới. Nghị sĩ GNP Koo Sang-chan là một trong những người như thế.

Gần đây ông đã bỏ logo Đảng GNP khỏi báo cáo Quốc hội thường niên của ông. Trang bìa có ảnh ông đang quỳ, đầu cúi thấp và tay chống lên chân. Trên bức ảnh là một dòng chữ mang nội dung "tôi sẽ là người đầu tiên bị trách mắng". Nhưng logo đảng đã hoàn toàn biến mất và thậm chí màu xanh dương, màu chính thức của đảng, cũng không được sử dụng.

Bê bối mới cũng diễn ra trong hoàn cảnh rất bất lợi với GNP, khi cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra trong tháng 4 tới đây. Đảng này hiện đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn thiệt hại. “GNP đề nghị cơ quan công tố điều tra vụ việc bởi những gì nghị sĩ Koh mô tả với báo chí có thể xem là hành động phạm tội mua phiếu bầu, theo Điều 50 của Luật các đảng phái chính trị" - phát ngôn viên GNP Hwasng Young-cheol nói - "Biện pháp này nhằm sửa chữa lại văn hóa chính trị đã bị bóp méo".

Được biết theo luật trên, bất kỳ ai liên quan tới hối lộ hoặc nhận các khoản lót tay mờ ám tại một hội nghị quốc gia của một đảng có thể nhận án tù tới 3 năm và tiền phạt tối đa 6 triệu won. Với nhân vật đang bị nghi ngờ như ông Park, việc bị chứng minh đã phạm tội đưa hối lộ cũng sẽ tương đương với một “bản án tử hình” dành cho sự nghiệp chính trị.

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm