“Mây phóng xạ” bị thổi phồng quá mức

30/03/2011 11:41 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nhật Bản vừa thông báo đã tìm thấy chất phóng xạ plutonium trong mẫu đất tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Plutonium độc hại hơn nhiều so với phóng xạ i-ốt và cesium, những chất đã được phát hiện trong thời gian qua. Tin xấu này diễn ra trong bối cảnh đám mây phóng xạ từ Nhật đã lan sang nhiều nước trên thế giới và gây không ít lo ngại. Nhưng thực tế có đáng hoảng sợ hay không?

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Ngày 29/3, hãng tin Yonhap thông báo các kết quả đo đạc, kiểm tra đã cho thấy sự xuất hiện của phóng xạ i-ốt và cesium tại Hàn Quốc, một trong những nước gần Nhật Bản nhất.

Khó tránh khỏi việc hứng bụi phóng xạ

Viện An toàn Nguyên tử Hàn Quốc (KINS) thông báo rằng họ đã phát hiện thấy các phóng xạ i-ốt 131, cesium-134 và cesium-137 trong không khí. Tuần trước, Hàn Quốc cũng đã phát hiện thấy chất xenon-133. Các chất này chỉ hình thành sau phản ứng phân hạch và hiển nhiên đã xuất phát từ nhà máy điện hạt nhân đang gặp sự cố ở Nhật Bản.

“Phóng xạ i-ốt được tìm thấy ở 12 địa điểm khác nhau, gồm cả thủ đô Seoul, trong khi cesium chỉ được phát hiện ở Chuncheon, cách Seoul 85 km” - Chủ tịch KINS Yun Choul-ho nói trong một cuộc họp báo.

Nhân viên môi trường Trung Quốc kiểm tra dấu hiệu phóng xạ tại tỉnh Hắc Long Giang

Ông cho biết nồng độ phóng xạ i-ốt dao động từ 0,049 millibecquerel (mBq) tới 0,356 mBq trên 1 mét khối không khí. Trong khi đó, nồng độ cesium-137 và cesium-134, dao động từ 0,018 mBq 0 - 0,015 mBq/m3 không khí.

Theo Yun, lượng phóng xạ mới được phát hiện không thể tạo nên bất kỳ mối đe dọa sức khỏe nào cho người dân, ngay cả khi họ tiếp xúc với chúng ở mức này trong vòng cả một năm trời. Ông cũng bác bỏ khả năng chất plutonium đã bay sang Hàn Quốc, cho đó là tin tức bị thổi phồng. “Bởi quy mô của vụ tai nạn, chuyện dấu vết phóng xạ có thể tìm thấy trên khắp thế giới là điều khó tránh” - Yun tuyên bố - “Điều quan trọng không phải là liệu có phát hiện thấy phóng xạ hay không mà là nằm ở chuyện nồng độ phóng xạ có cao hay không”.

Sức khỏe của người sử dụng nước mưa sẽ không bị đe dọa, ngay cả với phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh hay phụ nữ đang cho con bú.

Ngoài việc trấn an dân chúng, giới chức Hàn Quốc cũng khẳng định sẽ thường xuyên kiểm tra mẫu thử tại các điểm đã phát hiện phóng xạ để cảnh báo dân chúng tốt hơn về các nguy cơ có thể đe dọa tới sức khỏe của họ. Các cuộc đo đạc nước biển và kiểm tra sinh vật biển cũng được tiến hành để đề phòng khả năng nhiễm xạ.

Mây phóng xạ lan rộng

Cùng ngày, Trung Quốc cũng thông báo đã phát hiện thêm nhiều khu vực có sự xuất hiện của phóng xạ. Theo Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, phóng xạ i-ốt 131 nồng độ thấp đã được phát hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, Giang Tô, An Huy, Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải. Song do nồng độ phóng xạ quá nhỏ nên sức khỏe người dân sẽ không bị đe dọa.

“Dựa trên các kết quả kiểm tra hiện nay, người dân không phải quá lo lắng về tình trạng nhiễm bụi phóng xạ trong không khí, thực phẩm và nước” - Wang Zhongwen, một nhà nghiên cứu tại phòng an toàn phóng xạ thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc nói. Wang cho biết Bộ Bảo vệ Môi trường đã cho tiến hành kiểm tra phóng xạ tại nguồn nước và thực phẩm tại nhiều vùng trên khắp đất nước. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh để giảm thiểu nỗi lo lắng trong dân chúng.

Trong lúc đó, mây phóng xạ cũng đã lướt qua Philippines. “Chúng tôi đã phát hiện thấy các đồng vị phóng xạ nhưng chúng tôi đề nghị người dân không hoảng sợ. Lượng phóng xạ trong không khí rất nhỏ” - Tina Cerbolis, phát ngôn viên của Viện Nghiên cứu Nguyên tử Philippines (PNRI) nói hôm 29/3. PNRI nói rằng mức phóng xạ tại các điểm đặt máy đo đếm là 93 - 115 nanoSieverts/giờ (nSv/h), nghĩa là hết sức bình thường.

Một số người Hàn Quốc biểu tình chống năng lượng hạt nhân, sau khi phóng xạ từ Nhật bay sang đây

Tại Mỹ, phóng xạ đã được phát hiện trong không khí và nước ở 13 bang và vùng lãnh thổ thuộc Mỹ. Cụ thể, lượng phóng xạ cao hơn bình thường được nhận thấy ở các tiểu bang Alaska, Alabama, California, Hawaii, Idaho, Nevada, Washington và các đảo Guam, Saipan, quần đảo Bắc Mariana. Dấu vết phóng xạ rất nhỏ được tìm thấy trong nước mưa ở các tiểu bang Massachusetts, Colorado, Nam Carolina, Bắc Carolina, Florida và Pennsylvania.

Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) nói rằng phóng xạ chủ yếu được phát hiện là i-ốt 131 và đã xuất hiện trong nước mưa ở một số khu vực. Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, những ai sử dụng nước mưa làm nguồn nước uống sẽ có khả năng tiếp xúc với lượng phóng xạ cao hơn so với những người dùng nước máy. Nhưng do lượng phóng xạ rất nhỏ nên sức khỏe của người sử dụng nước mưa sẽ không bị đe dọa, ngay cả khi đó là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh hay phụ nữ đang cho con bú, những đối tượng vốn rất dễ bị tổn thương bởi phóng xạ.

Châu Âu cũng khó tránh

Tuy nhiên, nỗi sợ phóng xạ vẫn khiến người dân Mỹ đổ xô đi mua máy đo Geiger và muối kali iốt, được cho là có thể chữa nhiễm độc phóng xạ.

Ở châu Âu hiện chưa có dấu vết nào của phóng xạ Nhật Bản. Nhưng dựa vào các trải nghiệm trong quá khứ, từ vụ ném bom nguyên tử ở Nhật cho tới thảm họa Chernobyl, các nhà khoa học ở đây dự báo bụi phóng xạ sẽ sớm hiện diện. “Chúng tôi tin rằng có thể trong vòng 7 ngày tới, các đồng vị phóng xạ đầu tiên sẽ bị tóm cổ do ở Thụy Điển có những máy đo hết sức chính xác” - Klas Idehaag, một nhà nghiên cứu ở Cơ quan An toàn Phóng xạ Thụy Điển nói.

Liệu có đáng lo ngại?

Một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu bụi phóng xạ có đáng để lo ngại? Giới phân tích chỉ ra rằng nỗi lo lắng của người dân đã bị thổi phồng quá mức. “Người dân thường phóng đại nỗi sợ phóng xạ, cho nó là một sát thủ vô hình. Đó là thực tế tại đất Mỹ và nỗi sợ còn lớn hơn ở trên đất Nhật” - Jerrold Bushberg, giám đốc khoa X-quang và chiếu xạ chống ung thư ở Đại học California Davis nhận xét.

Thực tế, mỗi ngày tất cả chúng ta đều tiếp xúc với một lượng nhỏ phóng xạ đến từ môi trường sống và tổng cộng mỗi người sẽ hứng một lượng phóng xạ tương đương từ 1-10 millisievert mỗi năm. Tại Tokyo, nơi cách nhà máy Fukushima vài trăm km, người dân đã tỏ ra sợ hãi khi mức phóng xạ tăng cao hơn 10 lần bình thường, tức họ phải tiếp xúc với lượng phóng xạ tương đương 0,809 microsievert/giờ. Nhưng mức này vẫn thấp hơn 10 lần so với một lần chụp X-quang ngực.

“Để so sánh, nhiều người Nhật còn chụp cắt lớp để kiểm tra bệnh ung thư và những lần chụp như thế tạo ra lượng phóng xạ cao khoảng 10 millisievert (10.000 microsievert), tức lớn hơn nhiều mức họ nhận từ nhà máy Fukushima” - tiến sĩ Richard Wakeford, một giáo sư ở Viện Nghiên cứu Nguyên tử Dalton, Đại học Manchester, nhận xét. Và như thế, những nước ở cách xa Nhật Bản cũng không cần phải quá lo trước ảnh hưởng mà đám mây bụi phóng xạ có thể mang lại.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm