Đổ “quan tài” bê tông như Chernobyl?

31/03/2011 11:10 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 30/3, Chính phủ Nhật Bản thông báo đang cân nhắc các biện pháp mới để chống lại cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất nước này, thậm chí giải pháp đổ một “quan tài bê tông” trùm lên như ở Chernobyl cũng không loại trừ, nếu các nỗ lực cứu chữa không mang lại hiệu quả.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Những ngày qua, các cuộc kiểm tra nước biển gần lò phản ứng số 1 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi đã cho thấy mức phóng xạ iốt cao hơn 3.355 lần giới hạn được phép. Điều này buộc Chính phủ Nhật Bản phải tìm kiếm các biện pháp mới để xử lý khủng hoảng.

Các giải pháp đặc biệt

“Các con số về phóng xạ đang tăng lên” - ông Hidehiko Nishiyama, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử và An toàn Công nghiệp Nhật Bản (NISA) nói và cho biết các biện pháp đặc biệt giờ sẽ được tiến hành - “Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, càng sớm càng tốt và ngăn chặn phóng xạ tăng cao hơn. Chúng ta đang ở trong tình trạng chưa có tiền lệ nên phải sử dụng các chiến lược khác biệt, phải tìm giải pháp xa hơn những gì thường được nghĩ tới trong tình huống này”.

Báo chí địa phương nói rằng Chính phủ đang cân nhắc việc phủ bên ngoài 3 lò phản ứng số 1, 3, 4 của nhà máy bằng một loại vải đặc biệt và triển khai thiết bị lọc khí để ngăn chặn phóng xạ rò ra ngoài. Chính phủ cũng bàn tới ý tưởng neo một tàu chở dầu với khoang chứa trống rỗng ở gần lò phản ứng số 2 để các công nhân có thể bơm nước nhiễm phóng xạ vào những khoang chứa này và mang nó đi chứa ở nơi khác. Chánh văn phòng nội các Yukio Edano nói trong một cuộc họp báo vào sớm ngày 30/3 rằng Chính phủ đang thảo luận “mọi biện pháp” để đưa nhà máy vào vòng kiểm soát, bao gồm cả việc đổ bê tông phủ lên nó.

Tuy nhiên giải pháp đổ bê tông lên nhà máy chỉ là bước đi cuối cùng, khi các nỗ lực cứu nhà máy đã không còn hiệu quả. Sau thảm họa hạt nhân ở Chernobyl, tổ máy số 4 gặp sự cố cũng bị chôn vùi trong một “quan tài” làm từ bê tông và chì nhằm ngăn chặn phóng xạ thoát ra ngoài. Do sự xuống cấp của công trình bao phủ bên ngoài này, người ta đã lên kế hoạch xây một “quan tài” mới cho tổ máy số 4, trị giá khoảng 1,2 tỉ USD. Nhưng hiệu quả ngăn phóng xạ của công trình này cũng chỉ kéo dài 100 năm.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các tòa nhà chứa lò phản ứng ở Fukushima Daiichi đã bị hư hại rất nặng

Lò số 2 đã tan chảy?

Trong lúc Nhật Bản loay hoay tìm cách xử lý thảm họa, một chuyên gia người Anh cho rằng nỗ lực ngăn lò phản ứng số 2 tan chảy đã thất bại. Nhân vật đưa ra tuyên bố trên là Richard Lahey, người từng lãnh đạo nhóm nghiên cứu của hãng General Electric về mức độ an toàn của các lò phản ứng kiểu giống như đang dùng ở Nhật Bản.

Lahey nói rằng các thanh nhiên liệu hạt nhân ở lò số 2 đã tan chảy và đốt thủng sàn lò phản ứng. Việc xuyên thủng thành lò khiến cho khối phóng xạ tiếp xúc trực tiếp với không khí và sẽ gây thêm những vụ rò xạ nguy hiểm hơn.

“Từ các dấu hiệu chúng tôi nhận thấy, từ việc lò phản ứng, tới các chỉ số phóng xạ và những vật liệu mà người Nhật đang tìm ra, tôi đánh giá thấy phần lõi của lò phản ứng đã nóng chảy xuyên qua vỏ chứa ở lò phản ứng số 2. Tôi hy vọng mình đã lầm, nhưng các chứng cứ lại chỉ theo hướng đó” - ông nói. Nỗi lo lắng lớn của Lahey là lõi lò tan chảy sẽ phản ứng với sàn bê tông ở tổ máy số 2 và đẩy khí phóng xạ đi khắp nơi trong bầu khí quyển.

Hiện Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy điện Fukushima Daiichi nói rằng các lò phản ứng gặp sự cố tương đối ổn định, từ lò số 1 và số 4 vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Nỗ lực và hy vọng

Tuần trước, các công nhân ở Fukushima Daiichi đã thành công trong việc kết nối nhiều phần của nhà máy với mạng điện lưới quốc gia. Nhưng khi tiến hành sửa chữa hệ thống điện để bơm nước vào làm mát lò phản ứng và các thanh nhiên liệu, họ phát hiện thấy có nhiều bể nước phóng xạ nằm bên trong nhà máy. Số nước phóng xạ này đã nhấn chìm tầng hầm của nhiều công trình và rãnh nước bên ngoài các công trình đó.

Nước nhiễm xạ có nồng độ cao hơn nhiều mức Chính phủ cho là an toàn với người lao động. Chúng phải được hút bỏ trước khi điện lưới được khôi phục và hệ thống làm mát của nhà máy hoạt động trở lại. Việc này khiến giới chức Nhật phải đương đầu với 2 vấn đề khó khăn nhưng quan trọng không kém gì nhau: vừa bơm nước vào để làm mát các thanh nhiên liệu, vừa bơm nước nhiễm xạ ra khỏi tòa nhà.

Các quan chức đang hy vọng các bể chứa trong nhà máy sẽ có đủ khả năng chứa lượng nước nhiễm xạ, nếu không người ta sẽ phải tìm chỗ chứa nước bẩn. Một số khả năng đã được tính tới gồm việc đào hố chứa nước thải và sau đó đưa nước trở lại làm mát lò phản ứng hoặc bơm nước thải vào khoang chứa của một tàu chở dầu.

Được biết TEPCO đã có kế hoạch loại bỏ toàn bộ 4 lò phản ứng gặp sự cố ở Fukushima Daiichi, ngay khi thảm họa được khắc phục xong. Nhưng Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano thì cho rằng cần phải loại bỏ tất cả 6 lò phản ứng của Fukushima Daiichi.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm