Vì sao cựu Tổng thống Arroyo bị bắt?

22/11/2011 07:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Từng ở đỉnh cao quyền lực, giờ đây cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo đang phải đối mặt với hàng loạt các cáo buộc, từ gian lận phiếu bầu tới tham nhũng, vốn có thể khiến bà phải trải qua phần đời còn lại ở trong tù.

Tuần trước, bà Gloria Macapagal Arroyo đã bị bắt và bị cảnh sát lấy dấu vân tay như một tội phạm thông thường, sau khi có các cáo buộc nói rằng bà có hành vi tổ chức gian lận bầu cử và phạm tội tham nhũng. Lệnh bắt được đưa ra chỉ vài giờ, trước khi bà Arroyo lên máy bay ra nước ngoài trị bệnh

Một quyết định cứng rắn

Bà Arroyo trong một bức ảnh chụp chỉ vài ngày trước khi bị bắt

Hãng tin AP lập tức đánh giá sự kiện sẽ là phép thử lớn nhất với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người đã hứa sẽ khởi tố bất kỳ ai phạm tội tham nhũng, không cần biết kẻ vi phạm đứng ở vị trí cao tới đâu. Ông cũng cam kết sẽ khôi phục niềm tin của dư luận và các nhà đầu tư.

Với việc bắt giữ bà Arroyo, 64 tuổi, ông Aquino đã nhận được sự đồng tình từ dư luận Philippines, vốn đã chán ngấy việc phải sống dưới bóng của hàng loạt nhà lãnh đạo tham nhũng, khởi đầu là Ferdinand Marcos. "Nếu bà ấy không có tội, tại sao bà ấy lại tìm cách chạy trốn" - Gerry Rimorin, một nhân viên quản lý bãi đậu xe ở thủ đô Manila chất vấn - "Giờ tôi rất vui vì thấy ngay cả những người quyền lực cũng phải trả giá cho các sai lầm họ gây ra".

Kể từ khi bà Arroyo bị bắt, chưa có cuộc biểu tình nào ủng hộ bà diễn ra. Các tờ báo trong nước cũng chỉ đầy những bài ca ngợi ông Aquino. Trong khi đó quân đội, vốn từng ngả về phía bà Arroyo, cũng giữ thái độ im lặng.

Giới phân tích quốc tế cũng đánh giá quyết định bắt bà Arroyo là hành động dũng cảm của nhà lãnh đạo Philippines. "Ông ấy (Benigno Aquino) nên được xem là người có công trong việc khiến các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm phải chịu trách nhiệm về các hành động do họ thực hiện" - nhà nghiên cứu Gerard Finin ở Trung tâm Đông - Tây có trụ sở tại Hawaii nhận xét.

Được biết hôm 21/11, một toà án đã cho phép bà Arroyo sống cảnh giam lỏng trong một bệnh viện cao cấp để tiện  chữa bệnh liên quan tới xương. Có lẽ lúc ở đỉnh cao quyền lực, Arroyo không thể ngờ có ngày bà sẽ rơi vào hoàn cảnh bi đát như hiện nay.

Một chính trị gia gây nhiều tranh cãi

Bà Arroyo sinh ngày 5/4/1947, là con gái vị Tổng thống thứ 9 của Philippines, ông Diosdado Macapagal. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nền tảng giáo dục bài bản nên bà Gloria Macapagal-Arroyo luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Thời gian nghiên cứu tại Đại học Georgetown ở Mỹ, bà còn trở thành bạn học của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Arroyo bắt đầu tham gia chính trị vào năm 1992 và có hai kỳ làm nghị sĩ ở Philippines trước khi được bầu làm Phó Tổng thống hồi năm 1998.

Ở Philippines, ghế Phó Tổng thống không phải do Tổng thống chỉ định nên về mặt nào đó, Arroyo là nhân vật có quyền lực chính trị lớn thứ 2 trong nước, chỉ sau đối thủ lớn của bà, Tổng thống Joseph Estrada. Arroyo đã giữ khoảng cách với Estrada sau khi ông này bị cáo buộc tham nhũng hồi năm 2000. Ông này bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính không đổ máu hồi tháng 1/2001, mở đường cho bà Arroyo lên ngồi chiếc ghế quyền lực nhất.

Tháng 3/2001, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, Arroyo đã cam kết sẽ làm gương khi nắm ghế lãnh đạo và khẳng định sẽ mạnh tay với nạn tham nhũng. Nhưng chẳng mấy mốc các cáo buộc tham nhũng đã nhanh chóng xuất hiện quanh bà.

Hồi năm 2003, một nhóm sĩ quan quân đội trẻ đã chiếm một khách sạn ở Manila và một siêu thị, yêu cầu bà Arroyo từ chức. Họ buộc tội bà đã phạm tội tham nhũng, sai sót trong quản lý điều hành và không ngăn chặn tình trạng tham nhũng hối lộ lan tràn trong hàng ngũ tướng lĩnh lãnh đạo. Những người lính này nói rằng các viên tướng đã chiếm đoạt tiền ngân sách vốn được dùng để mua đạn và giày cho binh lính.

Arroyo sau đó thề rằng bà sẽ dành những năm cuối trong nhiệm kỳ để vực dậy nền kinh tế ốm yếu của Philippines, đồng thời tuyên bố trước dư luận rằng sẽ không tranh cử trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống 2004. Nhưng bà lại tiếp tục ra tranh cử. Tệ hơn, bà còn bị buộc tội đã dùng tiền công và quyền lực để phục vụ cho chiến dịch tranh cử của mình. Cuối cùng, bà giành chiến thắng với một tỉ lệ phiếu bầu cách biệt rất thấp so với đối thủ, trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi.

Suốt thời kỳ nắm quyền, Arroyo thường bị xem là nhà lãnh đạo thiếu sức hút với công chúng. Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới, bà từng hùng hồn tuyên bố: "Chúa muốn tôi làm Tổng thống". Ngoài ra bà còn thích sử dụng tiếng Anh hơn là ngôn ngữ Tagalog vốn được đại chúng Philippines sử dụng.



Người biểu tình phản đối việc bà Arroyo được ở trong bệnh viện để chữa bệnh. Họ đòi nhà chức trách tống bà vào trại giam.

Mất dần những người bạn quyền lực

Một năm sau khi tái đắc cử, Arroyo đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của mình, khi một đoạn băng ghi âm được tung ra cho thấy bà và một quan chức của uỷ ban bầu cử đã thảo luận về kết quả bỏ phiếu bầu Tổng thống theo hướng có lợi cho bà.

Trong bối cảnh xuất hiện tin đồn đảo chính và tỉ lệ ủng hộ sụt giảm nghiêm trọng diễn ra sau sự kiện, Arroyo vẫn bình tĩnh xuất hiện trên truyền hình quốc gia và nói "tôi xin lỗi", nhưng vẫn không từ chức và khẳng định bà không gian lận.

Nhưng sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt tồi tệ trong sự nghiệp chính trị của Arroyo. Càng ngày bà càng càng bị cô lập, rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khác. Năm 2006, bà phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính lật đổ mình.

Trước khi rời nhiệm sở, Arroyo đã giới thiệu gần 1.000 đồng minh vào các vị trí lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, bao gồm việc đưa Cựu chánh văn phòng Tổng thống lên ghế chánh án toà án Tối cao Philippines. Đó là chưa kể tới 2 đồng minh khác được ngồi vào ghế tham mưu trưởng quân đội và lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng.

Nhưng các động thái mới diễn ra cho thấy những sự chuẩn bị của Arroyo, dù rất cẩn thận và công phu, vẫn khó có thể giúp bà tránh khỏi cảnh rơi vào vòng lao lý, nhất là khi danh sách những người bạn thân, nhiều quyền lực của bà ở Philippines đang ngày càng thu hẹp.

Tường Linh (theo AP)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm