Hai tuần, 5 phát kiến thú vị về người và thú

06/07/2009 16:23 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chỉ từ ngày 19/6 đến 3/7 các nhà khoa học Anh, Mỹ, Bồ Đào Nhà đã phát hiện ra 5 điều thú vị liên quan đến tâm sinh lý người và động vật cùng mối liên hệ với sự biến đổi của môi trường sống.

1 - Ít ngủ nguy hại đối với phụ nữ hơn nam giới

Các nhà khoa học ở một số trường đại học London (Anh) sau một số cuộc thí nghiệm đã rút ra kết luận rằng thiếu ngủ ban đêm nguy hại với chị em hơn là với anh em. Nếu phái đẹp ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày thì xuất hiện nguy cơ bệnh tim.

Với kết luận trên các nhà khoa học Anh đã giải quyết được cuộc tranh cãi bất phân thắng bại lâu nay ở phương Tây: Ai phải dậy sớm hơn để chuẩn bị bữa sáng, chồng hay vợ? Như vậy là cánh nam giới phải nhường quyền “ngủ nướng” cho chị em vì lý do sức khỏe. Ở phương Đông theo truyền thống phụ nữ bao giờ cũng dậy trước chồng con mà không để ý đến việc mình ngủ ít hay nhiều.

Tuy vậy, ít ngủ chẳng có lợi cho cả đàn ông lẫn đàn bà, chỉ có điều tác hại đối với phái mạnh giảm chút ít. Ít ngủ khiến cho protein hoạt tính HS – CRP trong máu của phụ nữ tăng và trong nhiều trường hợp sẽ gây ra các bệnh tim mạch.

Các bác sĩ cũng khuyên nam giới không ngủ dưới 7 – 8 giờ/ngày đêm.

2 - Nhiệt độ càng tăng, cừu càng nhỏ

Theo ITAR-TASS, các nhà khoa học ở Trường Đại học Imperia (Anh) vừa mới phát hiện ra nguyên do bí ẩn khiến cho kích thước của giống cừu hoang Soay trên đảo Hirta thuộc quần đảo St Kilda (Scotland) càng ngày càng nhỏ dần.

Những con thú ăn cỏ hiền lành ở Hirta gây chú ý của các nhà động vật học ở chỗ chúng hàng nghìn năm vẫn tuân thủ quy luật tiến hóa “càng to càng tốt”. Vậy mà từ những năm 80 đến nay giống cừu Soay cứ bé dần. Các nhà động vật học bắt đầu chương trình theo dõi từ năm 1985. Trong vai những người chăn cừu họ thường xuyên lùa những con thú tới thiết bị cân đo đặc chủng. Kết quả cho thấy cừu “thu gọn” hình thể dưới tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Các nhà khoa học khẳng định rằng những con cừu hoang non không nhất thiết phải tích cực tăng trọng trong những tháng đầu bởi thời tiết đỡ khắc nghiệt hơn trước và mùa băng giá ngắn hơn. Mấy chục năm trước những con cừu non nhẹ cân khó qua khỏi mùa đông thì giờ đây vấn đề béo hay gầy không còn quan trọng nữa nhờ sự thay đổi khí hậu. Như vậy là cứ sau một năm trọng lượng trung bình của cừu Soay giảm 81 gam.

Ở một số loài chim và cá cũng có tình trạng thay đổi kích thước và bộ dạng do thay đổi thời tiết. Tuy nhiên, số liệu thu được về cừu Soay không thể “áp” vào các loài khác do đặc thù môi trường của đảo Hirta. Tại đây chỉ có cỏ và cừu, không có thú ăn thịt và cũng chẳng có nhu cầu phải tranh giành lãnh thổ để kiếm ăn. Giá trị của công trình nghiên cứu nói trên nằm ở chỗ nó chứng minh rằng động vật có khả năng khá nhanh chóng phản ứng đối với biến đổi khí hậu tại môi trường sống nhờ sự tiến hóa.

3 - Xã hội Bồ Đào Nha “lật nhào” các giá trị

Chỉ trong 10 năm mà ở Bồ Đào Nhà các giá trị đạo đức bị đánh giá lại, có thể nói là “lộn tùng phèo”.

Các cuộc thăm dò xã hội cho thấy sau một thập niên người dân nước này bỗng nhiên coi trọng “cái tôi” hơn cả, ít chịu hy sinh vì bất cứ thứ gì.

Năm 1999 có tới 80% số người được hỏi cho rằng cứu người mà hy sinh bản thân là điều có ý nghĩa. Bây giờ tỷ lệ này tụt xuống còn 46 và số người tuân thủ nguyên tắc “cứu mình trước đã” ngang bằng với những ai coi trọng việc cứu người. Chỉ có 28% sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì tư tưởng chính trị - 3,2% (trước đây là 3,7%).

Tình nghĩa vợ chồng “giảm giá” nghiêm trọng. 10 năm trước có tới 2/3 số người được hỏi không chấp nhận lập luận hôn nhân đã hết thời. Bây giờ chỉ có 14% nghĩ như vậy. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là 56% người Bồ Đào Nha không chỉ đăng ký kết hôn “cho đúng thủ tục” mà còn đến nhà thờ để cha chúc phước. Hơn nữa, tuyệt đại đa số dân chúng vẫn như trước đây, sẵn sàng hy sinh vì gia đình.

Khi đánh giá về bản thân, người Bồ Đào Nha thường chọn những tính từ “kêu như chuông”, chẳng hạn “chính trực”, “hào hiệp”, “dũng cảm”, trong khi đánh giá về người khác thì không được bao dung cho lắm.

4 - Tới năm 2050 người già tăng ba lần

Cơ quan điều tra dân số Mỹ cho biết tới năm 2050 số người trên 65 tuổi trên thế giới sẽ tăng ba lần so với hiện nay.

Theo số liệu điều tra, vào thời điểm này số người cao tuổi toàn cầu là 516 triệu, đến giữa thế kỷ 21 con số này sẽ là 1,53 tỷ, riêng các cụ trên 85 tuổi tăng từ 40 triệu lên 219 triệu. Hai phần ba số cụ “cực thọ” là phụ nữ sống ở các nước phát triển.

Dân cư già nhất thuộc về châu Âu – tại đây vào năm 2050 sẽ có 30% số dân trên 65 tuổi. Khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi có tuổi trung bình trẻ nhất. Do tỷ lệ sinh đẻ và tỷ vong đều cao nên phần lớn cư dân ở đây là thanh niên, trên 65 tuổi chỉ có 5% dân số. Hiện tại Đức, Italia, Nhật Bản và Monaco là bốn quốc gia có nhiều người cao tuổi nhất – số cụ trên 65 tuổi chiếm trên 20% dân số.

5 - Kiến ngủ 250 lần/ngày và… chiêm bao

Các nhà khoa học ở Trường Đại học Nam Florida và Trường Đại học Texas (Mỹ) đã ngiên cứu một loài kiến lửa phổ biến ở nước này và cho thấy chúng ngủ rất nhiều lần trong ngày và còn… nằm mơ hẳn hoi.

Bằng cách thả kiến vào những chiếc bình trong suốt và quan sát một thời gian khá dài, các nhà khoa học nhận thấy rằng kiến thợ và kiến chúa có cơ chế ngủ rất khác nhau. Kiến thợ làm việc suốt ngày, ngủ rất ít, dưới 5 giờ/ngày đêm. Giấc ngủ chia thành nhiều đợt, tới 250 lần, kéo dài chưa tới một phút. Nhờ vậy mà trong thời gian 24 giờ có trên 80% số thành viên của đàn tỉnh táo, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Kiến chúa không phải lao động nên tự cho phép mình ngủ nhiều, khoảng 9 giờ/ngày đêm, chia thành 90 đợt, mỗi lần chỉ gần 6 phút. Nó có thể ngủ lơ mơ mà cũng có thể ngủ sâu và trong mỗi trạng thái râu, miệng cử động khác nhau. Khi ngủ lơ mơ râu kiến dựng lên, miệng há hốc, còn khi ngủ say râu cụp và miệng ngậm lại. Trong trạng thái ngủ sâu khiến chúa có thể… chiêm bao. Chúng ta đoán được điều này thông qua cử động của râu kiến khi ngủ.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm