Bóng đá và góc khuất của đồng tiền

17/09/2011 11:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Đồng tiền có sức nặng ghê gớm và người ta đã khẳng định, mô hình bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời doanh nghiệp. Điều này chỉ đúng khi bóng đá chưa thể nuôi được bóng đá, chứ không phải tương lai của nền bóng đá. Tiền không có nghĩa là tất cả!

PCT VFF Lê Hùng Dũng cho rằng các ông chủ đội bóng phải ngồi lại với nhau để

đi đến thống nhất, thay vì cái gì cũng đổ lỗi cho VFF. Ảnh: Quang Nhựt

“Nói hơi phũ, nhưng cầu thủ bây giờ mất dạy quá. Có tiền mới đá, còn không có tiền thì sinh bệnh. Tôi đề nghị VFF can thiệp, không cho phép một đội bóng ký hợp đồng với những cầu thủ đang chịu án kỷ luật của CLB cũ. Lại nói chuyện hợp đồng. Một cầu thủ do chính chúng tôi đào tạo ra, tốn bao công sức, để rồi cuối cùng nhận được cái phủi tay, chỉ vì nơi khác trả anh ta nhiều tiền hơn. Thật không thể chấp nhận được một thị trường bát nháo như thế”, bầu Đức dành phần thời lượng đáng kể để nói về chuyện phá giá trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam.

Bầu Thắng, rồi chủ tịch K.KH, ông Lê Tiến Anh, cũng nhất trí cao với quan điểm của bầu Đức. Nhưng, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không nghĩ thế. Ông Dũng thừa nhận giá cầu thủ đã bị đẩy lên quá cao trong những năm gần đây, nhưng ông khẳng định, chuyện phá giá thị trường chuyển nhượng là do chính các ông bầu, nhà môi giới, chứ VFF không có chức năng này. Và nữa, chuyện treo thưởng (bất thường) cũng là do các ông bầu.

Theo ông Chủ tịch HĐQT Eximbank, nhà tài trợ chính cho V-League 3 năm liền, các ông chủ đội bóng phải ngồi lại với nhau để đi đến thống nhất, thay vì cái gì cũng đổ lỗi cho VFF.

Trên thực tế, chuyện giá cầu thủ tăng đột biến, có thể vượt xa so với năng lực cống hiến của họ, thế giới cũng đã thế, chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Và kể từ khi luật Bosman ra đời (năm 1995), các cầu thủ chuyên nghiệp hoàn toàn có quyền ký với đội bóng mới, khi hợp đồng với CLB cũ hết hạn. Ở Việt Nam, luật ghi rõ là 6 tháng trước khi hợp đồng cũ hết giá trị hiệu lực, cầu thủ hoàn toàn có quyền đàm phán với đội bóng khác, trong trường hợp không được CLB chủ quản đề nghị ký mới với những thỏa thuận có lợi cho cả 2 bên.

Các ông chủ, những người sử dụng lao động, cứ khăng khăng, thậm chí còn mắng mỏ cầu thủ, thế là quá một phía.

Ông chủ không nhận phần lỗi về mình, mà đá quả bóng qua VFF, rồi nhà môi giới, rồi nữa là báo chí. Họ cho rằng, báo chí cũng có một phần lỗi trong việc đẩy giá cầu thủ lên cao?! Xin thưa, báo chí không có chức năng này.

Bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam từ bao năm qua vẫn chưa cho ra đời “Hiệp hội cầu thủ”, cơ quan cao nhất bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ chuyên nghiệp, mà không phải tòa án hay luật sư. Ông chủ bỏ tiền ra làm bóng đá và họ đấu tranh cho quyền lợi của doanh nghiệp trước nhất, tuyệt nhiên không ai nói đến vai trò – quyền lợi của HLV, cầu thủ, đội ngũ làm thuê và là diễn viên chính của bóng đá.

Đã không thiếu những ví dụ về những đối xử bất công giữa cơ quan quản lý, các ông chủ, với VĐV theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Nếu báo chí không lên tiếng, và Mạnh Thường Quân không góp tay vào, có lẽ từ Trần Thị Kim Hồng (bóng đá) hay Vũ Nguyệt Ánh (karatedo)…, sẽ mãi mãi phải sống chung với thương tật.

Trở lại chuyện thưởng nóng cho mỗi trận đấu, theo bầu Kiên, đáng ra các CLB phải xây dựng quy chế ngay từ đầu và VFF có nhiệm vụ giám sát việc này. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng việc quản lý của cơ quan có thẩm quyền là không phải không thể.

Ở các nền bóng đá phát triển, các giải đấu danh giá, mức tiền thưởng (chủ yếu từ “miếng bánh” bản quyền truyền hình) cho mỗi trận đấu đều được đưa vào khung. Hay ngay như ĐTQG đá VCK World Cup, họ cũng thông báo mức thưởng từ trước khi bước vào giải. Tất cả đều được giám sát rất chặt chẽ, chứ không thả lỏng như ở ta.

Đến lúc này có thể trả lời câu hỏi: ai đã làm nền bóng đá giờ quá phụ thuộc vào yếu tố tiền bạc, được chứ?!

TÙY PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm