Trung Quốc phô diễn tàu cao tốc nhanh nhất thế giới

28/10/2010 11:06 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một đoàn tàu cao tốc tại trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc đã vừa chính thức đi vào hoạt động trong tuần này. Với tốc độ tối đa lên tới 416,6km/h khi chạy thử nghiệm, đây là đoàn tàu có tốc độ nhanh bậc nhất thế giới. Việc khai trương đoàn tàu này, ngoài những tác động về mặt kinh tế và xã hội mà nó mang lại, còn là cơ hội để Trung Quốc phô diễn với thế giới sức mạnh của ngành công nghiệp đường sắt nội địa.

Wang Shenjie là người yêu các đoàn tàu nên đã đặt vé đi trên chuyến tàu cao tốc đầu tiên nối thành phố Thượng Hải với thành phố Hàng Châu, mới được khai trương hôm 26/10. Tuy nhiên khác với mọi chuyến đi thông thường, khi bản thân ngồi thư thái ngắm cảnh và lắng nghe tiếng chuyển động đều đều của đoàn tàu, lần này Wang không ở một chỗ mà liên tục đi lại và chụp ảnh.

Tự phá kỷ lục của chính mình


Tàu cao tốc CRH380A nhanh nhất của Trung Quốc

Nguyên nhân do Wang đang đi trên chuyến tàu mang mã G5001, vốn có tốc độ nhanh nhất Trung Quốc và cả thế giới. Trong sự háo hức của Wang và khoảng gần 400 hành khách khác, đoàn tàu CRH380A do Trung Quốc sản xuất đã rời ga Hồng Kiều của Thượng Hải vào lúc 9h ngày 26/10 và tới Hàng Châu sau đó 40 phút, sớm hơn dự kiến 5 phút.


Trong hành trình, con tàu đi với tốc độ lớn nhất là 350km/h. Tuy nhiên đây không phải là tốc độ cao nhất của CRH380A. Tại cuộc thử nghiệm diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, tàu đã đạt tốc độ 416,6 km/h, một kỷ lục thế giới mới. Kỷ lục trước đó cũng do chính Trung Quốc lập nên vào tháng 6/2008. Khi đó, đoàn tàu CRH3 chạy tuyến Bắc Kinh - Thiên Tân đã đạt tốc độ tối đa 394,3 km/h.

Tờ Thượng Hải nhật báo nói rằng một tấm vé cho hành trình cao tốc với 9 điểm dừng giữa Thượng Hải và Hàng Châu hiện có giá 156 NDT (23,4 USD) cho ghế hạng sang và 98NDT (14,7 USD) cho ghế hạng hai. Một chuyến tàu có thể mang theo 400 hành khách. Ngoài ra người ta còn bán thêm 40 vé đứng cho những người cần đi lại nhanh chóng nhưng không muốn mất quá nhiều tiền như Wang.

Theo ông Liu Zhijun, Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc (MOR), việc khai trương tuyến Thượng Hải - Hàng Châu sẽ giải phóng áp lực vận tải ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Dương Tử, một trong những khu vực kinh tế sôi động nhất nước này. “Sự kiện khai trương tuyến đường sắt cao tốc này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội trong khu vực” - ông Liu tuyên bố.

Niềm tự hào nội địa

Trong khi nhà tàu quảng bá rằng cư dân Hàng Châu giờ đã có thể “sáng đi làm ở Thượng Hải, tối về nhà ăn cơm” thì dư luận lại đặt dấu hỏi về việc liệu ai sẽ bỏ ra gần 160 NDT một ngày để đi làm bằng tàu cao tốc.

Trung Quốc đã triển khai tuyến đường cao tốc đầu tiên nối Bắc Kinh và Thiên Tân trong kỳ Olympic Bắc Kinh 2008. Kể từ đó hàng loạt tuyến tàu cao tốc đã đi vào hoạt động như tuyến Vũ Hán - Quảng Châu nối liền miền Trung và miền Nam đất nước. Tiếp đó là tuyến Trịnh Châu - Dĩ An nối miền Trung và miền Tây. Gần đây là tuyến Thượng Hải - Nam Kinh đã tạo nên sợi dây kết nối cao tốc với phía Đông Trung Quốc.


Bởi tầm quan trọng của đường sắt trong hoạt động phát triển kinh tế, Trung Quốc hiện đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa các tuyến đường cao tốc của họ. Theo dự kiến của MOR, tới năm 2012, Trung Quốc sẽ có mạng lưới đường sắt trải dài tới 110.000km, trong đó có 13.000km là đường sắt cao tốc. Các kế hoạch trong tương lai gần của bộ này gồm có việc khai trương tuyến đường cao tốc Thượng Hải - Bắc Kinh dài 1.318km vào năm 2012.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển các đoàn tàu với tốc độ cao hơn, có thể lên tới 500km/h. Ông He Wuhua, kỹ sư trưởng thuộc MOR cho tờ Thời báo Hoàn cầu biết rằng các nhà khoa học ở Vũ Hán hiện đang tích cực nghiên cứu các đặc điểm khí động học của đường sắt cao tốc để tạo ra những đoàn tàu với tốc độ kinh khủng như trên. Ông cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đang “có tham vọng dẫn đầu thế giới trong hoạt động xây dựng đường sắt cao tốc”.

Tân Hoa xã cho biết việc Trung Quốc phát triển công nghệ đường sắt cao tốc với mức giá vừa phải đã thu hút được sự chú ý của nhiều nước. Theo hãng thông tấn này, một số quốc gia như Mỹ, Brazil và Argentina đã bày tỏ hy vọng các nhà thầu Trung Quốc có thể tham gia hoạt động sản xuất tàu cao tốc ở nước họ.

Một sự phô diễn sức mạnh

Theo các nhà quan sát, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Trung Quốc hơn 9% mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ qua đã tạo nền tảng vững chắc để nước này có những tiến bộ nhanh trong nhiều lĩnh vực, từ việc đưa người lên không gian cho tới việc phát triển đường sắt cao tốc. Nó cũng giúp cho Trung Quốc có thể thực hiện những hoạt động lớn như xây dựng đập Tam Hiệp, tổ chức Olympic Bắc Kinh và gần đây nhất là Hội chợ Thượng Hải World Expo.

Tuy nhiên dù Trung Quốc có thể làm những việc lớn, một số nhà quan sát đã đặt dấu hỏi rằng liệu các hoạt động đầu tư đó có thực sự đúng đắn và hiệu quả. Đơn cử như với tuyến đường sắt cao tốc Thượng Hải - Hàng Châu có giá vé đắt hơn 50% so với tàu thường. Trong khi nhà tàu quảng bá rằng cư dân Hàng Châu giờ đã có thể “sáng đi làm ở Thượng Hải, tối về nhà ăn cơm” thì các nhà phê bình lại đặt dấu hỏi về việc liệu ai sẽ bỏ ra gần 160 NDT một ngày để đi làm bằng tàu cao tốc.

Và mặc dù Trung Quốc tự hào rằng họ đang giữ bằng sáng chế liên quan tới công nghệ, thiết kế và trang thiết bị sử dụng trong đoàn tàu cao tốc CRH380A, một số nhân vật thuộc ngành công nghiệp đường sắt đã nghi ngờ rằng nhiều công nghệ mới không do Trung Quốc tạo ra. “Ai cũng biết rằng có rất nhiều công nghệ cốt lõi trong tàu cao tốc Trung Quốc là thuộc về châu Âu” - Michael Clausecker, Tổng Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp đường sắt châu Âu (UNIFE), tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây.  

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm