Nữ tỉ phú xinh đẹp thành kẻ trắng tay

24/06/2011 14:01 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood có kết cục buồn. Một cô gái trẻ đổi đời sau khi lấy một tỷ phú, rồi ly hôn và dùng số tiền khổng lồ có được khi chia tay để đặt cược vào hoạt động kinh doanh, chỉ để chứng kiến tất cả tiền bạc bay khỏi túi mình. Nhưng đây không phải là phim của Hollywood và nhân vật chính trong câu chuyện là Patricia Kluge.

Bà Patricia Kluge, một phụ nữ Anh đã trở nên nổi tiếng do nhận được số tiền khoảng 1 tỷ USD sau khi ly hôn với chồng trong những năm 1980, đã vừa tiếp tục gây chú ý khi phải đâm đơn ra tòa án Mỹ xin bảo hộ phá sản.

Đổi đời nhờ vụ ly hôn đắt đỏ

Quyết định trên được đưa ra sau khi Kluge gặp khó khăn tài chính, trong khi hoạt động làm ăn của bà thất bại. Giấy tờ xin bảo hộ phá sản cho biết bà và người chồng thứ 3 William Moses đang nợ chừng 50 triệu USD và không có khả năng trả nợ.

Khi được báo chí hỏi rằng số tiền khổng lồ đã bốc hơi đi đâu, Kluge chỉ còn biết thốt lên: “Đó là một câu chuyện rất dài. Đây không phải là lúc để nói về việc này”. Còn chồng bà, ông Bill Moses thì chỉ biết thở than: “Chúng tôi đã tiêu quá nhiều và quá nhanh”.

Patricia Kluge thời kỳ hoàng kim, khi điền sản Albemarle vẫn còn thuộc sở hữu của bà

Kluge cho biết chuyện lẽ ra đã không tới mức bà phải xin bảo vệ phá sản và cặp vợ chồng đã có những cuộc đàm phán dàn xếp các khoản nợ. “Nhưng ngân hàng đã quyết định mọi chuyện sẽ diễn ra theo hướng này nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác” - bà tuyên bố.

Patricia Kluge sinh ra tại Baghdad, khi Iraq còn là thuộc địa của Anh. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà là với Russell Gay, một ông trùm phim khiêu dâm hạng nhẹ trong những năm 1970. Bà đã chụp ảnh khỏa thân trên tạp chí Knave của ông trước khi chuyển từ Baghdad tới Anh sống.

Trong một chuyến đi tới thành phố New York, Mỹ, bà đã gặp trùm truyền thông John W. Kluge, sáng lập viên tập đoàn Metromedia. Cả hai kết hôn vào năm 1981. Vào thời điểm họ chia tay 9 năm sau đó, ông Kluge đã được Forbes đánh giá là người giàu nhất thế giới với tài sản lên tới 6 tỷ USD. Vụ ly hôn khiến Patricia được thừa hưởng số tiền dàn xếp ly hôn tới gần 1 tỷ USD. Đồng thời bà còn được sở hữu tư dinh Albemarle, công trình nổi tiếng đắt tiền và sang trọng, có cả sân đỗ trực thăng, hầm rượu vang, chuồng ngựa và hai bếp ăn cỡ lớn đặt ngoài trời để phục vụ việc tiệc tùng.

Ngã đau vì tham vọng bán rượu vang cao cấp

Với khoản tiền kếch xù như vậy, lẽ ra Kluge có thể ung dung hưởng thụ tới cuối đời. Nhưng chuyện lại không đi theo chiều hướng đó.

Hạt giống của sự xuống dốc của bà Kluge bắt đầu nảy mầm từ năm 1999, khi cùng với người chồng thứ 3 William Moses, bà mở xưởng rượu nho Kluge nằm gần tư dinh Albemarle. Kế hoạch của họ là biến Virginia thành thánh địa của rượu nho hảo hạng. Thực tế rượu của bà Kluge đã được đánh giá cao. Chúng thậm chí đã tới bàn ăn của các nhà hàng hạng sang và từng nằm trong thực đơn đám cưới của Chelsea Clinton, con gái bà Hillary Clinton hồi tháng 7 năm ngoái.

Có lẽ “choáng” với sự thành công ban đầu một cách dễ dàng, Kluge đã đổ tiền vào làm ăn quá mức. Trong vòng 5 năm qua, bà đã vay 65 triệu USD để đổ vào xưởng rượu nho. Số tiền nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất của xưởng Kluge, đồng thời tạo nên một chi nhánh nhỏ mang tên Vineyard Estates, chuyên cho ra đời loại rượu hảo hạng. Đó là chưa kể việc bà bỏ một lượng lớn tiền khác vào phát triển bất động sản và nhà ở cao cấp.

Trong khi mọi chuyện đang có vẻ thuận lợi thì bong bóng nhà đất ở Mỹ vỡ tung. Theo chân nó là cuộc khủng hoảng tài chính. Rượu của Kluge làm ra chẳng ai thèm ngó, giá bất động sản của bà thì rớt thê thảm.

Năm 2009, bí bách về mặt tiền bạc trong khi các chủ nợ liên tục thúc đòi trả tiền, Kluge đã buộc phải đưa điền sản Albemarle ra bán đấu giá. Nhà đấu giá Sotheby ban đầu niêm yết mức giá của nó là 100 triệu USD. Tới đầu năm 2010, giá nhà rớt còn 48 triệu USD và rồi còn 24 triệu USD cho tới khi nó bị ngân hàng thu hồi thế nợ vào đầu năm nay do không ai mua. Phía ngân hàng định giá điền sản này chỉ 15 triệu USD. Kluge cũng thuê nhà đấu giá Sotheby bán hộ các món trang sức cá nhân và đồ trang trí đắt tiền thuộc sở hữu của bà. Tổng cộng bà bán 933 món đồ khác nhau, thu về 15,1 triệu USD.

Nhưng tất cả các món tiền ở trên vẫn không đủ để trả nợ. Trong khi đó, bất chấp việc nhận được nhiều lời khen ngợi, xưởng rượu của Kluge chỉ cho ra lò khoảng 30.000 thùng/năm và bán được có một nửa trong số đó. Cặp vợ chồng nhanh chóng lâm vào cảnh vỡ nợ và tới giữa tháng 12 năm ngoái, xưởng rượu của họ đã phải ngưng hoạt động, sau khi được rao bán với giá 19 triệu USD nhưng không có người mua.

Quyết tâm làm lại từ đầu

Tuy nhiên không phải tất cả đều đã quay lưng với Kluge. Hồi tháng 4 năm nay, người bạn thân Donald Trump đã bỏ ra khoản tiền 6,2 triệu USD để mua lại một phần xưởng rượu vang Kluge. Có tin nói rằng Trump muốn giữ Kluge và Moses trong ban lãnh đạo của xưởng rượu. Khi đệ đơn xin bảo vệ phá sản, Kluge cũng nói rằng cặp vợ chồng giờ có ý định sẽ quay trở lại xưởng rượu và quản lý thuê nó cho ông Trump.

“Tất cả những gì chúng tôi quan tâm hiện nay là hoàn tất việc xin phá sản và tái xây dựng công ty cùng Donald và đội ngũ của ông ấy, đóng rượu vào chai và mở lại các kênh phân phối của chúng tôi” - Kluge nói - “Các bạn bè của chúng tôi từ trên khắp thế giới đã rất ủng hộ chúng tôi. Ngoài ra là sự ủng hộ từ giới chức của bang Virginia. Họ muốn thấy nơi đây trở thành bang có thế mạnh về rượu vang và giờ chúng tôi đang từng bước biến điều này thành hiện thực". Luật sư riêng Kermit Rosenberg cũng nói rằng cặp vợ chồng đang cố gắng sống tiếp bằng việc trả hết nợ nần và làm lại từ đầu.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm